Vườn Quốc gia Yok Đôn bị người nhà cán bộ tàn phá

Gỗ quý bị triệt hạ
Vườn Quốc gia Yok Đôn bị người nhà cán bộ tàn phá

Sau một thời gian yên ắng, gần đây, Vườn quốc gia (VQG) Yok Đôn - Đắc Lắc lại tiếp tục bị lâm tặc ồ ạt kéo vào tàn phá. Những loại gỗ quý như: hương, cẩm lai, căm xe… bị đốn hạ ngay cạnh nhiều tuyến đường tuần tra nội bộ của VQG Yok Đôn. Dường như, kiểm lâm ở đây đang bất lực, để mặc lâm tặc đốn hạ những cây gỗ quý cuối cùng còn lại.

Hiện trường vụ chặt phá cây rừng. Ảnh: Công Hoan

Hiện trường vụ chặt phá cây rừng. Ảnh: Công Hoan

Gỗ quý bị triệt hạ

Ngày 2-8, chúng tôi phóng xe máy trên con đường tuần tra nội bộ của Trạm Kiểm lâm số 3 VQG Yok Đôn vào tiểu khu 484 và 477, đi được khoảng 5km, trước mắt đã hiện ra cảnh tượng rừng bị chặt phá tan nát. Những cây căm xe có đường kính hơn 1m bị lâm tặc đốn hạ ngổn ngang ngay lối đi. Trong vòng bán kính chưa đầy 100m của tiểu khu 484, chúng tôi đếm được hơn 20 cây căm xe bị hạ gục. Hầu hết những cây lớn đã bị lâm tặc lấy mất phần thân, chỉ còn lại nhánh, lá còn xanh tươi. Với những cây nhỏ hơn, bọn chúng chỉ mới xẻ ra từng lóng, chưa kịp vận chuyển đi. Trên những gốc cây bị hạ, kiểm lâm đã đánh dấu ngày kiểm tra 1-8, nhưng cũng có nhiều cây chưa đánh dấu. Một số cây khác mới bị đốn hạ, lá còn xanh nhưng dấu kiểm tra từ 15-7.

Chị Nguyễn Thị Tuyết Vân (người dẫn đường ở xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) cho biết: “Những cây đó mới bị hạ cách đây mấy ngày thôi, họ đánh dấu lùi ngày để che mắt đấy. Tôi mới dẫn cán bộ của vườn đi kiểm tra ngày hôm qua (ngày 1-8) mà”.

Đang mải mê chụp ảnh, chợt 5 người của Trạm Kiểm lâm số 3 đánh xe máy vào chỗ chúng tôi. Ông Nguyễn Hồng Phúc, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm số 3 lớn tiếng hỏi là ai mà đi vào đây. Sau khi biết nhà báo, ông Phúc nói: “Khu vực này bị chặt từ cách đây hơn nửa tháng, chỉ có 7 cây căm xe thôi. Mấy hôm trước, khi phát hiện lâm tặc chặt gỗ ở đây, chúng tôi đến thì chúng nó đã bỏ đi mất nên không bắt được ai cả. Anh em đi tuần tra cực khổ lắm, từ lúc 4 giờ sáng tới giờ (13 giờ - PV) chưa được ăn uống gì cả”.

Khi những nhân viên kiểm lâm đi khuất, chúng tôi lên xe máy đi tiếp vào tiểu khu 477. Đường đất lầy lội, vòng vèo, khoảng 1 tiếng đồng hồ, cuối cùng chúng tôi cũng đến được “công trường khai thác gỗ” ở tiểu khu này. Ở đây, cũng hàng chục cây căm xe bị đốn hạ ở bên đường. Phần thân những cây to cũng đã bị lâm tặc mang đi. Khu vực này cách Trạm Kiểm lâm số 3 chừng 8km nhưng dường như xa lắm.

Chị Vân cho biết ngay sau buổi tiếp xúc cử tri tại xã Krông Na vào ngày 31-7 (có chất vấn về tình trạng phá rừng), ngày 1-8, lãnh đạo VQG Yok Đôn đã cùng chị vào đây kiểm tra và chị đếm được khoảng 50 cây căm xe bị đốn hạ tại tiểu khu 484, 477.

