Vượt dịch, tăng tốc khởi nghiệp sáng tạo - Bài 3: Cơ hội nào cho game blockchain

Tiếp nối dấu ấn của Flappy Bird, game Việt gây sốt toàn cầu ở một tầm mới hơn với game Axie Infinity - chơi game có thể kiếm tiền (game NFT). Không chỉ dừng lại ở chuyện giải trí như game truyền thống, với Axie Infinity, người chơi có thể giao dịch tài sản số trên nhiều nền tảng.
Game Axie Infinity gây sốt toàn cầu
Game Axie Infinity gây sốt toàn cầu

Dấu ấn

Trong Axie Infinity, người chơi sở hữu thú cưng bằng cách mua hoặc vượt qua những thử thách để nhận vật phẩm có tên SLP, viết tắt của small-love potion (lọ thuốc tình yêu nhỏ bé). Từ đây, người chơi có thể bán thú nuôi ảo, SLP mình đang có để đổi lấy đồng token của game có tên AXS. Các đồng này có thể giao dịch trên các sàn tiền điện tử lớn như Binance. Người dùng cũng có thể rút tiền về sau khi bán thông qua tài khoản ngân hàng. Đây chính là điểm khác biệt cơ bản giữa game NFT và game truyền thống, cũng là lý do để game NFT “made in Việt Nam” trở thành một hiện tượng trên toàn cầu.

Theo CNBC (kênh truyền hình Mỹ), mùa hè năm 2020, Axie Infinity đã trở thành một hiện tượng ở Cabanatuan, phía Bắc thủ đô Manila, Philippines. Do dịch Covid-19 và những đợt giãn cách xã hội kéo dài, không thể ra ngoài được, người dân quốc đảo tìm đến trò chơi này nhiều hơn. Từ vật phẩm, quà tặng kiếm được trong game, người chơi có thể “đồng bộ hóa và hoán đổi” đồng AXS thông qua Ethereum (giao dịch theo cặp AXS/ETH trên các sàn tiền số). Kỷ lục cao nhất mà 1 Axie được bán gần đây là 300 ETH (gần 1,6 tỷ đồng).

Trên các diễn đàn công nghệ, game Axie Infinity được bình luận là game NFT đắt giá nhất mọi thời đại. Điều này cũng không ngoa, tháng 5-2021, đội ngũ Axie Infinity gọi vốn thành công 7,5 triệu USD từ chương trình Shark Tank của Mỹ. Theo dữ liệu từ CoinMarketCap, giá của đồng AXS thời điểm cao nhất ở mức 164,58 USD, nâng vốn hóa của dự án game Axie Infinity lên mốc 9,67 tỷ USD.

Ngoài Axie Infinity, không ít dự án và sản phẩm blockchain do người Việt sáng lập và thực hiện đã trở thành hiện tượng toàn cầu như: Kyber Network, Tomochain, Coin98... Những dự án này góp phần đưa Việt Nam xuất hiện ngày càng nhiều trên bản đồ blockchain của thế giới, mở thêm nhiều cơ hội để người trẻ Việt chinh phục và vươn mình trong lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là ở thời điểm “chuyển đổi số” hiện nay.

Danh mục NFT của CoinMarketCap (website theo dõi hầu hết các đồng coin đang được niêm yết trên thị trường) có phần lớn token đến từ các dự án GameFi (là sự kết hợp của tài chính phi tập trung (Defi), NFT và các game online dựa trên blockchain). Theo danh sách này, có hơn 300 token của các tựa game blockchain đã được niêm yết trên sàn tiền số. Hiện Decentraland, Axie Infinity, Gala, The Sandbox, Enjin… là những dự án lớn, có giá trị vốn hóa vượt mốc 3 tỷ USD và mới nhất Thetan Arena, một game mới của đội ngũ start-up đến từ Việt Nam được ra mắt vào tháng 9-2021, nhưng đã đạt mức vốn hóa hơn 500 triệu USD.

