Cử tri lo ngại kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm gia tăng

Trước kỳ họp thứ 9 HĐND TPHCM khóa IX dự kiến diễn ra từ ngày 10 đến ngày 12-7, cử tri TP gửi gắm nhiều tâm tư, bức xúc về các vấn đề dân sinh (như ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm môi trường, quy hoạch…), cũng như bày tỏ quan tâm đến công tác phòng, chống tham nhũng. 
Đường Tô Ngọc Vân, đoạn gần với đường Phạm Văn Đồng (quận Thủ Đức), thường xuyên bị ngập rất nghiêm trọng
Đường Tô Ngọc Vân, đoạn gần với đường Phạm Văn Đồng (quận Thủ Đức), thường xuyên bị ngập rất nghiêm trọng
Đặc biệt, cử tri cũng có các phân tích, kiến nghị cụ thể về việc một số đối tượng lợi dụng dự thảo Luật Đặc khu và Luật An ninh mạng để gây rối vừa qua.
Chống ngập nước, kẹt xe chưa hiệu quả
Ghi nhận những nỗ lực của chính quyền TPHCM trong việc giải quyết các vấn đề dân sinh, song cử tri nhiều quận - huyện vẫn bày tỏ lo ngại trước tình trạng kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường có xu hướng tăng. Cử tri quận 5 đánh giá, chống kẹt xe, chống ngập nước… là những vấn đề nan giải đối với chính quyền TP do hệ thống quản lý, tầm nhìn và phương án quy hoạch còn nhiều bất cập. Cử tri quận Tân Bình nhận xét tình trạng ngập nước trên địa bàn thành phố chưa được giải quyết hiệu quả.
Công tác chống ngập thực hiện không đồng bộ nên dẫn đến tình trạng giải quyết được chỗ này thì phát sinh chỗ khác. Trong đó, có khu vực thường xuyên ngập, phản ánh nhiều lần trong thời gian dài nhưng việc khảo sát và xử lý của cơ quan chức năng chậm và giải quyết không dứt điểm (như ở đường Phổ Quang). Tương tự, cử tri quận 10 cũng cho rằng thành phố đã bỏ tiền của chống ngập nhưng tình trạng ngập vẫn còn phổ biến và nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Do đó, cử tri đề nghị kêu gọi đầu tư nước ngoài, thực hiện các giải pháp đồng bộ, hiệu quả hơn để mang lại kết quả tốt nhất. 
Liên quan đến công tác quản lý và thực hiện quy hoạch, cử tri quận Tân Bình đánh giá còn nhiều bất cập, có dự án (như dự án mở rộng đường Đông Hồ) đã được phê duyệt nhưng trong thời gian dài không triển khai thực hiện. Trong khi đó, cử tri xã Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh) phản ánh dự án khu đô thị Sing - Việt kéo dài  21 năm, đã “treo” quyền lợi của người dân hơn 2 thập niên. Cử tri ở phường 18 (quận 4), xã Tân Thới Nhì (huyện Hóc Môn) và các xã Phú Hòa Đông, Tân Thạnh Tây (huyện Củ Chi) cũng bày tỏ bức xúc về các dự án “treo”.
Việc chậm triển khai đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sinh hoạt của các hộ dân trong khu vực này do không được xây dựng, sửa chữa nhà mặc dù đang xuống cấp. Do vậy, cử tri đề nghị chính quyền các cấp sớm rà soát, có giải pháp triển khai thực hiện các dự án. Trường hợp dự án không có tính khả thi thì xem xét xóa quy hoạch, nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân.
Đề cập đến công tác quản lý đất đai, cử tri quận Phú Nhuận đề nghị TPHCM cần tăng cường quan tâm đến công tác quản lý, sử dụng quỹ đất và các công sản khác. Cử tri phường 4 (quận 4) cũng cho rằng, trên địa bàn TPHCM hiện nay có nhiều địa chỉ nhà, đất của các cơ quan Trung ương để trống nhiều năm.
