VWS: Những hoạt động vì môi trường và hỗ trợ vốn cho nông dân nghèo

Đồng hành trong cuộc đua xe đạp phong trào với chủ đề “Bảo vệ môi trường”;  Kiến nghị sớm thực hiện dự án Vành đai cây xanh cách ly xung quanh khu vực bãi rác Đa Phước, Quỹ hỗ trợ cộng đồng David Dương-Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS) đã có nhiều hoạt động vì môi trường và trao “chiếc cần câu” cho nông dân nghèo.
Lễ trao giải thưởng đua xe đạp Vì môi trường và sức khỏe cộng đồng
Lễ trao giải thưởng đua xe đạp Vì môi trường và sức khỏe cộng đồng

Thông điệp đua xe đạp bảo vệ môi trường

Hưởng ứng Ngày môi trường thế giới (5-6), vừa qua Công ty VWS đã phối hợp với Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM (VOH) tổ chức cuộc đua xe đạp phong trào với chủ đề “Bảo vệ môi trường” để tạo sự lan tỏa chung tay bảo vệ môi trường.

Cuộc đua dành riêng cho vận động viên phong trào, các câu lạc bộ nghiệp dư thuộc Trung tâm Thể dục Thể thao các quận huyện, các hội nhóm và những câu lạc bộ phong trào thuộc các tỉnh thành trên cả nước. 

Ông Lê Công Đồng, Giám đốc VOH, chia sẻ: “Chạy xe đạp là một trong những loại hình vận động thể dục thể thao rất tốt cho sức khỏe, được cộng đồng hưởng ứng tích cực, ngày càng thu hút nhiều người, nhiều lứa tuổi tham gia tập luyện và đã trở thành bộ môn thể thao phong trào phát triển rộng khắp. Trong đó, TPHCM là địa phương có số lượng người tham gia bộ môn xe đạp thể thao khá đông và liên tục phát triển trong những năm qua”.

Cuộc đua xuất phát tại trụ sở Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, đích đến tại Khu Công nghệ môi trường xanh, ở huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Đây là hai địa điểm đã, đang và sẽ đóng góp tích cực trong việc xử lý chất thải, rác thải..., góp phần quan trọng bảo vệ môi trường cho TPHCM và tỉnh Long An.

VWS: Những hoạt động vì môi trường và hỗ trợ vốn cho nông dân nghèo ảnh 1 Các tay đua không chuyên trên đường đua

Cuộc đua có độ dài 64km, thu hút 150 tay đua đến từ 20 đội phong trào, chia thành 2 nhóm tuổi: từ 16 đến 44 tuổi và từ 45 đến 60 tuổi. Bên cạnh các tay đua phong trào còn có các vận động viên xe đạp từng thi đấu chuyên nghiệp (nhưng đã nghỉ thi đấu) được đăng ký tham gia. Vượt qua lộ trình dài đầy gian nan, tay đua Nguyễn Hoàng Sang (Câu lạc bộ Xe đạp Sài Gòn Velo quận 1, thi đấu hạng phong trào từ 16 đến 44 tuổi) đã về đích với thành tích 1h38’01’’. 

Anh Mai Công Hiếu, cựu tuyển thủ quốc gia, nói: “Các vận động viên chuyên nghiệp trước đây nay tham gia với anh em phong trào đã góp phần thúc đẩy phong trào xe đạp thể thao Việt Nam ngày càng phát triển và đây là một điều có ý nghĩa”. 

Nói về chất lượng chuyên môn của chặng đua, ông Nguyễn Quốc Tiến, Trưởng ban trọng tài, nhận định: “Các vận động viên đã thi đấu hết mình và đạt tốc độ trung bình gần 40km/giờ. Đây là cung đường đầu tiên chúng tôi tổ chức một giải đua phong trào và nhận được sự ủng hộ của nhiều đội đua, trong đó có nhiều tay đua tên tuổi từng thi đấu chuyên nghiệp. Đây là giải đua gây được sự hưng phấn về mặt giải thưởng. Khâu tổ chức khá chặt chẽ, ban tổ chức đã tạo ra một cuộc đua thành công. Hy vọng năm sau chúng tôi có thể tiếp tục tạo ra được sân chơi như thế này cho giới phong trào xe đạp”.

Ông Ngô Quang Vinh, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Xe đạp - Mô tô Việt Nam, nhận định: “Chúng tôi rất trân trọng và ủng hộ VOH cùng nhà tài trợ tổ chức giải đua xe đạp phong trào để kêu gọi hưởng ứng ngày môi trường. Mong rằng ban tổ chức sẽ tiếp tục phát huy và cuộc đua này sẽ trở thành cuộc đua thường xuyên, để vận động người dân cùng tham gia bảo vệ môi trường. Đồng thời tạo điều kiện cho các vận động viên phong trào có dịp thi đấu, giúp tìm ra được những tài năng trẻ”.

