Xin đừng kinh doanh trên những mái đầu xanh

Đứng trước cổng trường chờ đón con, không ít phụ huynh phải mang theo cơm hộp, xôi, bánh mì… cho con lót dạ để tiếp tục vào các lớp học thêm như công nhân tăng ca. Học thêm không là chuyện mới nếu như đây là nhu cầu thật sự, ngặt nỗi bây giờ thành chuyện tế nhị, không nói ra nhưng ai cũng biết. Đó là phải học thêm “đúng địa chỉ”, nếu không muốn bị điểm xấu hay trung bình.

Chị phụ huynh thường đón con mà tôi đã khá quen mặt, bức xúc kể về trường hợp “tự nguyện” học thêm của con mình. Con chị ngoài giờ học chính khóa ở trường còn học thêm môn Văn tại một trung tâm bồi dưỡng khá tiếng tăm của TP, chưa kể cháu đã mấy năm ròng đeo bám lớp tiếng Anh tại một trung tâm ngoại ngữ lớn của TP với mức học phí mỗi khóa ngót nghét 8-9 triệu đồng. “Bài làm văn của cháu luôn 8 điểm còn điểm học ngoại ngữ toàn “good, good” nên vợ chồng tôi cũng mừng và tin rằng mình đã đầu tư đúng chỗ”, chị phụ huynh nói nhưng khóe mắt đỏ hoe. Ai ngờ điểm Văn và Anh Văn trong trường chính khóa của cháu chỉ đạt 5-6 điểm. Một hôm, cháu đi học nhưng để lại một tờ giấy trên bàn cho ba mẹ, ghi: “Con đã suy nghĩ rồi, ba mẹ nên cho con đi học thêm ở nhà cô giáo chứ điểm trong lớp như vừa rồi con không chịu nổi…”. Thái độ của con làm anh chị giật mình. Đêm hôm ấy sau nhiều lần thủ thỉ, thậm chí tranh cãi với con, chị phải nhượng bộ, gọi điện thoại đến nhà cô giáo dạy Văn trong lớp để xin cho con học thêm. Chỉ một tháng học thêm… đúng địa chỉ, điểm số của cháu trong lớp đã cải thiện rõ rệt, toàn 9 điểm!

Trường hợp của con tôi cũng không khác. Mới vào đầu năm học, cháu đi học về và kể là cô giáo dạy Văn khó tính lắm. Bài luận văn số 1, hơn nửa lớp dưới điểm trung bình. Nhiều em học giỏi từ năm ngoái, giờ làm bài cũng chỉ 6-7 điểm là cùng. Học sinh, kể cả không ít phụ huynh nhốn nháo đi tìm “ẩn số”, học trò học kém, không nắm được bài hay là…? Phụ huynh này rỉ tai phụ huynh kia, trò này nói với trò kia, hóa ra phải đi học thêm tại nhà cô. Gần tới các đợt làm bài kiểm tra hay thi học kỳ, các em có học thêm đều được cô kèm tận tình, phát thêm đề cương và còn căn dặn “vào lớp, cấm không được cho các bạn khác mượn đề cương”. Chưa hết học kỳ 1, cô đã khéo léo “tiếp thị” rằng hè này cô sẽ cùng nhiều giáo viên mở lớp dạy hè (?).

Giáo viên chưa thể sống bằng lương, đó là một thực tế nhưng đừng vin vào điều ấy để kinh doanh trên những mái đầu xanh. Vẫn còn đó nhiều thầy cô giáo khiêm cung với đồng lương ít ỏi, mái nhà lụp xụp, bữa cơm đạm bạc, lọc cọc với chiếc xe cũ kỹ… nhưng vẫn dạy tốt trên bục giảng và chuyện “dạy thêm dạy bớt” như một điều xa lạ…

Cát Tường

Tin cùng chuyên mục