Ngày 13-10, Tân Hoa xã đưa tin hàng trăm người tiếp tục tuần hành tại TP Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ để tưởng nhớ các nạn nhân thiệt mạng trong vụ tấn công làm gần 100 người thiệt mạng tại thủ đô Ankara ngày 10-10.
Đây là một trong những vụ tấn công đẫm máu nhất trong nhiều năm qua tại Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan và đảng Công lý và phát triển (AKP) cầm quyền đang phải chịu nhiều sức ép trước những cáo buộc từ dư luận trong nước và quốc tế về việc thực hiện các chính sách mà theo họ là làm Thổ Nhĩ Kỳ bất ổn.
Chính quyền Ankara nhận định vụ tấn công vừa qua có thể do tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng thực hiện và cam kết sẽ chiến đấu đến cùng để diệt trừ khủng bố. Zhu Weilie, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về Trung Đông thuộc ĐH Nghiên cứu các vấn đề quốc tế Thượng Hải, nhận định việc thực hiện chính sách tiêu chuẩn kép trong chống khủng bố đang mang đến những hệ lụy cho Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara tham gia liên minh chống IS tại Syria do Mỹ dẫn đầu đồng thời hỗ trợ phe chống đối Chính phủ Syria để lật đổ Tổng thống đương nhiệm Syria Bashar al-Assad. Để thực hiện điều này, Thổ Nhĩ Kỳ đã mở cửa biên giới, hỗ trợ nhiều phương diện, trong đó có cả cung cấp vũ khí cho các phiến quân chống Chính phủ Syria. Những phiến quân này nằm trong chương trình huấn luyện trị giá 500 triệu USD của Mỹ. Tuy nhiên, một báo cáo vừa qua của Bộ Quốc phòng Mỹ cho hay những vũ khí được trang bị đó hầu như lại rơi vào tay của các tổ chức khủng bố tại Syria như Mặt trận al-Nursa, IS.
Cùng lúc chống IS, Thổ Nhĩ Kỳ cũng theo đuổi các chiến dịch tấn công các tay súng thuộc PKK bắt đầu từ tháng 7 vừa qua sau 2,5 năm ngừng bắn với PKK. Chính quyền Ankara hứng chịu rất nhiều chỉ trích từ dư luận trong nước khi thực hiện chính sách này. Rất nhiều người cho rằng, việc chính phủ đương nhiệm chấm dứt tiến trình hòa bình với PKK tạo thêm bất ổn cho Thổ Nhĩ Kỳ. Đồng thời, cáo buộc việc làm trên của đảng AKP mang động cơ chính trị, chỉ để củng cố vị trí của đảng cầm quyền trong cuộc bầu cử vào ngày 1-11 tới.
Ít giờ sau vụ tấn công ngày 10-10, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu đã kêu gọi người dân Thổ Nhĩ Kỳ đoàn kết, cùng vượt qua thời khắc đau thương. Tuy nhiên, các phe đối lập tại Thổ Nhĩ Kỳ đã chỉ trích rằng, chính các chính sách mà AKP thực hiện trong 13 năm qua là nhân tố chia rẽ Thổ Nhĩ Kỳ. Soner Cagaptay, chuyên gia người Thổ Nhĩ Kỹ làm việc tại Trung tâm về chính sách Cận Đông tại Washington Mỹ cho rằng, việc đối xử phân biệt với các đảng phái, phong trào chính trị, thiếu dân chủ đang phân cực Thổ Nhĩ Kỳ. Những xung đột giữa phe và tôn giáo, cộng đồng người Kurd và người Thổ và khoảng cách giàu nghèo đang ngày một lớn tại Thổ Nhĩ Kỳ. Theo như cách nói đầy bi quan của tiểu thuyết gia người Thổ Nhĩ Kỳ Elif Shafak, sự rạn nứt giữa phe ủng hộ và chống đối chính phủ không thể nào hàn gắn được nữa.
Với đường biên giới giáp Syria, IS sẽ rất dễ thâm nhập vào Thổ Nhĩ Kỳ để thực hiện các vụ tấn công khủng bố. Chỉ có sự ổn định trong xã hội mới có thể giúp Thổ Nhĩ Kỳ ngăn chặn được nguy cơ này. Và không có cách nào khác, Ankara phải có được chính sách hòa hợp, đoàn kết dân tộc để xóa bỏ tình trạng phân cực hiện nay.
Minh Châu
- Thông tin liên quan:
>> Thổ Nhĩ Kỳ: Quốc tang 3 ngày tưởng niệm các nạn nhân vụ đánh bom