“Lật mặt” đồng bằng sông Hồng để khai thác than? - Chưa chấp thuận, Tập đoàn Công nghiệp than và khoáng sản Việt Nam vẫn thăm dò

Nguy cơ sụp lún cao
“Lật mặt” đồng bằng sông Hồng để khai thác than? - Chưa chấp thuận, Tập đoàn Công nghiệp than và khoáng sản Việt Nam vẫn thăm dò

Dự kiến, trong quý 3 này, quy hoạch thăm dò khai thác bể than đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) và báo cáo đánh giá tác động môi trường chiến lược cùng các báo cáo thẩm định sẽ được Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, việc mở bể than này đang đối mặt với không ít thách thức.

Niềm vui được mùa của người nông dân đồng bằng sông Hồng bao đời gắn bó với cây lúa có thể sẽ tắt khi bể than khổng lồ được khai mở.

Niềm vui được mùa của người nông dân đồng bằng sông Hồng bao đời gắn bó với cây lúa có thể sẽ tắt khi bể than khổng lồ được khai mở.

Nguy cơ sụp lún cao

Hàng loạt vấn đề được đặt ra khi khai thác bể than ĐBSH. Đó là nguy cơ sụp lún, đe dọa an ninh lương thực, nguy cơ nguồn nước... mà trong đó công nghệ khai thác nào đóng vai trò quan trọng. Ngoại trừ phương án khai thác lộ thiên như tại Quảng Ninh được loại trừ, hai phương án còn lại được đưa ra thử nghiệm là phương án công nghệ khai thác hầm lò và phương án công nghệ khí hóa than ngầm.

Theo PGS-TS Nguyễn Đình Hòe, Trưởng ban Phản biện xã hội, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, bể than ĐBSH nằm trong khu vực kiến tạo hiện đại hoạt động mạnh, các đứt gãy đang hoạt động kéo theo hoạt động nứt đất ngầm theo chiều từ dưới sâu lên mặt đất khá dày đặc. Toàn vùng lại nằm trong đới động đất cấp 7, cấp 8 nên nguy cơ sụp lún khá cao.

Ông Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Ban quản lý các dự án than ĐBSH thuộc Tập đoàn Công nghiệp than và khoáng sản Việt Nam (TKV), cũng thừa nhận, địa chất ĐBSH rất phức tạp, nhất là vấn đề đất và nước. Nước ở sông Hồng có nhiều nhưng không ở trong tầng chứa than. Cụ thể, ở tầng thứ 4 từ mặt đất xuống chiều sâu 150 - 200m rất nhiều nước nhưng lại không có vỉa than nào. Tầng neogen có hàng trăm vỉa than nhưng lại rất ít nước. Vấn đề là đừng để nước chảy từ tầng thứ 4 xuống neogen. Ngoài ra, đất đá ở sông Hồng rất mềm, xốp khiến công tác đào bới dễ dàng nhưng khả năng chống giữ lò than rất khó. Do đó, theo ông Sơn, yêu cầu ở đây là phải thử nghiệm công nghệ, cách khai thác để không ảnh hưởng đến nguồn nước và từ đó không ảnh hưởng đến mặt đất, không ảnh hưởng đến dân cư, nông nghiệp.

Cánh đồng lúa xã Tây Giang (Tiền Hải - Thái Bình), một trong những vựa lúa của miền Bắc, đang nằm trong tâm điểm của dự án khai thác bể than ĐBSH với trữ lượng 210 tỷ tấn. Ảnh: VĂN PHÚC

Cánh đồng lúa xã Tây Giang (Tiền Hải - Thái Bình), một trong những vựa lúa của miền Bắc, đang nằm trong tâm điểm của dự án khai thác bể than ĐBSH với trữ lượng 210 tỷ tấn. Ảnh: VĂN PHÚC

Theo quan điểm của vị đại diện Ban quản lý các dự án than ĐBSH thuộc TKV, nếu khai thác theo kiểu lộ thiên như ở Quảng Ninh thì tác động đến môi trường rất lớn. Nhưng nếu làm hầm lò hoặc làm khí hóa thì ảnh hưởng đến cây trồng chỉ ở mức hạn chế. Diện tích đất canh tác mất đi khai thác than là 50ha cho 1 triệu tấn sản phẩm than, 10 triệu tấn than ở Thái Bình mất 500ha. Và việc mất đất đó chỉ phục vụ cho mặt bằng làm khu công nghiệp, xây dựng nhà xưởng, công trình giếng lò, khí hóa… Đề án này có thể ảnh hưởng đến an ninh lương thực nhưng không lớn, nếu so với việc lấy đất làm sân golf. Bên cạnh đó, về mặt kỹ thuật, mỏ than ở ĐBSH tầng than sâu, như ở Thái Bình có thể cách mặt đất từ 200m xuống dưới 2.000m nên có thể chọn ở một tầng nào đấy để không bị sụp lún. Cái thuận ở khu vực này là có thể chọn những độ sâu khác nhau để không ảnh hưởng đến mặt đất. “Chúng tôi tính ở Hưng Yên tối ưu là 450m. Thái Bình thì chưa phân tích được nhưng với dải than từ Hưng Yên đến Thái Bình thoải dần thì sẽ sâu hơn. Ở Thái Bình nếu khai thác kiểu hầm lò khoảng 500m thì vừa hiệu quả, khả thi cho khai thác và vừa giữ được mặt đất” - ông Sơn nói.

