Cơ chế đặc thù và chính quyền hiệu quả - Bài 3: Sát hạch định kỳ cán bộ, công chức

Việc nâng cao thái độ, trách nhiệm, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức là đòi hỏi rất quan trọng nhằm đảm bảo thực hiện có hiệu quả cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Trao đổi với PV Báo SGGP, TS Diệp Văn Sơn, nguyên Phó vụ trưởng Cơ quan đại diện Bộ Nội vụ tại TPHCM, đề xuất cần có sự cải cách lớn đối với chế độ công vụ vốn tồn tại nhiều trì trệ, bất cập hiện nay.
Cán bộ, công chức cần có thái độ phục vụ dân tốt hơn. Ảnh: VIỆT DŨNG
Cán bộ, công chức cần có thái độ phục vụ dân tốt hơn. Ảnh: VIỆT DŨNG

“Làm khó để ló ra tiền”

- Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về thực trạng cán bộ, công chức, viên chức làm việc chưa hiệu quả, chậm trễ giải quyết việc dân cũng như có sự đùn đẩy trách nhiệm hiện nay?

>> TS DIỆP VĂN SƠN: Trong một đề tài trước đây, số liệu điều tra “chân dung cán bộ, công chức dưới mắt người dân” cho thấy có đến 60% ý kiến của người dân lo lắng nhất khi đến cơ quan công quyền là phải chờ đợi mất thời gian. Cũng qua điều tra xã hội học trong một đề tài nghiên cứu khoa học “Sự suy thoái đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên ở TPHCM...” cho thấy trong 10 biểu hiện suy thoái hàng đầu đáng lo ngại nhất có 69,5% ý kiến cho rằng đó là biểu hiện quan liêu cửa quyền.

Sự chờ đợi của người dân không được giải thích một cách cặn kẽ cũng có nguồn gốc từ biểu hiện quan liêu cửa quyền của cán bộ, công chức. Người dân có chuyện đến cơ quan công quyền, lẽ ra phải được các “công bộc” phục vụ. Song, điều này xem ra còn xa vời đối với công chức khi đối chiếu thực tế hiện nay!

Nhiều nhận xét có tính tổng kết cho thấy chính nền hành chính cơ chế không minh bạch, chồng chéo chức năng thẩm quyền, trách nhiệm tập thể cá nhân không rõ ràng, công chức thiếu phẩm chất... là những nguyên nhân chủ yếu đưa đến nạn nhũng nhiễu, thường gọi là “làm khó để ló ra tiền”.

- Chính quyền các cấp đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao thái độ trách nhiệm, đạo đức công vụ nhưng vì sao có nơi, có chỗ bộ máy chính quyền vẫn chưa hiệu quả, thưa ông?

Xây dựng bộ máy hành chính năng động, hiệu quả và trong sạch đang là mục tiêu chính của công cuộc cải cách hành chính. Để thực hiện được mục tiêu này, trước hết phải có một đội ngũ công chức giỏi về nghiệp vụ và đáp ứng được những chuẩn mực của đạo đức công vụ. Cán bộ của ta là công bộc của dân, là đầy tớ của nhân dân... Đó là những ngôn từ tốt đẹp của dân dành cho cán bộ, những người thừa hành công vụ nhưng thực tế lại khác xa và tình trạng quan liêu, hách dịch, tham nhũng vẫn cứ tồn tại.

Khái niệm đạo đức công vụ vẫn là một cái gì đó xa xôi, mơ hồ nên phải chăng, trong đánh giá công chức hàng năm, có đến 99% công chức được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ. Thậm chí, ngay cả trường hợp của nhiều bị can, trước khi có lệnh khởi tố vụ án vẫn là “đảng viên tốt”. Còn với tư cách là công chức, một số người vẫn hồn nhiên nhận danh hiệu “chiến sĩ thi đua” trước khi bị truy tố với tội danh “tham nhũng”.

Tham nhũng, suy thoái đạo đức công vụ trở thành một vấn nạn. Một khi các tiêu chuẩn đạo đức không được phản ánh một cách cụ thể trong khuôn khổ pháp lý thì thật khó xác định đâu là tiêu chuẩn, đâu là nguyên tắc bắt buộc để điều chỉnh hành vi của tất cả cán bộ, công chức. 

Cần xem người dân là khách hàng 

- TPHCM đang tập trung, quyết liệt triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù, trong đó sẽ phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ nhằm phục vụ người dân tốt hơn. Trước yêu cầu này đòi hỏi nâng cao thái độ, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện chức trách nhiệm vụ ra sao?

