Xung quanh sai phạm quản lý đất công ở Bình Dương - Bài 1: Đất công... không ai xót

Do thiếu năng lực về tài chính, kinh nghiệm cùng sự thiếu kiểm tra, giám sát của cơ quan chủ quản nên Tổng Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương - TNHH Một thành viên (viết tắt là TCT Bình Dương) trực thuộc Tỉnh ủy Bình Dương quản lý  đã liên tiếp mắc sai phạm nghiêm trọng đến mức Bộ Công an phải vào cuộc và kéo theo một loạt lãnh đạo chủ chốt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương rơi vào vòng xoáy pháp lý.

Bán rẻ đất công cho công ty sân sau

Tiền thân TCT Bình Dương là Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương, hoạt động theo giấy phép kinh doanh số 103728 ngày 26-11-1992 do Sở KH-ĐT tỉnh Bình Dương cấp. Đến ngày 28-11-2006, TCT Bình Dương đăng ký thay đổi lần thứ 15 và trở thành công ty Nhà nước hoạt động đa ngành, theo mô hình công ty mẹ - công ty con (Quyết định số 134/2006/QĐ-UBND ngày 22-5-2006 của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương).

Năm 2004, TCT Bình Dương được chấp thuận chủ trương tham gia đền bù và đầu tư Khu Liên hiệp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị Bình Dương trên diện tích 567,3ha (diện tích giao đất thực tế là 540ha).

Để thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, ngay sau đó TCT Bình Dương đã lập 3 dự án đầu tư gồm: dự án sân golf Twindoves (còn gọi là sân golf Phú Mỹ thuộc liên doanh Công ty CP Đầu tư - Phát triển Phú Mỹ) 160ha, dự án sân golf Thái Hòa (thuộc Công ty CP Đầu tư và phát triển Tân Thành) trên diện tích 145ha và dự án Khu đô thị dịch vụ thương mại Tân Phú 43ha. Tuy nhiên đến nay, các cơ quan chức năng xác định, 2/3 dự án vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Xung quanh sai phạm quản lý đất công ở Bình Dương - Bài 1: Đất công... không ai xót ảnh 1 Bên trong khu đất 43ha có nhiều trụ bê tông đang thi công dở dang

Ngày 12-10-2007, TCT Bình Dương ký kết hợp đồng liên doanh với 2 đối tác Hàn Quốc để thành lập Công ty Cổ phần (CP) Đầu tư  và phát triển Tân Thành có vốn điều lệ 30 triệu USD; trong đó TCT Bình Dương góp 30% vốn điều lệ bằng quyền sử dụng đất (trị giá 9 triệu USD) trên diện tích khoảng 145ha, tương đương 6USD/m2 nhưng các bên thống nhất giá thanh toán lại tiền đền bù cho TCT Bình Dương là 10USD/m2.

Đến năm 2011, do gặp khó khăn về kinh tế nên hai đối tác Hàn Quốc đã nhượng lại cổ phần cho hai công ty ở Việt Nam là Công ty CP Hưng Vượng với 38% vốn điều lệ và Công ty TNHH Phát Triển với 32% vốn điều lệ.

Thế nhưng trên thực tế, cả 2 công ty này đều là sân sau của lãnh đạo TCT Bình Dương, trong đó Công ty CP Hưng Vượng do ông Nguyễn Văn Minh (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc TCT Bình Dương) làm đại diện pháp luật, còn Công ty TNHH Phát Triển do bà Nguyễn Thục Anh (con gái ông Minh) làm đại diện pháp luật.

Đến năm 2016, TCT Bình Dương tiếp tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) cho Công ty Tân Thành nhưng vẫn áp dụng giá cũ (năm 2007) mà hai bên đã thỏa thuận để ký hợp đồng chuyển nhượng là 6 USD/m2.

Và với việc nắm 70% cổ phần tại 2 công ty CP Hưng Vượng và TNHH Phát Triển, sau khi chuyển nhượng trót lọt khu đất 145ha gia đình ông Minh đã hưởng lợi hàng ngàn tỷ đồng.

Chuyển nhượng đất và vốn trái phép

Ngày 1-7-2010, TCT Bình Dương và Công ty CP Bất động sản Âu Lạc ký hợp đồng thỏa thuận liên doanh thành lập Công ty TNHH Đầu tư - Xây dựng Tân Phú để thực hiện dự án Khu dân cư - Thương mại - Dịch vụ (KDC) quy mô 43ha với vốn điều lệ 200 tỷ đồng, TCT Bình Dương góp 60 tỷ đồng bằng tiền mặt (chiếm 30%).

