Hiện nay, tội phạm tham nhũng vẫn gây ra nhiều nỗi bức xúc trong dư luận, nhiều vụ án tham nhũng gây ra hậu quả nghiêm trọng cho xã hội bị phát hiện, được đưa ra xét xử công khai nhưng mức án dành cho hành vi tội phạm tham nhũng vẫn còn quá nhẹ, trong đó nhiều hành vi tham nhũng của cán bộ nhà nước được xử án treo gây nhiều nỗi bất bình trong dư luận.
Trong phiên chất vấn tại diễn đàn Quốc hội vừa qua, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình nhìn nhận tỷ lệ xử án treo loại tội phạm này là 30,8%, cao hơn các loại án khác và việc này tạo ra suy nghĩ chúng ta chưa thật quyết tâm trong đấu tranh phòng chống tội phạm... Dư luận có quyền “nghi ngại” về niềm tin và đặt ra câu hỏi: Không lẽ hành vi tham nhũng hàng tỷ đồng của một số cán bộ, lãnh đạo khi đưa ra xét xử lại nhẹ hơn tội phạm trộm cắp có giá trị chỉ vài triệu đồng của một công dân? Nguy hiểm ở chỗ, việc xử nhiều án treo có thể tạo ra tiền lệ nguy hiểm về sau khi xét xử loại tội phạm tham nhũng cũng như thể hiện luật pháp chưa thật sự nghiêm minh và đánh giá đúng bản chất của hành vi là tội tham nhũng.
Thiết nghĩ, đối với loại tội phạm tham nhũng, trong thời gian tới, khi xét xử cần phải quyết liệt hơn, phải xem hành vi tham nhũng là loại tội phạm nguy hiểm cho nhà nước và xã hội. Tuyệt đối không thể xem xét yếu tố nhân thân là một trong những tình tiết giảm nhẹ hành vi tội phạm tham nhũng để đảm bảo công bằng xã hội khi xét xử và đảm bảo pháp luật được thực thi một cách nghiêm minh. Chúng ta cần phải kiên quyết, loại bỏ một bộ phận cán bộ, công chức xuống cấp về đạo đức cũng như loại bỏ sâu mọt trong bộ máy công quyền, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước, đẩy lùi tệ nạn tham nhũng vẫn đang gây nên những nhức nhối trong dư luận xã hội và được xem là quốc nạn của bất kỳ một quốc gia nào.
NGUYỄN ĐƯỚC (quận 5)