Xử lý nghiêm các doanh nghiệp gian lận, ép giá thu mua cá tra, ba sa

ĐBSCL: 60% người nuôi cá tra thua lỗ

Ngày 1-6, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì hội nghị trực tuyến với 8 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất và tiêu thụ cá tra, cá ba sa.

Các doanh nghiệp (DN) và cá nhân nuôi cá tra, cá ba sa hiện đang gặp phải rất nhiều khó khăn như giá cả lương thực, thực phẩm đều tăng nhưng giá cá tra, cá ba sa lại giảm từ 2,7 USD/kg xuống 2,32 USD/kg; giá nguyên liệu đầu vào tăng, lạm phát tăng cao nên phải thắt chặt tiền tệ…

Tại tỉnh Vĩnh Long, các DN cần tới 203,4 tỷ đồng để mua hết 13.564 tấn cá tra tồn đọng cho nông dân, và khoảng 400 tỷ đồng để người nuôi cá duy trì hoạt động đến cuối năm 2008. Con số này ở An Giang là 2.201 tỷ đồng. Người dân thiếu tiền mua thức ăn vẫn đang phải nuôi cầm chừng cả trăm ngàn tấn cá.

Trong khi đó, đáng lo ngại nhất là tình trạng nhiều DN đã lợi dụng tình trạng khó khăn của người nuôi cá ép giá. Đối với các DN, tình trạng thiếu vốn cũng rất trầm trọng do chính sách thắt chặt tiền tệ của ngành ngân hàng, tăng lãi suất song lại giảm hạn mức tín dụng cho vay, giải ngân nhỏ giọt.

Thống kê của Cục Chế biến, thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN-PTNT) cho thấy, nhu cầu vay vốn trước mắt của các DN chế biến, xuất khẩu cá tra, cá ba sa hiện nay vào khoảng 257 triệu USD, còn nhu cầu vay tiền đồng Việt Nam, giãn nợ, gia hạn nợ để tiếp tục duy trì sản xuất của cả DN lẫn người dân cũng rất lớn.

Để giải quyết những khó khăn hiện nay của ngành hàng cá tra, cá ba sa, các ý kiến hội nghị đặc biệt nhấn mạnh đến việc giải quyết ngay nhu cầu vốn tín dụng để giải quyết lượng cá tồn đọng trong dân hiện nay.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu khẳng định, mặc dù thực hiện chính sách tiền tệ nhưng việc cho các DN chế biến cá tra, cá ba sa vay vốn để sản xuất, kinh doanh là việc rất bình thường. Và ngay trong ngày 2-6, Ngân hàng Nhà nước sẽ làm việc với các ngân hàng thương mại để giải quyết vấn đề này. Đối với người dân thì việc gia hạn nợ chỉ đơn thuần là thủ tục, tuy nhiên, việc cho vay mới cũng có những khó khăn nhất định.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh đến nhiệm vụ quan trọng là phải giải quyết nguồn vốn để các DN thu mua khoảng 300.000 tấn cá cho người dân từ nay đến tháng 8-2008. Cụ thể, mỗi tỉnh có thể giới thiệu những DN đủ khả năng để Ngân hàng Nhà nước giải quyết khó khăn về vốn.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý đến phương án hoàn thiện cơ chế liên kết giữa DN và người nuôi cá thông qua các loại hợp đồng bao tiêu sản phẩm, cơ chế xúc tiến thương mại. Đặc biệt, Chính phủ sẽ có chế tài xử lý nghiêm các DN gian lận thương mại, ép giá nông dân trong việc thu mua cá tra, ba sa.

Thăng Hùng

ĐBSCL: 60% người nuôi cá tra thua lỗ

2 tháng qua, giá cá tra ở ĐBSCL liên tục sụt giảm và không tiêu thụ được trong khi nông dân nợ nần chồng chất, không còn khả năng đầu tư. Ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm HTX Nuôi cá tra Thới An, quận Ô Môn, TP Cần Thơ, cho biết: “Các đại lý thức ăn không còn bán thiếu, trong khi nguồn vốn vay không có, cá tra trong 8/10 ao của HTX hơn tuần qua bị bỏ đói”.

Hiện tại, giá cá tra nguyên liệu loại thịt trắng chỉ còn 14.000 đồng/kg, cá thịt vàng, thịt hồng 12.800-13.700 đồng/kg.

Theo Hiệp hội Thủy sản Cần Thơ, với giá bán hiện nay, người nuôi cá tra ở ĐBSCL bị lỗ 1.000 - 2.000 đồng/kg. Nếu tình trạng ách tắc về vốn, về đầu ra cho cá nguyên liệu kéo dài, ít nhất 60% người nuôi cá tra bị thua lỗ dẫn đến phá sản...

Theo ước tính của Hiệp hội thủy sản các tỉnh ĐBSCL, hơn 2 tháng qua, nông dân nuôi cá bị thiệt hại hơn 300 tỷ đồng từ việc giá cá giảm không tiêu thụ được và chi phí đầu tư gia tăng.

B.Đại

Tin cùng chuyên mục