Xóa bỏ cưỡng bức lao động

Theo định nghĩa thì cưỡng bức lao động là người sử dụng lao động buộc người lao động làm việc vượt quá những yêu cầu, điều kiện mà hai bên đã cam kết trong hợp đồng lao động hoặc thỏa ước lao động tập thể.

Hiến pháp Việt Nam nghiêm cấm cưỡng bức lao động, phân biệt đối xử và sử dụng nhân công dưới độ tuổi lao động tối thiểu. Bộ luật Lao động nghiêm cấm cưỡng bức lao động dưới bất kỳ hình thức nào. Vì vậy, cưỡng bức lao động là hành vi vi phạm pháp luật lao động, nên người bị cưỡng bức lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn.

Các chuyên gia cho rằng, khi cưỡng bức lao động thì người sử dụng lao động sẽ không khuyến khích được tính tích cực, sáng tạo của người lao động, làm giảm năng suất, hiệu quả công việc vì người lao động phải làm việc với tâm lý bị đè nén, ép buộc và thụ động. Cưỡng bức lao động không chỉ ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa doanh nghiệp và người lao động mà còn cản trở chính sách hội nhập, phát triển kinh tế - xã hội và chính trị của quốc gia.

Bằng chứng là trong quá trình Việt Nam tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do, tiêu biểu như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), chúng ta phải đáp ứng các điều kiện như: phải công nhận có thêm tổ chức độc lập để bảo vệ người lao động ngoài công đoàn; phải tẩy chay sản phẩm do bóc lột sức lao động trẻ em; các sản phẩm do lao động cưỡng bức làm ra. Do đó, loại bỏ tình trạng cưỡng bức lao động còn giúp hàng hóa của các doanh nghiệp tránh các rủi ro như bị cấm nhập hoặc bị tẩy chay khi xuất khẩu. 

Việt Nam đang tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế, việc gia nhập Công ước số 105 về xóa bỏ lao động cưỡng bức của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) là rất cần thiết để tiến tới xóa bỏ hoàn toàn cưỡng bức lao động. Tính đến tháng 2-2020, trên thế giới đã có 173/187 quốc gia thành viên của ILO tham gia công ước này. Vì thế, để chuẩn bị cho sự kiện này, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vừa trình hồ sơ xem xét gia nhập Công ước số 105 lên Chính phủ. Sắp tới, Chính phủ sẽ trình sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội và sau đó trình Quốc hội vào tháng 5-2020 để xem xét. Công ước số 105 là 1 trong 8 công ước cơ bản của ILO và cùng cặp với Công ước số 29 trong nhóm tiêu chuẩn quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức. Từ năm 2007, Việt Nam đã gia nhập Công ước số 29. Năm 2019, Quốc hội đã đồng ý phê chuẩn gia nhập Công ước 98 của ILO về áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức, thương lượng tập thể và là điều kiện để chúng ta tham gia, mở rộng hội nhập trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Vì thế, tham gia vào Công ước 105 về xóa bỏ lao động cưỡng bức cũng là tất yếu và hoàn toàn phù hợp với chính sách, hệ thống pháp luật của nước ta. 

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 28/2020/NĐ-CP, có hiệu lực từ 15-4 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong đó, có quy định phạt tiền với các trường hợp tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động nhưng không báo rõ; bố trí người lao động làm việc ở địa điểm khác với địa điểm đã thỏa thuận. Thậm chí, mức phạt sẽ lên 50-75 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi cưỡng bức lao động, ngược đãi người lao động mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Ở mức cao hơn, Bộ luật Hình sự quy định mức phạt tù với tội cưỡng bức lao động. 

Tuy nhiên, để gia nhập Công ước 105, chúng ta cần phải tuyên truyền, phổ biến các quy định của công ước này tới người lao động, người sử dụng lao động, các cơ quan, tổ chức có liên quan; đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho người lao động, người sử dụng lao động, doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức có liên quan để phòng chống và xóa bỏ lao động cưỡng bức; xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát việc triển khai các quy định của pháp luật trong lĩnh vực lao động theo đúng quy định tại công ước này. 

Tin cùng chuyên mục