Xem trọng lợi ích của dân

Một trong những vấn đề thu hút sự chú ý, quan tâm đặc biệt của dư luận trong những ngày qua là đập thủy điện Sông Tranh 2 với 730 triệu m³ bị rò rỉ nước. Nhìn dòng nước tuôn xối xả bên ngoài thân đập và cách khắc phục thô sơ, mang nặng tính giải quyết tình thế cùng hàng loạt giải thích, đánh giá khá trái ngược nhau, nỗi âu lo cứ tăng dần. Sự an toàn của hàng vạn sinh mệnh khiến bất cứ ai có lương tâm và trách nhiệm đều không khỏi lo lắng.

Với vị trí địa lý đặc biệt thuận lợi trong việc xây dựng và khai thác thủy điện, trong những năm qua, khu vực miền Trung và Tây Nguyên đã trở thành đại công trường xây dựng thủy điện. Không chỉ có các tập đoàn, tổng công ty nhà nước mà còn có rất nhiều công ty tư nhân, liên doanh ồ ạt đầu tư và thi nhau khai thác.

Trước hết, cần nhìn nhận việc xây dựng và khai thác thủy điện để cung cấp năng lượng cho quá trình xây dựng và phát triển đất nước là hết sức cần thiết. Thực tế trong những năm qua, nguồn năng lượng từ các đập thủy điện lớn của miền Trung và Tây Nguyên đã góp phần không nhỏ vào lưới điện quốc gia. Tuy nhiên, công tác quy hoạch thủy điện còn nhiều bất cập.

Việc bất chấp những tác động tới tự nhiên, xây dựng thủy điện tràn lan đã gây ra nhiều hệ lụy đối với môi trường; sự an toàn của người dân các vùng hạ lưu bị tác động và đe dọa. Những tiếng nổ trong lòng đất quanh khu vực xây dựng thủy điện Sông Tranh 2, hạ lưu sông Vu Gia cạn nước, hiện tượng sạt lở nghiêm trọng tại khu vực hạ lưu sông Thu Bồn… xảy ra trong thời gian qua cho thấy sự tác động to lớn lên tự nhiên và cuộc sống con người của việc xây dựng thủy điện tràn lan, thiếu căn cứ khoa học. Sự phản ứng ngược của thiên nhiên là hệ quả tất yếu, gây nhiều thiệt hại cho người dân địa phương. Trong khi đó, các ông chủ dự án, những nhà đầu tư vẫn “bình chân như vại”.

Ở bất cứ quốc gia nào, việc xây dựng và khai thác thủy điện luôn được xem là hệ trọng và chịu sự giám sát chặt chẽ. Trong khi đó, tại một số tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, có không ít công trình lọt lưới khá dễ dàng từ khâu thẩm định đến xây dựng, vận hành-dù mọi thủ tục giấy tờ đều có đủ.

Trong nhiều năm qua, hàng loạt thủy điện lớn nhỏ ồ ạt mọc lên khiến quy hoạch tổng thể bị phá vỡ. Có nhiều thủy điện được xây khá gần nhau dù nguồn nước lẫn sức nước hạn chế; có thủy điện ngay sau khi vận hành đã gây ra hiện tượng cạn kiệt nguồn nước sông vốn rất dồi dào trước đó, khiến đời sống của người dân và môi trường sinh thái ở vùng hạ lưu bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trước thực trạng này, một số nhà khoa học có uy tín và tâm huyết đã từng cảnh báo: nếu việc xây dựng và khai thác thủy điện cứ thực hiện theo kiểu như vậy, không bao lâu nữa chúng ta sẽ phải lãnh hậu quả.

Rõ ràng, trong việc xây dựng và khai thác thủy điện Sông Tranh 2 nói riêng và cả hệ thống thủy điện nói chung, quyền lợi của người dân chưa thật sự được xem trọng. Trong khi đó, nguồn lợi to lớn từ việc đầu tư, khai thác một số thủy điện có thể đã chảy vào túi những tổ chức, cá nhân. Đương nhiên, đã đầu tư ắt phải có lợi nhuận. Nhưng không thể vì lợi nhuận mà bất chấp tất cả; không thể vì lợi ích của một nhóm người, hay một vài cá nhân mà ngang nhiên xem thường lợi ích của nhân dân. Trong bất kỳ tình huống nào, lợi ích của nhân dân đều phải được xem trọng.

Một trong những câu hỏi mà dư luận đặt ra ngay từ sau vụ đập thủy điện Sông Tranh 2 bị rò rỉ nước là: liệu đây có phải là trường hợp duy nhất? Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu cần tổ chức rà soát, kiểm tra, thẩm định toàn bộ hệ thống thủy điện trên phạm vi cả nước, từ đó đề ra các giải pháp khắc phục kịp thời.

Điều đặc biệt quan trọng là đừng bao giờ đặt lợi ích của bất cứ cá nhân hoặc tổ chức nào lên trên lợi ích của nhân dân. Làm được điều đó là góp phần thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) cũng như việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. 

TÔ TUÂN

Tin cùng chuyên mục