
(SGGP 12G).- Tháng 2-2008, UBND TPHCM đưa ra mục tiêu đến cuối quý II-2008, TP sẽ xóa hết 102 khu dân cư có nguy cơ cháy lớn (gọi tắt là khu dân cư) trên địa bàn 9 quận của TP. Đến nay, quý III đã khép lại nhưng việc xóa các khu dân cư kiểu này mới đi được nửa chặng đường và chưa về đích đúng hẹn.
Sống trên… lưới lửa

Một con hẻm ở phường 10, quận 6 bị lấn chiếm với những căn nhà tạm bợ
Hẻm 183 Tân Hòa Đ. nằm trong khu Đoàn Kết thuộc phường 14, quận 6 thẳng tắp, khá rộng rãi. Còn lại, tất cả các con hẻm nối với hẻm 183 chỉ rộng khoảng 1m. Đi vào trong hẻm là có cảm giác tối tăm do hẻm đã chật chội, nhỏ hẹp lại luôn bị các hộ gia đình trên lấn, dưới kè; gần như không nhìn thấy ánh nắng mặt trời, còn bên dưới, người dân lại tiếp tục “cát cứ” mặt hẻm làm khu để xe, nấu ăn của gia đình.
Gần 300 hộ gia đình ở khu vực này đều “nén chặt” trong những căn nhà cấp 3, gác gỗ, trên gác và mái được chắp vá tạm bợ và hồn nhiên nấu ăn ở ngoài hẻm. Nếu xảy ra hỏa hoạn thì họ sẽ không biết di chuyển thế nào để thoát được lưới lửa!
Nhiều con hẻm ở đường Nguyễn Văn Luông (phường 11, quận 6) như hẻm 240, 254… lại như trận đồ bát quái. Người lạ đi vào hẻm không biết ra bằng cách nào do hẻm nhỏ, ngoằn ngoèo, xiên xẹo.
Nhà trong khu dân cư chủ yếu bằng gỗ, cũ kỹ, mái tôn, dây điện câu mắc như mạng nhện. Khu dân cư ở bên rạch Ụ Cây (thuộc phường 10, 11 của quận 8) với 1.112 ngôi nhà cấp 4 tạm bợ nằm san sát nhau! Hầu hết dân ở đây là dân lao động nghèo, hệ thống điện, nước phần lớn là tự câu mắc.
Theo thống kê của Sở Cảnh sát PCCC, hàng năm số vụ cháy xảy ra tại khu dân cư thường chiếm tỷ lệ 45%, cá biệt có năm chiếm tới 2/3 (70%) tổng số vụ cháy xảy ra. Thời gian qua, có nhiều vụ cháy thiêu rụi cả chục căn nhà như vụ cháy 17 căn nhà ở đường Dương Bá Trạc (phường 1, quận 8), vụ cháy 13 căn ở đường Phan Văn Khỏe (phường 2, quận 6)…
UBND TP đã chỉ đạo các quận, huyện và các ban ngành tập trung xóa hết 102 khu dân cư (trong tổng số 124 khu dân cư toàn TP) tại các quận 1, 3, 4, 6, 7, 8, 10, Tân Bình, Bình Thạnh vào cuối quý II-2008.
Tuy nhiên, tới ngày 1-10-2008, theo thống kê của Sở Cảnh sát PCCC, chỉ tính riêng 9 quận trên, hiện nay vẫn còn tồn tại tới 45 khu dân cư kiểu này. Cụ thể tại các quận 3 là 5 khu, quận 4 (6 khu), quận 6 (7 khu), quận 8 (10 khu), quận Bình Thạnh (16 khu), quận Tân Bình (1 khu).
Thiếu kinh phí?

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND quận 8 Nguyễn Thành Chung cho biết, thời gian qua, quận phối hợp với các ngành điện, nước… cải tạo được 9 khu dân cư có nguy cơ cháy nổ lớn. Trong đó có 3 phường (8, 10 và phường 15) được thụ hưởng từ chương trình nâng cấp đô thị (của Sở Xây dựng TP) nên đã cải tạo toàn bộ hệ thống nước, điện và nâng cấp hẻm.
Còn các phường khác thì quận sử dụng ngân sách của địa phương kết hợp với nguồn vốn từ nhân dân đóng góp (khoảng 30%) để mở rộng hẻm; phối hợp với ngành điện lực và Báo SGGP thực hiện chương trình “Vì cuộc sống an toàn” nhằm cải tạo hệ thống điện.
Giải thích về việc vẫn tồn tại 10 “điểm nóng”, ông Chung cho biết, các điểm còn lại đều thuộc dạng… khó xơi. 9 khu dân cư được giải tỏa có nhiều thuận lợi do hẻm ngắn, số nhà tạm bợ không nhiều và giải tỏa, đền bù ít trong khi các điểm còn lại thì phức tạp hơn nhiều, cần phải tuyên truyền và có thời gian do kinh phí chuyển hóa phụ thuộc vào nguồn ngân sách. Đặc biệt, có khu nằm trong khu quy hoạch giải tỏa của TP như khu vực rạch Ụ Cây (nằm trong chương trình chỉnh trang đô thị của TP) phải làm đồng bộ và giải tỏa trắng.
Cũng theo ông Chung, khó nhất trong việc chuyển hóa là việc mở rộng hẻm vì phải đền bù giải tỏa trong khi người dân thì nghèo, vận động rất khó. Một điểm nữa là vận động người dân sửa chữa nhà trong bối cảnh giá vật liệu xây dựng tăng, “bữa ăn người ta còn chạy từng bữa thì làm sao sửa chữa được nhà, còn kinh phí để chuyển hóa thì cũng có hạn”.
Trước mắt, với 10 khu dân cư còn lại, quận tiếp tục phối hợp với lực lượng PCCC chuyên nghiệp tăng cường tuyên truyền về công tác đảm bảo an toàn PCCC. Ngoài ra, quận cùng các ban ngành cải thiện hệ thống điện, nước, lắp đặt các họng nước chữa cháy trong khu dân cư và lập các bọng, hố chứa nước dọc theo kênh rạch. Các khu vực này, hiện quận đang khảo sát, và trong tháng 10 sẽ xây dựng kế hoạch chuyển hóa.
Tương tự, Phó Chủ tịch UBND quận 6 Tống Hữu Oanh cho biết, để xóa 19 khu dân cư có nguy cơ cháy nổ lớn (từ 28 khu xuống còn 7 khu), quận đã giải tỏa 1.972 hộ ở 10 phường, lập bãi lấy nước ở kênh Lò Gốm và khoan được 1 giếng nước với bể chứa khoảng 10m3 ở khu vực phường 11.
Theo ông Oanh, việc xóa khu dân cư có khả năng cháy nổ cao sở dĩ không hoàn thành đúng như mục tiêu vì nguồn kinh phí cho chương trình có hạn nên quận phải đợi. Ngoài ra, với nhiều khu dân cư, quận không thể “muốn làm là làm được” do vướng quy hoạch của TP, ví dụ như khu Đoàn Kết ở phường 14. “Ngoài khu dân cư trong diện quy hoạch của TP, chúng tôi đã rà soát và đang lên kế hoạch để đầu mùa khô tới sẽ chuyển hóa xong những khu dân cư này”.
Đường Loan