Một số số địa chỉ đã được thu hồi nhưng sau đó lại tiếp tục bỏ trống, gây ra lãng phí lớn. Do đó, cử tri kiến nghị TP nhanh chóng rà soát, thống kê đầy đủ các địa chỉ nhà, đất công trên địa bàn và có phương án khai thác, sử dụng. Nếu khai thác hiệu quả thì đây sẽ là một nguồn lực rất lớn để TP đầu tư phát triển.
 Bất an với nạn tham nhũng
Liên quan đến công tác phòng chống tham nhũng, cử tri xã Phước Thạnh (huyện Củ Chi) đánh giá, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã thực hiện quyết liệt nhưng cũng còn diễn biến phức tạp. Do vậy, Đảng và Nhà nước phải công khai, minh bạch tài sản của lãnh đạo các cấp để người dân kiểm chứng có tham nhũng hay không. “Tham nhũng hiện nay khá phổ biến”, cử tri xã Phú Hòa Đông (huyện Củ Chi) nhận xét và bày tỏ sự bất an trước vấn nạn này. Bởi người tham nhũng đa số là những người có chức, có quyền, nên cử tri các phường 5 và phường 14 (quận Bình Thạnh) cho rằng để thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng thì phải dựa vào nhân dân. Một giải pháp cụ thể cũng được cử tri nêu ra là cần tịch thu tài sản bất minh không giải trình được của cán bộ có biểu hiện tham nhũng. Đồng tình, cử tri phường Hiệp Phú (quận 9) bày tỏ, trong công tác chống tham nhũng hiện nay khi bị phát hiện thì tài sản thu hồi lại trả cho Nhà nước không đáng kể, không đủ sức răn đe. Từ đó, cử tri đề nghị, tài sản thu hồi do tham nhũng không chỉ được thu hồi toàn bộ mà phải phạt đóng thêm tiền. Có như vậy mới hạn chế được hành vi tham nhũng, tư túi.
Ở một khía cạnh khác, cử tri phường 10 (quận 6) đặt vấn đề phải “đánh” tham nhũng từ đâu, đánh bằng cái gì và nêu câu hỏi: Bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch tham nhũng thì cấp dưới có dám tố cáo không? Do đó, có ý kiến cử tri đề xuất là công tác phòng, chống tham nhũng phải bắt đầu và gắn liền với chống bao che trong các cơ quan và một bộ phận cán bộ có chức có quyền.
Trong khi đó, cử tri quận Phú Nhuận đề nghị cần phải tiếp tục có biện pháp mạnh hơn, đẩy mạnh hơn công tác phòng, chống tham nhũng, lợi ích nhóm và phải truy xét đến cùng nguồn gốc tham nhũng để Đảng ta trong sạch hơn và vững mạnh hơn. Cử tri phường 1 (quận 11) gợi ý về trách nhiệm giám sát của HĐND TPHCM trong công tác phòng, chống tham nhũng. Đồng tình, cử tri quận Tân Bình đề nghị HĐND TPHCM cần xem xét xử lý nghiêm các cán bộ (do HĐND TPHCM bầu ra) tham nhũng. Trong đó, HĐND TP cần có ý kiến với Thành ủy TPHCM về việc xử lý cán bộ liên quan đến một số sai phạm mới được phát hiện gần đây như việc thực hiện quy hoạch Thủ Thiêm, chuyển nhượng đất tại Công ty Tân Thuận… 
Trưng cầu dân ý đối với các chủ trương lớn
Liên quan đến việc lợi dụng dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc (gọi tắt là Luật Đặc khu) và Luật An ninh mạng, cử tri nhiều quận - huyện cũng nêu rõ quan điểm của mình. Cử tri đánh giá trong vụ việc này có một số phần tử cơ hội, phản động đã lợi dụng lòng yêu nước của người dân và đã lôi kéo, kích động. Từ những thông tin sai về bản chất đã gây ra ngộ nhận, hiểu lầm, nên nhiều người đã tham gia các cuộc tụ tập đông người, gây ách tắc giao thông, làm mất trật tự an toàn xã hội. Những hành vi trái pháp luật này gây ảnh hưởng đến bình yên và tác động xấu đến môi trường đầu tư của TPHCM.
