Công chức tham gia vào bộ máy công quyền lâu nay vẫn theo hai con đường là thi tuyển và xét tuyển và được bảo đảm bằng “chế độ biên chế”. Thực tế cho thấy, một bộ phận công chức thiếu năng động, thiếu ý chí tiến thủ, biểu hiện ít nhiều sức ỳ… nhưng chế độ tiền lương, thưởng phạt, đề bạt, bổ nhiệm như hiện nay sẽ khó cải thiện được tình trạng này.
Không phải chỉ ở nước ta, nhiều nước trên thế giới cũng từng xuất hiện tình trạng trên và họ đã đưa thêm vào Luật Công chức chế định sát hạch công chức. Cũng cần nhấn mạnh rằng, chế định sát hạch khác xa với công việc kiểm điểm hàng năm đang hiện hành.
Sát hạch là công tác cơ bản của việc quản lý công chức, nó đóng vai trò quan trọng làm cho cơ chế động viên của việc quản lý nhân sự ngày một vững chắc, đưa ra những căn cứ khách quan cho việc tuyển chọn những người có đức, có tài và nâng cao hiệu suất công tác của các cơ quan nhà nước. Ở nhiều nước có nền công vụ tiên tiến, đã xây dựng một cơ chế tương đối hoàn thiện về việc sát hạch công chức với những biện pháp hữu hiệu.
Công tác sát hạch công chức được cho là khâu quan trọng, có tính nền tảng trong toàn bộ công tác quản lý công chức. Sát hạch công chức là tiến hành kiểm tra, khảo sát, thẩm định theo định kỳ hoặc không theo định kỳ về hiệu quả thành tích làm việc và tố chất chính trị, kiến thức chuyên môn, năng lực công tác… của công chức trực thuộc, để thực thi việc thưởng phạt, cất nhắc và điều chỉnh một cách hợp lý, công bằng đối với công chức. Từ đó, phát huy đầy đủ tính tích cực của công chức, nâng cao hiệu suất công tác của các cơ quan nhà nước, thúc đẩy công cuộc xây dựng phát triển đất nước.
Việc sát hạch sẽ phát huy được tác dụng trên nhiều mặt trong công tác quản lý các công chức. Sát hạch để đưa ra được một tiêu chuẩn bình quân khách quan cho việc tuyển chọn, bổ nhiệm, thưởng phạt, đề bạt, thù lao lương bổng của công chức.
Thông qua sát hạch có thể đánh giá chính xác và tìm hiểu toàn diện về tố chất chính trị, kiến thức chuyên môn, năng lực công tác và thành tích thực tế trong công tác của công chức. Qua đó, có thể sử dụng công chức theo tài năng, trả thù lao lương bổng một cách hợp lý, đề bạt những công chức xuất sắc vào các cương vị quan trọng hơn và kịp thời điều chỉnh những công chức có thành tích bình thường, loại ra khỏi bộ máy những công chức yếu kém.
Sát hạch cũng là biện pháp hữu hiệu để khích lệ công chức hăng hái phấn đấu vươn lên. Nó có chống lại tính tùy tiện chủ quan khi nhận xét đánh giá công chức và khắc phục tệ ô dù, sống lâu lên lão làng, bình quân chủ nghĩa. Qua sát hạch giúp phát hiện và tuyển chọn được những người tài giỏi bổ sung vào bộ máy. Hơn tất cả, sát hạch là đòn bẩy nâng cao hiệu suất công tác trong các cơ quan nhà nước. Tóm lại, sát hạch là bộ phận cấu thành quan trọng của Luật Công chức nhà nước ở các nước có nền công vụ tiên tiến. Qua sát hạch sẽ tạo cơ sở khảo sát và đánh giá thành tích của đội ngũ công chức một cách nghiêm khắc, hiệu quả, bảo đảm thực thi công vụ cho cả hệ thống theo hướng thống nhất, hiện đại.
Phương pháp sát hạch cần áp dụng chế độ báo cáo, kiểm tra thành tích hàng năm. Hội đồng xét duyệt thành tích tiến hành khảo sát và bình xét đánh giá thành tích của công chức dựa vào những tư liệu có liên quan và những ghi chép về thành tích của họ.
Sau khi xếp loại sát hạch và đề bạt thưởng phạt, việc bình điểm khảo sát thành tích được chia thành các loại: Loại 1 gồm những người có thành tích đặc biệt; loại 2, những người có thành tích rất tốt; loại 3, những người có thành tích đạt yêu cầu; loại 4, những người có thành tích bình thường và loại 5 là những người không có thành tích. Bản báo cáo sát hạch sau khi cho điểm, xét duyệt qua từng cấp, sẽ được lưu trong hồ sơ cá nhân. Khi tiến hành bổ nhiệm, hội đồng đề bạt sẽ căn cứ bản báo cáo thành tích này làm tài liệu tham khảo. Trong số những người có tuổi nghề như nhau, ai có thành tích xuất sắc sẽ có cơ hội đề bạt cao hơn.
Thiết nghĩ, đối với các địa phương có vị trí đặc biệt như Hà Nội và TPHCM, việc thí điểm áp dụng sát hạch công chức sẽ góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ công chức và bảo đảm tính công bằng trong đánh giá, đãi ngộ công chức. Đây được coi là một cuộc cải cách đối với chế độ công vụ hiện hành, đồng thời thúc đẩy sự hoàn thiện của nền hành chính công.
Diệp Văn Sơn