
Ngày 13-11, tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT đã long trọng tổ chức kỷ niệm 60 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập Bộ Canh nông (14-11-1945 – 14-11-2005), tiền thân của Bộ NN-PTNT ngày nay. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan đã tới dự và phát biểu.
Từ một nước thiếu thốn về lương thực, sau 20 năm thực hiện đường lối đổi mới (1985 – 2005), nông nghiệp đã giành được nhiều thành tựu to lớn và toàn diện, đưa Việt Nam trở thành cường quốc xuất khẩu gạo, cà phê, cao su, chè, điều, rau quả...

Trong 5 năm gần đây, Việt Nam đã sản xuất được trung bình 35 triệu tấn lúa/năm, bảo đảm mỗi năm xuất khẩu được khoảng 4 triệu tấn gạo; tỷ trọng chăn nuôi đã nâng từ 17% lên 23%; độ che phủ của rừng đã được nâng lên 37,7%. Năm 2005, kim ngạch xuất khẩu nông lâm sản của Việt Nam ước đạt trên 5 tỷ USD.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát khẳng định, trong giai đoạn 2006 – 2010 sẽ tập trung xây dựng ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hiệu quả, hiện đại và bền vững, có năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cao. Thông qua đó, hoàn thành mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng 4% – 4,5%/năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế nông thôn 7,5% – 8%, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, kim ngạch xuất khẩu nông lâm sản đạt 7 tỷ USD, nâng độ che phủ của rừng lên 44%.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã đánh giá cao những thành tựu mà ngành nông nghiệp đạt được trong 60 năm qua. Phó Thủ tướng yêu cầu, trong giai đoạn mới, phải tập trung xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại với hàng hóa nông sản sạch, có chất lượng, chứa hàm lượng khoa học kỹ thuật cao.
Muốn vậy, phải áp dụng phương thức sản xuất mới, cơ giới hóa, công nghiệp hóa ngành nông nghiệp; các nhà khoa học phải tập trung nghiên cứu và cho ra đời những giống cây, con có hiệu quả kinh tế cao, sức cạnh tranh mạnh. Có như vậy, sản phẩm nông nghiệp mới đủ sức đứng vững ở thị trường trong nước và vươn ra thị trường quốc tế.
Song song với việc phát triển nông nghiệp, Phó Thủ tướng cũng lưu ý cần phải xây dựng mô hình nông thôn mới, có cơ cấu sản xuất tập trung chuyên canh; ưu tiên hơn nữa cho nông dân ở vùng sâu, vùng xa nhằm hạn chế gia tăng khoảng cách về đời sống giữa nông thôn và thành thị.
V.N.