Kỷ niệm 100 năm Đại học Quốc gia Hà Nội

Xây dựng một mô hình giáo dục đại học phù hợp

Xây dựng một mô hình giáo dục đại học phù hợp

Ngày 15-5, tại Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập và đón nhận Huân chương Sao Vàng.

Xây dựng một mô hình giáo dục đại học phù hợp ảnh 1

Các khách mời dự lễ kỷ niệm 100 năm đang xem biên niên sử của trường.

Hiện nay, đội ngũ cán bộ của ĐH Quốc gia Hà Nội đã phát triển mạnh mẽ về số lượng và chất lượng với trên 2.700 cán bộ, trong chức, trong đó, có 1.516 cán bộ giảng dạy. Tỷ lệ cán bộ giảng dạy có trình độ trên ĐH chiếm 70%.

Nhiều công trình nghiên cứu khoa học của ĐH Quốc gia Hà Nội được tặng giải thưởng lớn, trong đó có 13 giải thưởng Hồ Chí Minh, 16 giải thưởng nhà nước và hàng chục giải thưởng khoa học có uy tín...

Đến dự và phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã đánh giá cao những đóng góp của trường và nêu lên một số nhiệm vụ quan trọng của ĐH Quốc gia trong thời gian tới. Đó là phát huy thế mạnh đặc thù về khoa học cơ bản và cơ cấu đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, nghiên cứu khoa học; quan tâm đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, quy trình đánh giá, bồi dưỡng cán bộ giảng dạy; kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo với nghiên cứu khoa học và triển khai ứng dụng, góp phần tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, xứng đáng với vai trò nòng cốt trong hệ thống giáo dục đại học...

* Chiều cùng ngày, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm, Ủy viên Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã chủ trì lễ khai mạc Diễn đàn quốc tế về giáo dục đại học trong thế kỷ 21, với sự tham gia của gần 300 đại biểu là các nhà quản lý, chuyên gia giáo dục, trong đó có hơn 100 đại biểu đến từ 38 trường đại học trên thế giới và các tổ chức quốc tế.

Diễn đàn này là hoạt động trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 100 năm thành lập Đại học Đông Dương - tiền thân của Đại học Quốc gia Hà Nội nhằm tăng cường giao lưu học thuật và tạo cơ hội cho các nhà quản lý, các nhà khoa học Việt Nam gặp gỡ, trao đổi những vấn đề cấp thiết của giáo dục đại học, tiến tói xây dựng một mô hình giáo dục đại học phù hợp, hiệu quả cao thông qua hợp tác quốc tế.

Trên 30 báo cáo khoa học đã được trình bày tại diễn đàn này với các nội dung: thách thức của giáo dục đại học trong nền kinh tế tri thức ở thế kỷ 21; hệ thống quản trị đại học với yêu cầu hiện đại hóa, tối ưu hóa, trách nhiệm xã hội và phát triển bền vững; các chuẩn mực quốc tế tập trung vào đảm bảo chất lượng và đổi mới phương thức tổ chức dạy và học... Diễn đàn này sẽ kéo dài tới hết ngày 16-5.

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm nhấn mạnh: Hiện tại, trong bối cảnh khoa học và kỹ thuật phát triển không ngừng, xu thế phát triển nhanh của tri thức toàn cầu-nền tảng để phát triển kinh tế, Chính phủ và nhân dân Việt Nam luôn coi phát triển giáo dục, khoa học, kỹ thuật là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển đất nước. Thay đổi cơ bản về chất lượng giáo dục, trong đó có giáo dục đại học là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong Chiến lược phát triển giáo dục của Việt Nam từ 2001-2010 và tầm nhìn đến 2020.

Ngay trong lễ khai mạc diễn đàn này, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm cùng bà Alix Turolla Tardieu, cháu nội cố họa sĩ người Pháp Victor Tardieu - tác giả của bức tranh tường lớn nhất Việt Nam cùng chứng kiến lễ ra mắt bức tranh phục chế trên giảng đường lớn của Đại học Quốc gia Hà Nội, sau hơn nửa thế kỷ bị hư hỏng nặng.

V.L. - P.B.
 

Tin cùng chuyên mục