
Kể từ khi Nhà nước nghiêm cấm việc sản xuất, mua bán và đốt pháo, người dân trong cả nước, nhất là ở những thành phố lớn như TPHCM không còn phải chứng kiến những tai nạn thương tâm do pháo gây ra.

Đón xuân vui tươi, an toàn, lành mạnh
Thay vì tổ chức đốt pháo đón giao thừa và “tạo không khí” Tết vào những ngày xuân, mấy năm gần đây, phần đông người dân thành phố đã có nhiều cách “du xuân” mới. Những gia đình có điều kiện thì tổ chức đi chơi xa như Đà Lạt, Nha Trang, Phan Thiết…; người dân lao động nghèo và những người có mức thu nhập vừa phải thì ngoài việc trang hoàng nhà cửa đón Tết tại nhà, thăm viếng bà con, bạn bè còn đưa con cháu đến những khu vui chơi như Đầm Sen, Suối Tiên, Bình Qưới, Văn Thánh, khu du lịch Bửu Long (Đồng Nai)…
Tất cả đã tạo nên những nét xuân rất dân tộc và cũng phù hợp với bước phát triển của đất nước trong giai đoạn hội nhập. Chính “nét xuân” của TPHCM là điểm thu hút khách du lịch. Ngày càng có nhiều người Việt ở nước ngoài và khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam “ăn Tết ta”.
Tuy nhiên vào những ngày cận Tết Bính Tuất này, lại nghe vang lên đây đó trong các khu xóm những tiếng pháo lạc lõng. Những tiếng “đì đùng” này đã làm cho nhiều người dân lo lắng: không biết chính quyền các địa phương quản lý ra sao mà vẫn có người sản xuất, mua bán và đốt pháo – vi phạm lệnh cấm của Nhà nước. Vui Tết, chúng ta cần cảnh giác với sự trở lại của pháo.
Chính quyền các phường, xã, các đoàn thể cần phải kiên quyết, thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm với những người vi phạm lệnh cấm này. Các bậc cha mẹ cũng cần giáo dục, nhắc nhở con em mình và phải chịu trách nhiệm về hành vi của các cháu chưa thành niên.
NGUYỄN BẢO NGUYÊN
(Đường CMTT-P13 Q10)