Báo động đỏ

Tình trạng phá rừng tại VQG Yok Đôn đã đến mức báo động đỏ. Chỉ trong tháng 7, nơi đây đã xảy ra hàng chục vụ phá rừng, vườn tịch thu được hơn 50m³ gỗ quý (cẩm lai, hương, căm xe). Vào tối 6-7, tổ tuần tra Trạm Kiểm lâm số 9 phát hiện 1 cây gỗ hương (nhóm IIA) bị chặt hạ. Vào ngày 11-7, tổ này tiếp tục phát hiện 1 cây gỗ hương bị hạ ở tiểu khu 421. Ngoài 2 vụ nói trên, Hạt Kiểm lâm VQG Yok Đôn đã phối hợp với Đoàn liên ngành “12” của huyện Buôn Đôn ổ chức tuần tra, truy quét các điểm nóng tại khu vực buôn Yang Lành, buôn Trí, xã Krông Na (huyện Buôn Đôn). Tại đây đã phát hiện nhiều vụ vi phạm như: vụ tập kết 4,560m³ gỗ căm xe tại bến sông buôn Trí B; bắt ô tô biển số xanh 47C-2024 vận chuyển 0,933m³ gỗ hộp (cẩm lai, cà te) tại buôn Yang Lành; vụ tập kết 1,723m³ gỗ căm xe trong vườn của người dân buôn Yang Lành… Ngoài ra, các trạm kiểm lâm trực thuộc của vườn còn phát hiện 14 vụ vi phạm khác.

Tại trụ sở VQG Yok Đôn, ông Trần Văn Thành, quyền Giám đốc VQG Yok Đôn giải thích: “Tôi về nhận công tác ở đây đã một tháng nhưng mất nửa tháng đi “ngoại giao” rồi nên thực ra chỉ mới làm việc được 15 ngày thôi. Vì thế, chưa có đủ thời gian để xử lý kịp thời tình trạng phá rừng ở vườn”. Nguyên nhân theo ông Thành do buông lỏng quản lý rừng trong thời gian dài, địa phương không xử lý quyết liệt, kiểm lâm tiếp tay cho lâm tặc, đùn đẩy trách nhiệm…

Ông Thành còn cho biết đã phát hiện được nhiều con em cán bộ trong xã Krông Na đi phá rừng, nhưng chưa xử lý được. Ông Trần Văn Thành nhận định: “Chắc chắn huyện và xã đều nắm được những đầu nậu phá rừng, nhưng không hiểu sao chúng không bị xử lý gì cả. Nếu huyện và xã không không phối hợp với vườn để xử lý lâm tặc ở địa phương thì dù có hàng trăm kiểm lâm cũng không giữ nổi rừng. Tình trạng phá rừng ở vườn đã đến mức báo động đỏ, nếu không ngăn chặn ngay vườn sẽ rỗng ruột mất thôi”.

Năm ngoái, lâm tặc cũng đốn hạ hàng trăm cây gỗ hương (nhóm IIA) ở VQG Yok Đôn mà không bị phát hiện. Bộ NN-PTNT vào cuộc và thanh lọc nội bộ bằng cách kiểm điểm, cách chức một số cán bộ kiểm lâm của vườn. Quyền Giám đốc Trần Văn Thành cho biết đã yêu cầu kiểm lâm các trạm kiểm tra chéo các tiểu khu để tránh “cả nể, thông đồng giữa kiểm lâm và lâm tặc” và xử lý quyết liệt những cán bộ “tiếp tay cho lâm tặc” để tránh tiêu cực ngay trong nội bộ vườn. Sau đó, sẽ phối hợp với chính quyền địa phương để truy bắt và xử lý những đầu nậu phá rừng. Những biện pháp này xem ra khá quyết liệt, nhưng không biết nó sẽ được thực thi như thế nào trong thời gian tới. Nếu vết xe đổ từ các đời giám đốc cũ tiếp tục lặp lại, VQG Yok Đôn sẽ “rỗng ruột” trong một ngày không xa.

Công Hoan

Tin cùng chuyên mục