Chúng ta vừa chia tay với Tết Tân Mão, chia tay với các cuộc hàn huyên, sum vầy để người người trở về với những bổn phận, những công việc thường nhật và trong dư âm tết, tuần làm việc đầu tiên cũng vừa khép lại. Phố phường lại hối hả những dòng người ngược xuôi làm việc, học hành, lễ lạt… Nhìn vào đời sống văn hóa những ngày qua, bên cạnh nhiều nét đẹp, dấu son đáng mừng cũng còn những băn khoăn và nỗi buồn đọng lại mà có lẽ xuất phát từ những yếu kém trong cung cách hành xử...
Như đã thành thông lệ, kỳ nghỉ tết thường kéo dài bởi những cuộc vui, hội hè, kiểu “tháng giêng là tháng ăn chơi”. Tuần qua, bên cạnh nhiều cơ quan bắt tay vào làm việc nghiêm túc vẫn thấy không ít công sở còn lè phè, sa đà trong các cuộc vui xuân. Nhiều thú vui của dịp tết cũng theo chân anh chị em tới “chốn công đường”, từ việc gầy độ nhậu, bài bạc đến chuyện lấy giờ công đi mua sắm, du xuân, lễ chùa... Bước đến một số công sở thấy nơi còn chộn rộn không khí tết, nơi quạnh quẽ, trống vắng, người dân không khỏi khó chịu, cực lòng bởi sự chểnh mảng của một số ít cán bộ công chức.
Chuyện giao thông dịp đầu xuân cũng rộ lên quá nhiều nỗi buồn từ việc lộn xộn, kẹt xe, đến chuyện dồn khách ép giá; từ chuyện “đinh tặc” đến những vụ tai nạn thảm khốc, thương tâm. Hậu quả của sự bất cẩn trong bối cảnh quá tải ngày tết, của việc tắc trách, thiếu ý thức khi tham gia giao thôngï. Văn hóa giao thông bị xem nhẹ, luật lệ bị bỏ qua, kỷ cương bị buông lỏng. Việc không tôn trọng các giá trị đạo đức và không nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật thể hiện sự yếu kém trong ý thức của một bộ phận dân cư.
Viếng chùa đầu xuân cầu mong một năm mới an lành, may mắn không chỉ là nhu cầu về tín ngưỡng mà còn trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống tinh thần của người Việt. Dễ bắt gặp hình ảnh cả gia đình với mấy thế hệ cùng hồ hởi đi lễ, vui vì sự hài hòa giữa hạnh phúc gia đình và sự truyền nối của dòng chảy văn hóa tâm linh. Tuy nhiên, ở một số nơi lại bắt gặp những hình ảnh khó coi, từ cảnh ăn xin đến chuyện sa đà ăn nhậu, thản nhiên xả rác bừa bãi, làm mất vệ sinh, mỹ quan. Thật cực lòng khi đi lễ mà phải chen lấn, xô đẩy, giành giật; mặt khác giá các dịch vụ ăn theo từ việc đi lại, giữ xe, ăn uống đến bán hoa quả, đèn nhang thờ cúng đều bị đẩy giá cao ngất, hoạt động mê tín dị đoan, “buôn thần bán thánh” thừa cơ bung ra khắp chốn.
Đầu xuân đi lễ để tìm chút tĩnh tâm, thanh thản lại phải chứng kiến cảnh xô bồ bát nháo, núp bóng chốn tôn nghiêm để làm ăn chụp giật, lòng từ tâm bị lợi dụng, quấy nhiễu, danh thắng bị làm vấy bẩn, môi trường sống bị xâm hại… đáng buồn thay! Ý thức kém của một bộ phận dân cư, cung cách làm ăn kiểu “ăn xổi ở thì” trong bối cảnh các dịch vụ và công tác tổ chức, quản lý chưa theo kịp với nhu cầu tăng đột biến đã gây bao phiền toái và tác động xấu cho xã hội.
Vài ví dụ nhỏ cũng đủ thấy đã cần lắm việc vun đắp và xây dựng lối sống có văn hóa, bởi văn hóa thẩm thấu sâu đậm trong mọi lĩnh vực của cuộc sống và thể hiện nhiều khi qua từng hành vi ứng xử, từng góc cạnh rất nhỏ nhưng lại có tác động lớn đến đời sống xã hội. Xây dựng lối sống văn hóa phải bắt đầu từ giáo dục nhân cách, từ nếp nhà đến học đường, công sở và ngoài xã hội. Và nó sẽ đạt hiệu quả cao khi tự mỗi con người gây dựng cho mình một lối sống lành mạnh và chính họ sẽ trở thành một nhân tố có sức lan tỏa và thuyết phục đối với cộng đồng.
Xây dựng lối sống là chuyện của mỗi người nhưng cũng là việc của toàn xã hội, liên quan đến hoạt động của hầu khắp các cấp, các ngành… Vấn đề xây dựng lối sống văn hóa cần phải được triển khai mạnh mẽ, toàn diện, đồng bộ và cần được duy trì thường xuyên. Bên cạnh việc tuyên truyền nâng cao nhận thức để người dân quan tâm và chủ động, tích cực tham gia vào những vấn đề chung của xã hội cũng rất cần tăng cường quản lý, kể cả những biện pháp cưỡng chế mạnh đủ để răn đe, ngăn chặn những người cố tình vi phạm.
Bước vào xuân mới, mùa vun trồng cho những chồi non cành biếc, cũng là mùa khởi đầu cho một quyết tâm lớn của cộng đồng, cùng chung tay xây dựng và vun đắp một lối sống văn hóa.
TRẦN BẠCH TUYẾT