Vui ít, lo nhiều!

Mới đây, thông tin về việc Ban đại diện cha mẹ học sinh Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận 7, TPHCM) hoàn trả số tiền hơn 1,7 tỷ đồng cho phụ huynh học sinh khối lớp 1 (18 lớp) đã tạo sự chú ý đặc biệt trong dư luận.

Mới đây, thông tin về việc Ban đại diện cha mẹ học sinh Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận 7, TPHCM) hoàn trả số tiền hơn 1,7 tỷ đồng cho phụ huynh học sinh khối lớp 1 (18 lớp) đã tạo sự chú ý đặc biệt trong dư luận.

Theo danh sách thì ban đại diện cha mẹ học sinh mỗi lớp phải trả lại cho phụ huynh số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng (tùy thuộc vào các khoản đã đóng góp, mỗi phụ huynh sẽ được nhận lại số tiền từ 400.000 - 1,5 triệu đồng).

Có thể nói, đây là lần đầu tiên trong lịch sử giáo dục của TPHCM có một trường học trả lại tiền cha mẹ học sinh đã đóng góp đầu năm học, hơn thế nữa lại là số tiền có trị giá lớn. Đây có thể xem là một trong những hành động thể hiện sự quyết tâm của UBND quận 7 cũng như cả thành phố trong việc chấn chỉnh tình trạng lạm thu đầu năm học. Tuy nhiên, câu hỏi mà rất nhiều phụ huynh đặt ra là liệu sau khi trường đã hoàn trả lại tiền cho phụ huynh, một vài vật dụng đã được trang bị trong lớp từ trước đó (được tính chung vào số quỹ đã hoàn trả) như kệ sách treo tường, tủ để gối cho học sinh, bàn phụ cho giáo viên có bị tháo dỡ, thu hồi? Trường hợp không thể thu hồi thì đâu sẽ là nguồn kinh phí để hoàn trả lại số tiền đó, hay sẽ vướng tình trạng “thu đầu này để lấp chỗ trống đầu kia”?

Thông tin từ Phòng GD-ĐT quận 7 cho biết, hình thức kỷ luật cho những cá nhân sai phạm hiện chưa được quyết định, trước mắt phụ huynh sẽ được nhận lại số tiền quỹ đã đóng góp sai quy định, sau đó căn cứ vào kết quả khắc phục của ban giám hiệu cũng như ban đại diện cha mẹ học sinh để đưa ra hình thức xử lý phù hợp.

Ghi nhận của chúng tôi vào sáng 1-12 cho thấy, rất nhiều lớp đã hoàn trả lại tiền cho phụ huynh. Tuy nhiên phản ứng chung của phụ huynh là “lo nhiều hơn vui”, bởi theo chia sẻ của một phụ huynh lớp 1/7, ai cũng muốn con mình được học trong môi trường lớp học đầy đủ, khang trang, được trang bị các loại thiết bị nghe - nhìn hiện đại. Hơn nữa, tiền đã đóng ra rồi không ai nghĩ đến việc thu hồi lại. “Vấn đề là ban đại diện cha mẹ học sinh cần ngồi lại trao đổi với nhà trường xem những khoản thu nào là cần thiết, mức đóng góp bao nhiêu là phù hợp với mặt bằng thu nhập chung của phụ huynh. Nếu tiền bỏ ra hợp lý, giúp ích cho việc học của con em thì không có lý do gì chúng tôi không ủng hộ”, phụ huynh này cho biết.

Một ý kiến khác đề nghị trường nên chia các khoản đóng góp ra làm hai loại, một loại khoản thu thống nhất được dùng vào việc mua sắm trang thiết bị, đảm bảo quyền lợi cho tất cả học sinh. Ngoài ra, một số khoản thu khác như hỗ trợ quỹ khen thưởng, trả lương cho bảo mẫu nên linh động, tùy thuộc vào sự tự nguyện và khả năng đóng góp của từng phụ huynh.

Qua đó cho thấy, bên cạnh những mặt trái, việc kêu gọi phụ huynh đóng góp nếu dựa trên cơ sở công khai, hợp tình, hợp lý sẽ nhận được sự đồng tình của phụ huynh. Trong hoàn cảnh ngân sách giáo dục có hạn, các trường trước khi mua sắm, trang bị các loại phương tiện dạy học, phục vụ nhu cầu học sinh cần phải có kế hoạch, xin ý kiến cơ quan chuyên môn xem có phù hợp không, kết hợp với việc tham khảo ý kiến phụ huynh để đưa ra biện pháp thực hiện phù hợp, tránh tình trạng “tiền trảm, hậu tấu” gây bức xúc cho phụ huynh.

MINH QUÂN

Tin cùng chuyên mục