Bất đồng thương mại bao trùm thượng đỉnh G7

Hội nghị thượng đỉnh nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7 - gồm Canada, Anh, Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản và Mỹ) diễn ra trong 2 ngày 8 và 9-6 tại Charlevoix, Quebec (Canada).
Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Italia tháng 5-2017
Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Italia tháng 5-2017
 Theo hãng thông tấn Đức DPA, tới nay, các nhà lãnh đạo G7 vẫn chưa đồng ý về tuyên bố chung vì nhiều bất đồng.

G6+1 ?

Trích dẫn một nguồn tin ở Berlin, DPA, cho biết những bất đồng với Tổng thống Mỹ Donald Trump về chính sách thương mại và biến đổi khí hậu có thể dẫn đến việc lần đầu tiên hội nghị thượng đỉnh G7 kết thúc mà không có tuyên bố chung. Theo ông John Kirton, Giám đốc Nhóm nghiên cứu G7 tại Đại học Toronto, Mỹ đang áp đặt thuế quan với nhiều mặt hàng nhập khẩu của Liên minh châu Âu và Canada cùng nhiều vấn đề khác, đẩy bất đồng lên cao nên không có gì ngạc nhiên khi các bên chưa đi đến một sự đồng thuận. Hội nghị thượng đỉnh G7 có thông lệ đàm phán trước nhiều tháng nội dung tuyên bố chung và các nguyên thủ tới dự chỉ ký kết. Tại hội nghị thượng đỉnh G7 đầu tiên của Tổng thống Donald Trump ở Taormina, Italia năm 2017, cũng chỉ có tuyên bố chung vào giờ chót. 

Trong lúc này, cuộc tranh cãi về thuế giữa Mỹ và các đồng minh vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống. Thủ tướng Canada Justin Trudeau trong cuộc trả lời phỏng vấn truyền hình Mỹ ngày 5-6 gọi mức thuế Washington chống lại Canada là điều “xúc phạm”. 

Các nhà lãnh đạo G7 sẽ sử dụng cuộc họp để đối đầu với Tổng thống Mỹ về quyết định gây tranh cãi khi áp thuế trừng phạt đối với thép và nhôm nhập khẩu. Theo các nhà phân tích, có thể kỳ họp thượng đỉnh G7 lần này sẽ là nơi để các thành viên tuyên bố các biện pháp trả đũa Mỹ, phá vỡ mối quan hệ đa phương lâu dài của G7 thành quan hệ mà các nhà quan sát mô tả là “G6+1” (tức 6 nước cộng Mỹ).

Triển vọng về bảo vệ môi trường

Tuy vậy, các quan chức nhấn mạnh rằng vẫn còn chỗ cho sự thành công về các vấn đề khác như bảo vệ đại dương và giáo dục trẻ em gái ở các nước nghèo. Các cơ quan quốc tế đã kêu gọi Thủ tướng Canada Trudeau thúc đẩy các nhà lãnh đạo G7 khác đầu tư 1,3 tỷ USD vào chương trình giáo dục trẻ em gái. 6 cơ quan quốc tế, trong đó có Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) và Tầm nhìn Thế giới, đang kêu gọi G7 thực hiện cam kết chi tiêu trong lĩnh vực này. Họ cũng muốn Canada bơm thêm 500 triệu USD vào sáng kiến này. Điều này phù hợp với chủ đề bao quát của Canada đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh là cải thiện bình đẳng giới cho phụ nữ. “G7 là cơ hội của Canada để biến lời nói thành hành động về việc trao quyền cho phụ nữ”, David Morley, Chủ tịch UNICEF Canada, nói với báo chí Canada. Michael Messenger, Chủ tịch World Vision Canada, cho biết ông hy vọng đây là một chủ đề mà các nhà lãnh đạo G7 có thể đồng ý. 

Một mối quan tâm khác của Canada là việc cam kết chấm dứt chất thải nhựa- một cách để bảo vệ môi trường, trong đó có môi trường biển. Thủ tướng Canada Trudeau mong đợi G7 sẽ ra cam kết về việc chấm dứt chất thải nhựa. Nếu G7 ký cam kết như vậy, hy vọng là sau đó nhóm G20 cũng làm theo.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có chuyến thăm Canada và dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng từ ngày 8 đến 10-6. Trước đó, truyền thông Canada đã công bố danh sách 12 nước khách mời tham dự sự kiện lần này gồm Argentina, Bangladesh, Haiti, Jamaica, Kenya, Đảo Marshall, Na Uy, Rwanda, Senegal, Seychelles, Nam Phi và Việt Nam. Ngoại trừ Rwanda, những quốc gia trong danh sách đều có biển. Một trong những nội dung được đưa ra thảo luận tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng năm nay đó là vấn đề bảo vệ đại dương và bảo tồn các cộng đồng đánh bắt cá ven biển. 

Tin cùng chuyên mục