Ý kiến: Luật một đằng, nghị định một nẻo?

Điều 6, Luật Nhà ở năm 2006, phần quy định về chính sách phát triển nhà ở có ghi rõ: “Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua đáp ứng nhu cầu nhà ở của người có thu nhập thấp và các tầng lớp dân cư trong xã hội”.

Tuy nhiên, đến Nghị định 90/2006/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở và mới đây nhất là Nghị định 23/2009/NĐ-CP về “Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng, kinh doanh bất động sản, khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật, quản lý phát triển nhà và công sở” thì tinh thần “khuyến khích” trong Luật Nhà ở đã biến mất, thay vào đó là những quy định bắt buộc và chế tài hết sức rõ ràng.

Cụ thể: Điều 20, Nghị định 90 quy định: “Chủ đầu tư các dự án phát triển nhà ở thương mại và khu đô thị mới trên địa bàn có quy mô sử dụng đất từ 10 ha trở lên có trách nhiệm dành một phần diện tích đất đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để chính quyền địa phương phát triển nhà ở xã hội nhưng trong mọi trường hợp không vượt quá 20% diện tích đất ở của dự án”.

Tại chương VI, Điều 50, Nghị định 23 quy định: “Phạt tiền từ 40 – 50 triệu đồng đối với chủ đầu tư không dành quỹ đất trong dự án phát triển nhà ở thương mại để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định”. Nhiều chủ doanh nghiệp lập luận: “Trên nguyên tắc, hiến pháp và luật là cao nhất, nên chỉ cần tuân theo luật. Luật đã ghi rõ là “khuyến khích” chứ không “bắt buộc” thì cớ sao nghị định lại bắt phạt tiền?”.

Đành rằng việc bắt buộc các chủ đầu tư đóng góp tiền, dành quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội là nhằm mục đích tốt đẹp. Thế nhưng, để các văn bản dưới luật được đúng luật, nên chăng, Chính phủ cần trình Quốc hội sửa lại Luật Nhà ở, tránh tình trạng luật nói một đằng, nghị định quy định một nẻo.

Mai Hương

Tin cùng chuyên mục