Xã hội đồng hành cùng doanh nhân

Trong sự phát triển kinh tế-xã hội, sự tăng trưởng GDP của cả nước có sự góp sức to lớn của các doanh nghiệp-doanh nhân. Sự đóng góp của các doanh nghiệp vào GDP ngày một tăng lên, đến nay sức đóng góp của doanh nghiệp lên đến 40% GDP của cả nước. Con số đó cho thấy sự to lớn, trưởng thành không chỉ của các doanh nghiệp Việt Nam mà còn là các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.

Bên cạnh những đóng góp về mặt kinh tế, chúng ta không thể quên sự đóng góp có ý nghĩa xã hội của các doanh nghiệp. Đó là, khi xảy ra thiên tai lũ lụt, doanh nghiệp luôn song hành cùng chính quyền, đoàn thể trong việc cứu tế, hỗ trợ người dân. Hàng ngàn nhà tình thương, nhà tình nghĩa được xây dựng bằng tấm lòng của các doanh nghiệp-doanh nhân, không chỉ mang lại “chỗ ở” mà còn mang lại “mái ấm” cho bà con nghèo – ấm áp bởi sự sẻ chia. Đó là khi những học sinh, sinh viên nghèo không đủ điều kiện đến trường đã được các doanh nghiệp cấp học bổng, hỗ trợ chỗ ăn, chỗ ở. Doanh nghiệp-doanh nhân cũng không thể quên đội ngũ người lao động đông đảo luôn kề vai sát cánh với mình bằng việc xây dựng những chung cư giá rẻ, ngôi nhà hạnh phúc... để họ “an cư”.

Ghi nhận sự đóng góp của doanh nghiệp-doanh nhân cho xã hội, người dân và lãnh đạo các cấp chính quyền luôn đồng hành cùng doanh nghiệp. Trong thời điểm nước ta bị ảnh hưởng sự khủng hoảng của nền kinh tế thế giới, giá cả tăng cao, doanh nghiệp không vay được vốn, lãnh đạo các cấp từ trung ương đến địa phương đã kịp thời tìm cách tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn để đầu tư sản xuất ở một số lĩnh vực trọng yếu.

Còn người dân, có thể lấy việc nhìn thấy cô Ba Huân sóng vai trong “Ngôi nhà mơ ước”, các bà nội trợ vào siêu thị đã chọn ngay sản phẩm trứng Ba Huân; xem ti vi thấy uống sữa ủng hộ 10.000 ly sữa cho trẻ em nghèo, từ đứa trẻ cũng ý thức được sự đóng góp nhỏ nhoi của mình bằng cách đòi mẹ mua ngay nhãn hiệu sữa đó, thay vì uống theo sở thích của mình như trước đây. Đó là bằng chứng cho thấy người dân luôn dõi theo bước đường làm ăn cùng doanh nghiệp. Và đến nay, niềm tin và sự kỳ vọng của người dân vào doanh nghiệp ngày một lớn.

Mới đây là hành động từ chối sản phẩm của Vedan của các bà nội trợ khi doanh nghiệp này gây ô nhiễm môi trường. Các siêu thị cũng ngưng bán sản phẩm của họ. Tiếp đó là việc một doanh nghiệp nằm trong danh sách đen gây ô nhiễm môi trường bị từ chối khi tham gia đóng góp từ thiện. Đó là tiếng chuông báo động về trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp.

Trách nhiệm đó không chỉ bằng những hoạt động từ thiện mà phải bằng sự góp tay xây dựng một xã hội tốt đẹp, một môi trường trong sạch và một tương lai tươi sáng, bền vững. Khi sự kỳ vọng, niềm tin của người dân vào doanh nghiệp càng cao, đồng nghĩa với vai trò của từng doanh nghiệp-doanh nhân càng được khẳng định và trách nhiệm xã hội càng lớn.

Đầu năm 2009, theo tiến trình hội nhập WTO, chúng ta sẽ mở rộng cửa đón chào các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam bằng một cơ chế thoáng, công bằng và cuộc hội nhập thật sự bắt đầu. Song song đó, Đảng và Nhà nước ta đang đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Như vậy, trong thời kỳ mở cửa, các thành phần kinh tế được ra biển với cuộc chơi công bằng.

Cũng như chủ trương của Nhà nước, người dân sẽ nhìn nhận sự đóng góp công bằng của các thành phần kinh tế. Hãy tin rằng, Nhà nước luôn song hành, người dân luôn dõi bước ủng hộ các thành phần kinh tế - những doanh nhân làm ăn chân chính. Nếu trước đây doanh nhân được coi là những con người làm giàu cho xã hội thì nay, trong mắt người dân, doanh nhân được nâng lên một tầm cao mới, là người góp tay xây dựng xã hội vững mạnh, một xã hội tương lai tươi đẹp. Và công lao đó luôn được xã hội khắc ghi.

HÀN NI

Tin cùng chuyên mục