VWS: Những hoạt động vì môi trường và hỗ trợ vốn cho nông dân nghèo ảnh 2 Các tay đua không chuyên trên đường đua

Đồng hành cùng cuộc đua, bà Huỳnh Thị Lan Phương, Phó Tổng giám đốc Công ty VWS, chia sẻ: “Đây là một chương trình vô cùng ý nghĩa về môi trường. Đây cũng là lần đầu tiên chương trình đua xe đạp về môi trường được tổ chức cho các tay đua không chuyên. VOH đã rất thành công, khi chỉ trong khoảng 1 tuần đã huy động xong lực lượng tham gia giải. Tôi hy vọng cuộc đua sẽ được tổ chức trong những lần tiếp theo”.

Cần sớm thực hiện vành đai cây xanh cách ly

Một trong những vấn đề được Công ty VWS quan tâm chính là sự tiến triển của việc thực hiện dự án vành đai cây xanh cách ly. Theo quy hoạch được duyệt, bao bọc xung quanh Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước phải có vành đai cây xanh cách ly để ngăn cách với khu vực bên ngoài và ngăn chặn phát tán mùi hôi. Tuy nhiên hiện nay dự án vẫn chưa được thực hiện.

Để tìm hướng giải quyết, ngày 29-5, đại biểu Triệu Đỗ Hồng Phước, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM, cùng đại diện lãnh đạo các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Sở GTVT, Sở Xây dựng, BQL Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM, Thường trực HĐND và UBND huyện Bình Chánh, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND TP… đã đến làm việc tại Khu Liên hợp Xử lý chất thải Đa Phước thuộc Công ty VWS. Mục đích là giám sát tiến độ triển khai thực hiện dự án vành đai cây xanh cách ly xung quanh khu vực bãi rác Đa Phước theo quy hoạch được duyệt.

Báo cáo với đoàn giám sát, bà Huỳnh Thị Lan Phương, Phó TGĐ Công ty VWS, cho biết: Theo hợp đồng ký kết giữa đại diện UBND TPHCM với Công ty VWS liên quan đến dự án Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước, thành phố có trách nhiệm quy hoạch, thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và trồng cây xanh cách ly. UBND huyện Bình Chánh có trách nhiệm thống kê đất đai các hộ dân liên quan. 

VWS: Những hoạt động vì môi trường và hỗ trợ vốn cho nông dân nghèo ảnh 3 Các vận động viên đang tranh tài

Tại buổi khảo sát, ông Phạm Lương Bằng, đại diện Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Bình Chánh, cho biết, hiện dự án vành đai cây xanh cách ly xung quanh khu vực bãi rác Đa Phước ảnh hưởng đến 772 hộ dân. Huyện Bình Chánh đã có điều chỉnh số vốn cho dự án này lên 2.200 tỷ đồng so với số vốn ban đầu là 1.080 tỷ đồng.

Theo đại diện huyện Bình Chánh, đầu tháng 3-2019, huyện cũng đã trình lên thành phố về việc điều chỉnh số vốn đầu tư dự án cũng như giá đền bù cho người dân. Khó khăn lớn nhất hiện nay là vấn đề bố trí tái định cư cho 772 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án.

Ông Cao Thanh Bình, Phó Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM, nhận định, dự án vành đai cây xanh cách ly xung quanh khu vực bãi rác Đa Phước được HĐND TPHCM thông qua giai đoạn đầu tư 2016-2019. HĐND TPHCM cũng đã ưu tiên bố trí vốn cho dự án 902 tỷ đồng. Nhưng từ 2016 đến nay, việc giải phóng mặt bằng rất chậm.

Ông Triệu Đỗ Hồng Phước, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM, cho biết: “Các dự án nói trên được lãnh đạo TPHCM rất quan tâm, tập trung ưu tiên bố trí vốn để thực hiện dự án. HĐND TPHCM cũng rất quan tâm, bố trí vốn trung hạn  ưu tiên, nhưng đến giờ các dự án vẫn triển khai rất chậm. Việc này làm ảnh hưởng đến những dự án khác, trong khi các dự án khác đang thiếu vốn để làm. Do đó, đề nghị các sở ban ngành quan tâm và phối hợp tốt hơn để sớm triển khai các dự án”.

