Xét nghiệm cúm gia cầm ở đâu?, xử lý như thế nào?

Xử lý gia cầm bị bệnh chết bằng hai biện pháp: chôn hoặc đốt. Việc chôn, đốt phải đảm bảo không ô nhiễm môi trường. Những người thực hiện việc tiêu hủy gia cầm phải có trang bị bảo hộ phòng lây nhiễm.

- Bạn đọc NGUYỄN THANH LUÂN (thanhluanca1982@...): Mấy ngày nay, tôi nghe nhiều về bệnh cúm A/H5N1. Nhà tôi có nuôi nhiều gia cầm nên rất quan tâm vấn đề này, xin các chuyên gia cho biết: khi phát hiện gia cầm bị bệnh thì xử lý như thế nào? Trường hợp cần xét nghiệm bệnh cúm gia cầm trên động vật, tôi có thể xét nghiệm ở đâu tại TPHCM?

TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TPHCM: Khi phát hiện đàn gia cầm mắc bệnh, chết, có dấu hiệu mắc bệnh cúm gia cầm thể độc lực cao và đàn gia cầm nuôi thả rông xung quanh chưa được tiêm phòng vaccine cúm; đàn gia cầm đã tiếp xúc với đàn gia cầm mắc bệnh hoặc tiếp xúc với đàn gia cầm có dấu hiệu mắc bệnh cúm gia cầm thể độc lực cao, cần tiêu hủy đàn gia cầm ngay. Xử lý gia cầm bị bệnh chết bằng hai biện pháp: chôn hoặc đốt. Việc chôn, đốt phải đảm bảo không ô nhiễm môi trường. Những người thực hiện việc tiêu hủy gia cầm phải có trang bị bảo hộ phòng lây nhiễm. Bên cạnh đó, báo cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương hướng dẫn, quản lý, thực hiện tiêu độc khử trùng, tiêm phòng và giám sát việc tiêm phòng.

Trường hợp cần xét nghiệm bệnh cúm gia cầm trên động vật tại TPHCM, bạn nên đến các phòng thử nghiệm nông nghiệp được công nhận xét nghiệm bệnh cúm gia cầm trên động vật, như: Trạm Chẩn đoán xét nghiệm và Điều trị bệnh động vật, trực thuộc Chi cục Chăn nuôi và Thú y TPHCM (128 Trần Quý, phường 6, quận 11. Điện thoại: 02838551258); Chi cục Thú y Vùng VI (521/1 Hoàng Văn Thụ, phường 4, quận Tân Bình. Điện thoại: 02838118302).

Bạn đọc có thắc mắc về tình hình sức khỏe, cách phòng chống bệnh, vui lòng gửi câu hỏi theo địa chỉ:

Ban Khoa giáo - Báo SGGP, số 432 Nguyễn Thị Minh Khai, phường 5, quận 3, TPHCM;

hoặc qua email: thanhson@sggp.org.vn

Tin cùng chuyên mục