Xi măng khan hàng

Xi măng khan hàng

Mấy ngày gần đây, rất nhiều đại lý kinh doanh vật liệu xây dựng (VLXD) đã phản ánh với phóng viên báo SGGP về tình trạng khan hàng, thiếu xi măng để bán. Vì sao vậy?

  • Khan hàng, tăng giá

Ông Nguyễn Minh Tài, Phó phòng Kinh doanh Trung tâm Vật tư xây dựng CMC Home (quận Tân Bình) cho biết, thời điểm giáp Tết này mặt hàng xi măng bán rất chạy. Hiện nay, trung bình mỗi ngày trung tâm tiêu thụ từ 10 đến 15 tấn, tuy nhiên, do khan hàng nên nhiều khách hàng phải gọi điện đặt hàng trước mới có.

Xi măng khan hàng ảnh 1

Chủ một đại lý vật liệu xây dựng trên đường Tô Hiến Thành (quận 10) bức xúc: “Chúng tôi đi lấy hàng mấy lần, chờ đợi, năn nỉ ỉ ôi mãi vẫn không mua được hàng. Bây giờ nhiều khách hàng hỏi mua, chúng tôi cũng đành chịu".

Theo các đại lý, cửa hàng chuyên bán VLXD, sở dĩ mặt hàng xi măng tiêu thụ mạnh là do thời điểm cuối năm, giáp Tết, nhu cầu sửa chữa nhỏ nhà cửa và các công trình xây dựng của người dân tăng cao. Do khan hàng dẫn đến tình trạng một số đại lý, cửa hàng bán lẻ âm thầm nâng giá bán. Hiện nay, giá xi măng bán lẻ trên thị trường đã tăng 200 – 300 đồng/kg so với giá quy định.

  • Đâu là nguyên nhân?

Vì sao lại có tình trạng khan hàng này? Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, cho đến nay, một số công ty xi măng đã ngừng sản xuất hoặc chỉ sản xuất nhỏ giọt. Khi được hỏi về lý do, giám đốc một công ty xi măng trả lời: “Chúng tôi đã hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch của năm ngay từ tháng 11-2005 nên không sản xuất nữa, qua năm mới tính chuyện sản xuất trở lại”.

Trưởng phòng kinh doanh của một công ty xi măng khác thì cho rằng: “Càng sản xuất, càng lỗ. Từ hơn nửa năm qua, chúng tôi chỉ sản xuất cầm chừng để không bị mất thị phần, để thương hiệu không bị thị trường lãng quên mà thôi”.

Theo Vụ Quản lý VLXD (Bộ Xây dựng) nhu cầu tiêu thụ xi măng trong 6 tháng cuối năm tăng lên rất cao, khoảng 20%-30% so thời điểm đầu năm và tăng 15%-20% so với cùng kỳ năm 2004 (tức tương đương khoảng 26 đến 26,5 triệu tấn). Thế nhưng, việc sản xuất xi măng gặp nhiều khó khăn do chi phí đầu vào tăng mạnh.

Ngoài clinke và cước phí vận chuyển, tất cả các loại nguyên liệu tham gia hạch toán giá thành sản xuất xi măng như thạch cao, giấy kraft (để làm bao bì), dầu DO, xăng, nhớt … đều tăng, như nhớt tăng 29,4%, giấy kraft tăng 23,6%… Trong khi đó, nhà nước vẫn chưa cho phép doanh nghiệp tăng giá bán. Đây cũng chính là lý do khiến cho nhiều công ty xi măng hạn chế sản xuất, dẫn đến tình trạng xi măng hiếm hàng trong dịp cuối năm.

Theo dự báo của TCT xi măng, nhu cầu tiêu thụ xi măng trong năm 2006 sẽ còn tăng mạnh, bởi hàng loạt các công trình trọng điểm quốc gia như cầu, hầm Thủ Thiêm, đường cao tốc Trung Lương, cầu Cần Thơ, cầu Phú Mỹ … sẽ đẩy mạnh tốc độ thi công để hoàn thành dự án theo kế hoạch. Và như vậy nhu cầu tiêu thụ xi măng của cả nước có khả năng lên đến 27-29 triệu tấn/năm, tức tăng khoảng 15%-20% so với năm 2005, trong khi đó khả năng đáp ứng nhu cầu tiêu thụ xi măng của các doanh nghiệp trong nước hiện chỉ ở vào khoảng 23-24 triệu tấn/năm. 

THU TUYẾT-THANH HÙNG

Tin cùng chuyên mục