Xả rác bừa bãi là hành vi rất kém văn hóa

Con gái tôi học lớp 4, kể: “Cô giáo căn dặn tụi con phải luôn ý thức giữ gìn vệ sinh, không xả rác. Lúc thì cô dùng hình vẽ hướng dẫn cách bỏ rác vào thùng rác, lúc thì cô chỉ thùng rác ở sân trường và bảo khi có rác các con hãy bỏ vào thùng”. Việc giáo dục không xả rác ngay từ khi còn bé là rất cần thiết để hình thành ý thức giữ vệ sinh chung.

Có lần tôi dẫn con gái ra công viên chơi, thấy một người mẹ trẻ ngồi trên ghế sắt đung đưa, ăn xong ổ bánh thì vứt bao ni lông và giấy gói xuống thảm cỏ. Cậu con trai của người phụ nữ ấy (khoảng 6 - 7 tuổi) thấy vậy nói: “Sao mẹ lại xả rác như vậy? Cô dạy không được xả rác”.

Rồi bé chạy tới lượm rác lên đem bỏ vào thùng rác gần đó. Người mẹ bối rối nói với con: “Mẹ xin lỗi con, mẹ vô ý quá, từ nay trở đi mẹ sẽ không như vậy nữa”. Càng bất ngờ hơn, sẵn đó cậu con trai chạy đi nhặt luôn rác vương vãi trên thảm cỏ. Thấy vậy con gái tôi cũng chạy tới phụ nhặt rác, chỉ trong 2 phút, khu vực xung quanh sạch trơn. Qua trò chuyện, người mẹ trẻ ấy chia sẻ với tôi: “Mình vô ý vứt rác, để con nhắc nhở, ngại lắm chứ! Mình nhận lỗi, cho con thấy việc đúng luôn được ủng hộ, việc sai thì phải sửa”.

Ai đã đi học cũng đều được dạy “không xả rác bừa bãi, bỏ rác đúng nơi quy định”, vậy mà nhiều người vẫn tùy tiện xả rác bừa bãi nơi công cộng. Đó là do thói quen lâu ngày, tiện tay thì vứt đi, hay tâm lý đám đông thấy người khác xả rác thì mình cũng làm theo có sao đâu.

Nguyên do chủ yếu là vì người lớn, gia đình, xã hội chưa nêu gương đúng mức, vì thói ích kỷ cá nhân, mặc kệ ngoài đường dơ bẩn miễn nhà mình sạch, người khác xả rác thì mình cũng xả rác. Thế là rác cứ tuôn ra đường. Nhiều người mong muốn đất nước, thành phố nơi mình sống luôn sạch sẽ và văn minh, nhưng chính mình lại xả rác. 

Ở các nước phát triển, việc giữ vệ sinh môi trường luôn được quan tâm hàng đầu, người dân tuân thủ nghiêm ngặt. Ở nước ta, nơi công cộng, trên đường phố, nạn xả rác bừa bãi vẫn diễn ra tràn lan, ảnh hưởng xấu đến môi trường sống.

Dễ nhìn thấy những hành vi thản nhiên xả rác, như uống xong lon nước ngọt vứt vỏ ra đường; ngồi trong quán ăn vứt khăn giấy dưới gầm bàn; thản nhiên hút thuốc nơi công cộng rồi vứt tàn thuốc ra đường...

Cần nhớ rằng, xả rác bừa bãi là hành vi rất kém văn hóa. Hãy nghĩ rằng mình chịu khó không xả rác thì người công nhân vệ sinh sẽ bớt nhọc nhằn, đường phố sẽ sạch hơn, sông rạch đỡ ô nhiễm, đô thị văn minh hơn.

Mỗi người hành động bằng cách lấy mình làm tấm gương, thấy rác nhặt bỏ vào thùng, hẳn sẽ tác động đến người xung quanh, dần lan rộng, góp phần bảo vệ môi trường. Khi thấy ai đó xả rác, ta cũng nên mạnh dạn nhắc nhở.

Việc giữ vệ sinh và văn minh đô thị không thể chỉ làm theo phong trào, hết đợt rồi thôi, mà phải là một cuộc vận động thường xuyên, liên tục. Rất cần báo chí vào cuộc tuyên truyền thực hiện lối sống văn minh không xả rác và đưa tin bài về những hành động đẹp vì môi trường, để tạo sức lan tỏa.

Một gương người tốt, hành động tốt, câu chuyện nhân văn về việc bảo vệ môi trường có thể tác động tới nhận thức, sẽ giúp con người nhìn nhận và hành xử trong đời sống hàng ngày chuẩn mực hơn. 

Tất nhiên phải có biện pháp chế tài thích hợp đối với hành vi xả rác bừa bãi,  cần xử phạt nặng, buộc khắc phục hậu quả bằng việc lao động công ích dọn dẹp rác xả nơi công cộng và rác đổ xuống kênh rạch. Cùng với việc phạt tại chỗ khi phát hiện người xả rác, cũng nên gắn camera quan sát làm bằng chứng phạt nguội các hành vi xả rác nơi công cộng.     

Tin cùng chuyên mục