“Chiếc cần câu” cho nông dân nghèo

Bên cạnh những hoạt động về môi trường, công tác chăm lo đến đời sống của những người nông dân gặp khó khăn cũng được đội ngũ Công ty VWS quan tâm. Khoảng 9 năm trước, ông David Dương, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty VWS, đã thành lập Quỹ Hỗ trợ cộng đồng (HTCĐ) David Dương. Tính đến nay, nhiều hộ nông dân thông qua việc vay vốn từ Quỹ David Dương đã thoát nghèo, có gia đình khá lên, hoàn vốn cho quỹ. Sau đó, đồng vốn lại tiếp tục quay vòng cho những hộ khác vay để giúp nhau phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống.

VWS: Những hoạt động vì môi trường và hỗ trợ vốn cho nông dân nghèo ảnh 4 Đại diện Công ty VWS và Hội LHPN huyện Thủ Thừa đến thăm gia đình anh Nguyễn Quốc Cường

Chúng tôi đã đến ấp 5, xã Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An và gặp anh Nguyễn Quốc Cường hiện là Giám đốc Hợp tác xã Mỹ Thạnh và vợ anh là chị Lê Thị Hằng, nhân viên y tế của Trường tiểu học Mỹ Thạnh A. Trước đây, anh Cường là công nhân, hai vợ chồng phải nuôi hai con ăn học nên rất khó khăn. Không có đất canh tác, anh phải thuê 6.500m2 đất ruộng.

Qua chia sẻ và tư vấn từ Hội Nông dân xã Mỹ Thạnh, anh chị được Quỹ HTCĐ David Dương hỗ trợ khoản vay 10 triệu đồng để đầu tư hệ thống tưới tiêu, cây giống. Mỗi năm, gia đình anh làm được 3 vụ lúa xen canh dưa leo, bầu, cà chua… Hiện tại, anh đang thử nghiệm đưa mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng sang trồng ngoài ruộng và hy vọng sẽ đạt được kết quả tốt. 

Ngoài ra, anh còn tham gia các buổi tập huấn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và kỹ thuật canh tác rau an toàn do Hội Nông dân xã tổ chức. Nhờ áp dụng kỹ thuật, những vụ rau của gia đình anh bội thu và đáp ứng được các chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm.

Sau thu hoạch, để giảm các khâu trung gian, gia đình anh tự vận chuyển đến chợ đầu mối hoặc trực tiếp giao cho các siêu thị nhỏ ở TPHCM. Thu nhập từ mô hình trồng rau hoa màu xen canh mang lại cho gia đình anh mỗi năm hơn 100 triệu đồng. Vừa qua, gia đình anh được bằng khen “Nông dân sản xuất giỏi” và giải “Sáng tạo kỹ thuật nhà nông 2018” của huyện. 

Anh Cường chia sẻ: “Với những gia đình nghèo, đồng vốn từ Qũy HTCĐ David Dương thật hữu ích. Nếu biết sử dụng vốn hợp lý, bà con sẽ có cơ hội thoát nghèo. Giờ tôi mong được vay vốn nhiều hơn để đầu tư mở rộng sản xuất, mua sắm thêm phương tiện vận chuyển để cung cấp rau an toàn đến tận tay người tiêu dùng ở Long An và TPHCM”.

VWS: Những hoạt động vì môi trường và hỗ trợ vốn cho nông dân nghèo ảnh 5 Anh Lê Nhật Thanh trên ruộng bí xanh của gia đình

Anh Lê Nhật Thanh, ngụ ấp 5, xã Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa cũng là thành viên của Hội Nông dân xã Mỹ Thạnh. Trước đây, anh là công nhân thuộc diện gia đình khó khăn. Hiện anh đang là thành viên của Hợp tác xã tại xã Mỹ Thạnh. Nhờ nguồn vốn từ Quỹ HTCĐ David Dương, anh chuyển sang trồng bí xanh và có nguồn thu nhập ổn định. 

Theo báo cáo của Hội Nông dân và Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Thủ Thừa, Quỹ HTCĐ David Dương đã mang lại hiệu quả cao, giúp nhiều gia đình nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, cải thiện kinh tế cho nhiều gia đình. Nhờ đó, có nhiều gia đình đã khấm khá, phát triển bền vững từ nông nghiệp.

Ông David Dương nói về mục đích của quỹ: “Chúng tôi luôn đồng hành cùng người nông dân để hỗ trợ họ vượt qua khó khăn. Thay vì “cho con cá”, chúng tôi giúp bà con có “cái cần câu”. Không có niềm vui nào hơn khi đồng vốn mà chúng tôi hỗ trợ được quay vòng, mỗi ngày có thêm những gia đình thoát nghèo, con cái họ được an tâm đến trường…” 

Tin cùng chuyên mục