Quá trình hợp tác, các bên đều không tuân thủ việc góp vốn điều lệ, TCT Bình Dương chỉ góp được 1,5 tỷ đồng và đến khi chuyển nhượng QSDĐ cho Công ty Tân Phú vào đầu năm 2017 mới góp đủ 60 tỷ đồng; Công ty CP Âu Lạc góp được 60/140 tỷ đồng và mãi đến đầu năm 2016 mới góp đủ.

Ngày 30-11-2016, Hội đồng thành viên TCT Bình Dương họp về việc “chuyển nhượng QSDĐ diện tích 43ha”. Đến ngày 8-12-2016, TCT Bình Dương ký hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ cho Công ty Tân Phú với giá hơn 250,1 tỷ đồng (hơn 581.000 đồng/m2). Việc này trái với chủ trương của Tỉnh ủy Bình Dương tại công văn số 477-CV-TU ngày 29-8-2016 (cho phép công ty tiếp tục thực hiện hợp tác với Công ty CP Âu Lạc để đầu tư xây dựng dự án tại khu đất có diện tích 43ha nằm trong khu liên hợp 540ha đã được giao cho công ty quản lý).

Sau đó, ngày 13-3-2017, TCT Bình Dương có công văn số 39/TCTY gửi Thường trực Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy xin chủ trương chuyển nhượng 30% vốn góp của TCT trong liên doanh Công ty Tân Phú cho Công ty CP Âu Lạc theo phương thức thỏa thuận dựa trên cơ sở thẩm định của đơn vị có chức năng thẩm định giá.

Qua 2 lần chuyển nhượng này, TCT Bình Dương đã thu lợi nhuận (sau thuế) gần 200 tỷ đồng và với việc chuyển nhượng trót lọt 2 dự án này mà đến cuối năm 2016, tổng giá trị tài sản (đã được kiểm toán) của TCT Bình Dương tăng vọt lên thành 5.895 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế là 542 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Thanh tra tỉnh Bình Dương xác định, các vụ chuyển nhượng này có những vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng. Cụ thể, ngay từ đầu hai bên góp vốn là TCT Bình Dương và Công ty CP Âu Lạc đã không thực hiện đúng các cam kết khi thành lập Công ty Tân Phú là để thực hiện dự án như chủ trương của Tỉnh ủy.

Đặc biệt, khi chuyển nhượng khu đất 43ha vào tháng 12-2016 lại lấy giá của thời điểm ký kết hợp đồng liên doanh năm 2010 (570.000 đồng/m2) để làm cơ sở định giá với tổng số tiền chuyển nhượng là 250,11 tỷ đồng, giá này thấp hơn giá đất do UBND tỉnh Bình Dương ban hành năm 2016 (125,19 tỷ đồng). Chưa kể, nếu đưa ra đấu giá như quy định chắc chắn sẽ có giá cao hơn.

Ngoài ra, TCT Bình Dương cũng không nhất quán trong sử dụng khu đất 43ha. Đơn cử, chỉ trong một thời gian ngắn từ ngày 14-4-2017 đến 20-8-2019 đã ban hành nhiều văn bản thay đổi phương án sử dụng khu đất, khi thì đề nghị chuyển nhượng QSDĐ cho Công ty TNHH MTV Đầu tư và Quản lý dự án tỉnh Bình Dương, khi thì đề nghị chỉ chuyển giao 30% vốn góp trong liên doanh Công ty Tân Phú cho Công ty CP Âu Lạc, gây khó khăn cho công tác chỉ đạo của Tỉnh ủy.

Theo Thanh tra tỉnh Bình Dương, việc TCT Bình Dương chuyển nhượng khu đất 43ha cho Công ty TNHH Đầu tư - Xây dựng Tân Phú và việc chuyển nhượng 30% vốn góp sang cho Công ty CP BĐS Âu Lạc đã làm thất thoát ngân sách nhà nước số tiền hàng trăm tỷ đồng do định giá thấp hơn giá đất do UBND tỉnh ban hành và đặc biệt là việc chuyển nhượng không đấu giá công khai theo quy định tại điểm B, mục 4, Điều 38 Nghị định 91/2015/NĐ-CP ban hành ngày 13-10-2015 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp nhà nước là phải đưa ra đấu giá công khai.

Tin cùng chuyên mục