Sau gần 5 tháng soạn thảo, Nghị định 107 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, đưa tin thất thiệt, buôn lậu và gian lận thương mại vừa chính thức được ban hành... Tuy nhiên, nhìn tổng thể các mức phạt tại Nghị định không cao, chưa đủ sức răn đe; trong khi ranh giới giữa xử lý hành chính và hình sự chưa quy định rõ ràng, chế tài xử phạt các vi phạm chưa thật mạnh, vụ nào cao nhất cũng chỉ là 100 triệu đồng.
Dư luận vẫn còn nhiều băn khoăn với hành vi gian lận xăng dầu, lừa dối toàn xã hội nhằm thu những khoản lợi nhuận khổng lồ như vậy nhưng hầu như chưa có trường hợp nào bị xử lý hình sự.
Theo ông Nguyễn Hùng Dũng, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), việc này Luật Hình sự đã quy định rất rõ, những hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng sẽ được chuyển cơ quan tố tụng hình sự.
Trong Nghị định 107 quy định xử phạt hành chính các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, đưa tin thất thiệt, buôn lậu và gian lận thương mại chống đầu cơ, găm giá, nâng giá đã đưa vào một số hành vi cụ thể như: nếu buôn lậu lớn hơn 100 triệu thì sẽ chuyển sang cơ quan hình sự.
Cơ quan hình sự xác định hành vi đó có tội không, nếu không có tội thì chuyển sang xử phạt hành chính để xử phạt. Đối với hàng giả trị giá 30 triệu đồng, mặt hàng ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng khi làm giả và bị phát hiện thì sẽ đưa ngay sang cơ quan hình sự để xử lý.
“Đối với hành vi gian lận trong xăng dầu gây thiệt hại lớn được phát hiện thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến giao cho UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Sở Công thương thu hồi giấy phép đăng ký kinh doanh. Nếu xác định là tội phạm, ví dụ thông đồng với nhau đặt hàng sản xuất chíp hoặc cố tình vi phạm thì sẽ chuyển sang cơ quan hình sự. Nếu làm nghiêm một số vụ thì người ta sẽ sợ và tình trạng này sẽ giảm bớt. Trước mắt thì phải xử lý hành chính còn khi tìm được dấu hiệu tội phạm sẽ chuyển sang xử lý hình sự” - ông Dũng cho biết.
Điển hình là Công an Đồng Nai đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự vụ án mua - bán - lắp đặt “chíp điện tử” gian lận trong kinh doanh xăng dầu và khởi tố 3 bị can về hành vi “lừa dối khách hàng” để trục lợi bất chính.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nhìn tổng thể các mức phạt tại dự thảo Nghị định không cao, chưa đủ sức răn đe. Ranh giới giữa xử lý hành chính và hình sự chưa quy định rõ ràng, chế tài xử phạt các vi phạm chưa thật mạnh, vụ nào cao nhất cũng chỉ là 100 triệu đồng.
Trong khi đó, lợi nhuận từ việc làm hàng giả có khi lên tới hàng chục tỷ đồng. Đặc biệt, mức xử phạt hành vi gian lận của các cây xăng cao nhất chỉ có 30 triệu đồng. Trong khi đó, nếu sự gian dối này kéo dài thì những người vi phạm đã thu về lợi nhuận bất chính gấp nhiều lần.
ANH NHI
Đồng Nai: Bắt tạm giam chủ cây xăng gắn chíp để gian lận L.LONG Quảng Ngãi: Phát hiện 3 cơ sở gian lận xăng dầu H.MINH |