Nhiều rào cản

Tuy nhiên, không ít người có ý kiến rằng, các game NFT hiện nay chỉ hấp dẫn người chơi ở yếu tố kiếm tiền và không khéo sẽ kéo theo hệ lụy: bỏ tất cả để lao vào game, trở lại như phong trào game online như chục năm trước đây. Và ở đó những thay đổi về mặt cơ chế của nhóm điều hành, mối quan hệ giữa các token trong game có thể khiến giá trị các loại token giảm mạnh.

Bên cạnh đó, người chơi cũng có thể gặp rủi ro về việc bị lừa chuyển vật phẩm tới địa chỉ của kẻ lừa đảo, hoặc bị dụ gửi số tiền nhất định mới kích hoạt được vật phẩm. Khác với lĩnh vực game truyền thống có công ty quản lý, ở game NFT, người chơi khó lấy lại vật phẩm đã mất. Chưa hết, những cơn sốt vật phẩm NFT dường như vẫn chưa hạ nhiệt, cũng giống như đà tăng điên cuồng của tiền mã hóa vài năm trước đây, cũng như vài tháng vừa qua, nó có thể xì hơi bất kỳ lúc nào và thường sẽ đến vào lúc ít người để ý nhất…

Theo ông Hùng Lee - CMO ABI Games Studio - Công ty Onesoft, dù thời cơ có, tiềm lực có, nhưng để doanh nghiệp game Việt hiện thực hóa tham vọng chuyển mình nhờ blockchain vẫn còn gặp phải nhiều rào cản. Rào cản lớn nhất đến từ ngay chính sách. Hiện tại, quy định pháp luật về blockchain, hay NFT là gần như không có. Cũng chính từ đó, phần lớn các startup về blockchain của Việt Nam hiện đăng ký thành lập ở nước ngoài, mặc dù trụ sở chính cũng như nhân lực đều nằm tại Việt Nam.

Bà Lynn Hoàng, Giám đốc Binance khu vực Đông Nam Á nhận định, cơ hội mà blockchain mang đến cũng diễn ra rất nhanh trước khi định hình những doanh nghiệp nắm giữ vai trò đi đầu, do đó cũng đòi hỏi hành lang pháp luật phải thay đổi tương ứng. Nếu không nắm bắt cơ hội này, Việt Nam sẽ một lần nữa lặp lại tình trạng “chảy máu” startup như những lĩnh vực khác đã và đang diễn ra từ nhiều năm qua”.

Chờ khung pháp lý chính thức


Số liệu thống kê từ Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05, Bộ Công an) cho biết, tại Việt Nam, người sử dụng tiền ảo ngày càng phát triển, được giao dịch công khai, ước có khoảng 1 triệu người sở hữu và tham gia với số tiền giao dịch hàng ngày lên tới vài trăm tỷ đồng. Theo A05, lợi dụng tính ẩn danh của các đồng tiền ảo, hầu như các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này thường không đăng ký thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam.

Các chuyên gia cho rằng, đứng ở góc độ nhà quản lý, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục tiến hành theo dõi, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế cũng như thực tiễn của Việt Nam để đề xuất các biện pháp và chính sách hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và quản lý đối với tiền điện tử, cũng như phối hợp Bộ Tư pháp và các bộ, ngành để đề xuất biện pháp quản lý phù hợp đối với tài sản ảo, tiền ảo trong thời gian tới, theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong trường hợp cho phép sử dụng, giao dịch, kinh nghiệm từ một số quốc gia cho thấy, nếu tài sản mã hóa về bản chất thỏa mãn các điều kiện như chứng khoán thì thường được quản lý như chứng khoán. Đối với tài sản mã hóa phi chứng khoán, dưới góc độ thuế thì sẽ bị đánh thuế giá trị gia tăng đối với giao dịch tài sản mã hóa.

Tin cùng chuyên mục