Vào tháng 8-2014, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TPHCM đã tống đạt Quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Võ Văn Nhanh (47 tuổi) về hành vi buôn bán vé xe buýt giả.
Theo lời khai nhận ban đầu, Nhanh là xã viên và là Trưởng ban Kiểm soát của Hợp tác xã Quyết Tiến, chủ xe buýt số 53N-6392. Xe của Nhanh được phân chạy 6 chuyến/ngày tuyến Bến Thành - Củ Chi, được trợ giá 300.000 đồng/lượt, mỗi lượt phải bán được 78 vé.
Từ tháng 4-2014, do xe thường xuyên không đạt chỉ tiêu về số lượng vé bán ra nên Nhanh đến Bến xe An Sương tìm mua vé xe buýt trôi nổi để bổ sung cho số lượng vé thiếu. Ngoài ra, Nhanh mua vé giả rồi bán lại cho các chủ xe buýt khác để thu lợi bất chính. Số vé giả này được nộp lại, thanh toán với Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng. Tổng số vé giả Nhanh bán khoảng 7.490 tập, trị giá hơn 838 triệu đồng. Toàn bộ vé giả đều là vé xe buýt thuộc tuyến số 4, tuyến nằm trong chương trình trợ giá của thành phố.
Trước đó, tháng 1-2014, Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng chấm dứt hợp đồng đặt hàng đưa rước học sinh với Hợp tác xã vận tải Thủy bộ - du lịch Thành Long với lý do doanh nghiệp này không đảm bảo điều kiện và tiêu chuẩn theo quy định. Tuy nhiên, theo kết luận thanh tra của Thanh tra Sở Giao thông Vận tải TPHCM, khi chọn ngẫu nhiên 8/81 trường do Hợp tác xã Thành Long đảm nhận đưa rước học sinh tại các huyện Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ, Hóc Môn, Bình Chánh để kiểm tra, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải TPHCM đã phát hiện nhiều vi phạm.
Cụ thể: không cung cấp được bảng chấm công đưa rước học sinh của tài xế; nhà học sinh ở tuyến đường A nhưng lại có tên tham gia đi xe đưa rước trên tuyến đường B; trong danh sách học sinh đi xe đưa rước, hầu hết chữ ký đều cùng nét, cùng màu mực; việc đưa rước học sinh của phần lớn các trường tiểu học là trên một tuyến đường nhưng danh sách lại cùng một lớp...
Tuy kết luận thanh tra cho rằng không có cơ sở xác định có thất thoát hay không tiền trợ giá trong năm 2012 đối với Hợp tác xã Thành Long, nhưng với những vi phạm trên, chúng ta có thể đặt nghi vấn.
Mỗi năm, TPHCM chi khoản tiền không nhỏ trợ giá xe buýt nhằm khuyến khích người dân sử dụng phương tiện cộng cộng. Khoản trợ giá xe buýt tăng dần theo từng năm, năm 2008 trợ giá xe buýt là 639 tỷ đồng, đến năm 2013 tăng lên 1.300 tỷ đồng và năm 2014 là gần 1.400 tỷ đồng.
Không nói đến lâu nay hoạt động của xe buýt vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn khi mới chỉ 11% người dân thành phố tham gia giao thông bằng phương tiện công cộng, việc “miếng bánh ngon” tiền trợ giá bị xà xẻo bằng nhiều cách khiến dư luận rất bức xúc.
Tội phạm sẽ bị xử lý, sai phạm bị phát hiện sẽ được chấn chỉnh, nhưng những khoản tiền thất thoát này lẽ nào không có đơn vị liên quan chịu trách nhiệm? Đây là tiền thuế của người dân đóng góp, không thể để cảnh “cha chung không ai khóc” mà không có đơn vị nào chịu trách nhiệm.
ÁI CHÂN