Liên quan đến việc khai thác, theo ông Nguyễn Chân, nguyên Bộ trưởng Bộ Mỏ và Than (giai đoạn 1981-1986), nếu theo phương án khí hóa than thì việc khai thác bể than ĐBSH là có triển vọng. Hiện biện pháp này cũng được nhiều nước thực hiện như Canada, Ucraina. “Tuy nhiên, tôi đã kiến nghị TKV thử nghiệm ở bể than ĐBSH, vừa tiến hành thử tại các giếng than ở Quảng Ninh đã khai thác lâu năm, hiện còn than ở dưới sâu sẽ không phải đầu tư lớn. Nếu thành công, trữ lượng từ Phả Lại (Hải Dương) cho đến hết các khu vực ở Quảng Ninh là không hề nhỏ” - ông Chân nhấn mạnh.

“Lách” để thăm dò

Với chính sách phát triển kinh tế dựa nhiều vào xuất khẩu tài nguyên, từ đó theo tính toán của TKV, năm 2015 Việt Nam sẽ phải nhập khoảng 6 triệu tấn than và tăng dần lên con số trên 60 - 70 triệu tấn than vào năm 2020 để đảm bảo nhu cầu trong nước. Vì vậy, mở rộng khai thác các nguồn than trong nước trở thành nhiệm vụ cấp bách mà việc mở bể than ĐBSH là một trong những định hướng quan trọng của TKV. Tuy nhiên, theo định hướng phát triển ngành than, các bước thực hiện trong việc phát triển bể than ĐBSH đều đang chậm.

Ông Vũ Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc TKV, cho biết theo quy định của Luật Khoáng sản (có hiệu lực từ 1-7), muốn mở một mỏ than khai thác sâu, chủ sở hữu phải đáp ứng 30% vốn đầu tư, do đó, TKV sẽ gặp khó khăn. Theo tính toán, với một mỏ 3,5 triệu tấn thì tổng vốn 14.000 tỷ đồng. Số tiền chủ sở hữu phải bỏ ra theo luật lên đến gần 5.000 tỷ đồng là cực kỳ lớn và không hề đơn giản.

Không những chi phí lớn mà thời gian để có thể thăm dò, thử nghiệm rồi đến khai thác cũng sẽ mất rất nhiều. Cụ thể, đó là thời gian chờ Bộ TN-MT làm báo cáo đánh giá tổng thể tiềm năng tài nguyên than, sau đó thăm dò theo quy định để đánh giá trữ lượng, tiếp đến thử nghiệm công nghệ, xong mới bắt đầu xây dựng mỏ. Mỗi công đoạn mất vài năm và nếu thành công lúc đó mới tìm đối tác phát triển mỏ than thì mất khoảng 20 năm nữa mới có tấn than từ bể than ĐBSH. “Vừa qua, TKV cũng đã đề xuất chọn ra một phạm vi vừa phải để thăm dò xong rồi thử nghiệm. Nếu thành công về mặt công nghệ, lúc đó mới thăm dò ở diện tích lớn hơn. Hiện TKV và tỉnh Thái Bình đang kiến nghị Thủ tướng thực hiện theo phương án như vậy. Kết hợp thăm dò và thử nghiệm, nếu thử nghiệm thành công sẽ tiết kiệm thời gian và chi phí cho chủ đầu tư”, ông Sơn nói.

Trong khi chờ đợi các báo cáo được phê duyệt, theo ông Sơn, TKV đã “lách” bằng cách vẫn tiến hành thăm dò dựa trên những lỗ khoan than đã có tại Hưng Yên và khoan dầu tại Thái Bình để đánh giá trữ lượng, cũng như tiến hành các bước hợp tác với các địa phương để đẩy nhanh các bước đi tiến tới thử nghiệm công nghệ và khai thác.

TKV cho biết, trước mắt sẽ tập trung khai thác vệt Khoái Châu (Hưng Yên), Tiền Hải (Thái Bình), với trữ lượng gần 40 tỷ tấn. Để khai thác vệt than này, TKV sẽ đầu tư xây dựng 14 mỏ, trong đó Hưng Yên có 4 mỏ, Nam Định có 1 mỏ và Thái Bình 8 mỏ.

Theo ông Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Ban quản lý các dự án than ĐBSH thuộc TKV, sau khi có quy hoạch, báo cáo đánh giá về tác động môi trường cùng các báo cáo thẩm định, sẽ phải thăm dò và thử nghiệm. Theo trình tự quy định tại Luật Khoáng sản, sẽ phải thăm dò từ rộng đến hẹp toàn vùng từ Hưng Yên đến Thái Bình (chẳng hạn sẽ khoan lỗ với khoảng cách từ xa đến gần như 10km, rồi cách nhau 5km, 1km…). Trong khi đó, với mỗi 1m khoan sâu hiện nay ở vùng đồng bằng (bao gồm các chi phí khoan, lấy mẫu, đo vẽ, thủy văn…) cần khoảng 5 - 8 triệu đồng. Ở Thái Bình về nguyên tắc thăm dò phải đến 1.700m thậm chí có nơi 2.000m, chi phí thăm dò rất lớn.

Quang Minh – Tuấn Ngọc

Tin cùng chuyên mục