Cử tri phường 6 (quận 4) cho rằng hiện nay các thế lực thù địch lợi dụng lòng yêu nước của nhân dân, lựa chọn những khu vực trọng điểm để lôi kéo, kích động, gây hoang mang, chia rẽ làm ảnh hưởng đến tinh thần của người dân. Cử tri kiến nghị các ngành chức năng điều tra, xử lý những người đứng đầu kích động trong những vụ gây rối trong thời gian qua. Tương tự, cử tri các phường 13, 15 và 25 (quận Bình Thạnh) cũng bày tỏ phản ứng trước việc kích động người dân tụ tập đông người xuống đường, gây rối an ninh trật tự trong thời gian qua ở các tỉnh và TPHCM. Từ đó, cử tri đề nghị chính quyền nên họp báo công khai phần thiệt hại tài sản, khẩn trương điều tra, truy cứu trách nhiệm các đối tượng quá khích, đập phá gây thiệt hại tài sản và đưa ra tòa.
Cũng liên quan đến vấn đề này, cử tri xã Phước Thạnh (huyện Củ Chi) còn kiến nghị việc xem xét thông qua các dự án luật cần phải lấy ý kiến của cử tri trước khi trình Quốc hội. Có như vậy mới tránh những việc không hay xảy ra trong nhân dân như thời gian vừa qua, đặc biệt như thông tin về dự thảo Luật Đặc khu, người dân chỉ nghe cho thuê 99 năm nhưng không biết hết các nội dung của dự án luật nên bị lợi dụng kích động. Đồng thời, cử tri cũng đề nghị sớm xem xét thông qua Luật Biểu tình nhằm tạo hành lang pháp lý để người dân bày tỏ chính kiến, cũng như có căn cứ cụ thể hơn trong việc xử lý đối với những trường hợp tập trung đông người gây rối, làm mất an ninh trật tự.
Bày tỏ về vấn đề này, cử tri quận Phú Nhuận hoan nghênh thái độ cầu thị, lắng nghe ý kiến người dân về việc dời lại ngày thông qua Luật Đặc khu. Song, cử tri cũng đề nghị cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền, công khai, trưng cầu dân ý đối với các chủ trương lớn và có quyết sách thu phục lòng dân, cân nhắc trước khi quyết định thông qua hoặc ban hành một chủ trương lớn, thận trọng trước những phần tử xấu lợi dụng xuyên tạc.
                                    Cử tri quan tâm vấn đề Thủ Thiêm
 Mặc dù được triển khai, thực hiện ở quận 2, song dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm vẫn nhận được sự quan tâm của cử tri trên nhiều quận - huyện khác. Cụ thể, cử tri quận 5, 10 bức xúc trước việc dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã được triển khai khoảng 20 năm qua nhưng đến nay vẫn vướng khiếu kiện dai dẳng. Nhiều hộ dân đã khiếu nại vượt cấp nhiều lần nên chính quyền TPHCM cần quan tâm giải quyết dứt điểm, nhiều hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm bức xúc vì không nhận được quyết định thu hồi đất nhưng lại bị cưỡng chế, giải tỏa. Có trường hợp hôm trước nhận quyết định cưỡng chế thì hôm sau đã bị tháo dỡ nhà. Đáng chú ý hơn, người dân cho rằng quyết định điều chỉnh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm không ổn về pháp lý… Chính vì vậy, cử tri đề nghị chính quyền TPHCM xem xét lại những quyết định sau này để giải quyết quyền lợi chính đáng cho người dân. 
Cử tri cũng kiến nghị TPHCM cần xem lại việc Công ty Đại Quang Minh đầu tư 4 tuyến đường chính (dài khoảng 12km) trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm với tổng mức đầu tư lên đến 12.000 tỷ đồng. Xét cho cùng, đây là đất của nhân dân, tiền thuế của nhân dân, nên đề nghị đại biểu HĐND thành phố giám sát, thông báo cho người dân được biết.

Tin cùng chuyên mục