Xây dựng nhà cho thuê - Cần điều tra sâu rộng

Xây dựng nhà cho thuê - Cần điều tra sâu rộng

Tuần qua, Báo SGGP nhận được nhiều phản hồi từ bài viết “Nhà cho thuê, có phù hợp với Việt Nam?”. Nhiều ý kiến đồng tình với quan điểm của báo nhưng cũng không ít ý kiến ngược lại.

Một khu căn hộ nhà cho người có thu nhập thấp thuê tại quận 12. Ảnh: Thanh Tâm

Một khu căn hộ nhà cho người có thu nhập thấp thuê tại quận 12. Ảnh: Thanh Tâm

Những ý kiến tập trung phân tích tính tiện lợi của loại hình nhà ở cho thuê và cho rằng nên phát triển mạnh loại hình này để giải quyết nhu cầu nhà ở cho đại đa số người thu nhập thấp, đặc biệt là người thu nhập thấp ở đô thị. Tính tiện lợi của nhà cho thuê là có thể sử dụng cho nhiều đối tượng nên từ đó giúp nhà nước tiết kiệm đất, tiết kiệm chi phí xây dựng. Phát triển nhà cho thuê còn có tác động tích cực đến giao thông. Người dân có thể chuyển nhà thuê liên tục theo nhu cầu công việc, đến ở gần hơn khu vực công sở của mình. Bớt người đi lại, điều ấy cũng có nghĩa giảm nguy cơ tắc nghẽn giao thông.

Tất cả những điều ấy không sai và nhiều ý kiến ủng hộ chủ trương xây dựng nhà cho thuê giá rẻ để phục vụ nhu cầu ở của một bộ phận không nhỏ người thu nhập thấp. Ở đây chỉ có một vấn đề cần cân nhắc: Phát triển nhà cho thuê tới mức nào cho vừa?

Tiến sĩ Trương Trung Kiên, Trưởng phòng Quản lý khu trung tâm thuộc Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM cho biết, phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp được rất nhiều quốc gia quan tâm. Tuy nhiên, trước khi xây dựng bao giờ họ cũng tiến hành khảo sát rất chi tiết. Cùng thuộc nhóm người có thu nhập thấp nhưng mức thấp của từng bộ phận rất khác nhau. Có người mới “chạm trần” của mức thu nhập thấp và cũng có người đã ở dưới đáy của mức này. Và như vậy, chắc chắn nhu cầu và khả năng mua nhà của các đối tượng trên hoàn toàn khác nhau. Người có mức thu nhập “chạm đáy” ít dám mơ đến việc sở hữu một ngôi nhà và thuê nhà để ở là giải pháp được họ ưu tiên chọn. Ngược lại, người có thu nhập “chạm trần”, bước đầu có thể chưa đủ tiền mua nhưng họ có thể tích góp dần để sở hữu một ngôi nhà.

Tất nhiên, ở Việt Nam cũng có nhiều kế hoạch khá cụ thể cho chiến lược phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp. Đơn cử, tại TPHCM, Sở Xây dựng lên kế hoạch khá chi tiết cho từng thời kỳ. Từ nay cho đến hết năm 2015, Sở Xây dựng đặt mục tiêu xây dựng 39 triệu m² nhà ở nhằm nâng bình quân diện tích nhà/người lên 17m²/người, tương ứng mỗi năm TPHCM phát triển mới 7,8 triệu m² nhà ở. Từng loại nhà cho mỗi đối tượng khác nhau được phân bổ khá rõ ràng như năm 2012, nhà lưu trú công nhân 5.450 chỗ, ký túc xá sinh viên 40.000 chỗ, nhà ở xã hội vốn ngân sách 11.297 căn, nhà ở xã hội vốn ngoài ngân sách 4.392 căn…

Thế nhưng, nói Việt Nam đã điều tra, khảo sát chi tiết các đối tượng thu nhập thấp gần như chưa thấy. Chưa kể nghiên cứu thói quen của người dân, hoàn cảnh xã hội liên quan đến nhà ở. Trong bối cảnh các cơ quan chức năng chưa thể chăm sóc tốt cuộc sống cho người già thì tất yếu người dân phải tự lo. Họ lo bằng cách nào? Chủ động nhất vẫn là cố gắng mua cho được một ngôi nhà để không phải lo “nắng mưa”. Đến lúc già mà phải chia sẻ đồng lương hưu ít ỏi cho việc thuê nhà quả là một gánh nặng rất lớn đối với người dân. Trong bối cảnh này nếu vẫn tiếp tục đầu tư mạnh cho loại hình nhà cho thuê sẽ không hợp lý. Nên chăng đầu tư loại hình nhà này một cách vừa phải và cần tập trung lực cho loại hình nhà mua trả góp?

Tất nhiên, trên đây chỉ là những gợi ý… Muốn biết rõ nhu cầu người dân ra sao để từ đó xây dựng một chiến lược phát triển nhà ở hợp lý cần có một cuộc điều tra sâu rộng. Có như vậy, việc đầu tư nhà ở cho người thu nhập thấp mới thu được kết quả như mong muốn.

Nguyễn Khoa

Tin cùng chuyên mục