Yêu cầu đổi mới tư duy, thái độ và lề lối làm việc của cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công, tăng mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp đã được quy định cụ thể. Chẳng hạn, cán bộ, công chức phải xin lỗi người dân khi giải quyết trễ hẹn hồ sơ thủ tục hành chính. Tuy nhiên, việc đưa quy định vào thực tiễn không đơn giản. Đặc biệt, quy định đó liên quan đến tư duy, văn hóa ứng xử - điều vốn ăn sâu vào nhận thức, cách ứng xử của nhiều cán bộ, công chức, viên chức.

Ngoài ra, việc đổi mới tư duy, thái độ ứng xử, phương thức phục vụ nhằm chuyển nền hành chính nặng về “cai trị” sang “phục vụ”, công chức là “công bộc của dân” là một nội dung hết sức quan trọng. Trong một nền hành chính phát triển, người ta chủ trương xây dựng mối quan hệ giữa chính quyền với công chúng bằng biện pháp lắng nghe tiếng nói công dân. Cụ thể, chính quyền xây dựng định hướng xem công chúng vừa là công dân vừa là khách hàng. Theo đó, văn hóa tư duy cũ cần được thay đổi bằng định hướng phục vụ với chế độ trách nhiệm cao của công chức và cơ quan công quyền.

Xu hướng coi người dân, tổ chức là khách hàng trở thành yếu tố đưa đến các nỗ lực nâng cao hiệu quả quản lý của chính quyền. Những quy định rõ ràng và đáng tin cậy về tiêu chuẩn dịch vụ, biện pháp thực hiện các tiêu chuẩn đó, giải quyết nhanh chóng nhu cầu của người dân… là cần thiết để cải thiện chất lượng dịch vụ công. Thực hiện tốt điều này sẽ giúp nâng cao chất lượng của mối quan hệ tương tác giữa chính quyền và công dân. Khi đó, quan niệm cho rằng công dân chỉ là người được hưởng một cách thụ động dịch vụ do các cơ quan độc quyền của chính quyền ban phát sẽ bị bác bỏ. 

Phát huy hiệu quả công cụ giám sát 

- Cụ thể hơn, lãnh đạo TPHCM cần thực hiện các giải pháp gì nhằm đảm bảo nâng cao ý thức trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức và xây dựng được bộ máy hành chính hoạt động hiệu quả, hiệu lực?

Để có chính quyền kiến tạo, chính quyền phục vụ, trước tiên công chức, viên chức cần thay đổi hành vi trong hoạt động công vụ cho phù hợp nền hành chính dịch vụ hướng về lợi ích của dân. Cạnh đó, cần đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Yêu cầu này đòi hỏi người lãnh đạo phải có sự ràng buộc nghĩa vụ trách nhiệm với đơn vị. Người lãnh đạo cũng luôn phải nêu gương và đòi hỏi cao đối với công chức dưới quyền thực hiện đúng nghĩa vụ trách nhiệm.

Hoạt động hành chính dịch vụ còn đòi hỏi tổ chức bộ máy hành chính thích hợp, hoạt động hiệu quả, hiệu lực. Vì vậy, việc phân công phân cấp trách nhiệm rõ ràng; thực hiện “một cửa”; áp dụng những tiến bộ kỹ thuật hỗ trợ hoạt động hành chính; tạo sự thuận lợi tối đa cho dân cũng là những đòi hỏi cụ thể cần được đáp ứng.

Lâu nay hoạt động của nền công vụ thiếu vắng sự giám sát của cộng đồng một cách khoa học, hữu hiệu. Vì vậy, cần tăng cường giám sát hoạt động công vụ của công chức và thực hiện chế độ cam kết phục vụ nhân dân. Mục tiêu của cam kết là để nâng cao hiệu quả phục vụ cũng như mức độ hài lòng của người dân đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ hành chính công và dịch vụ công. Đồng thời xây dựng cơ chế, phương thức giám sát của nhân dân nhằm ngăn chặn nhũng nhiễu, vòi vĩnh. Ngoài ra, cần bổ sung chế định sát hạch định kỳ đối với cán bộ, công chức.

Cần nhấn mạnh rằng chế định sát hạch khác xa với công việc kiểm điểm hàng năm đang áp dụng còn sơ sài, thiếu khoa học và có tính chất chiếu lệ như hiện nay. 

- Xin cảm ơn ông!

Tin cùng chuyên mục