Đăng ký cư trú và hộ khẩu trên thế giới

Trên thế giới, hệ thống đăng ký cư trú và hộ khẩu có nhiều hình thức. Rất ít quốc gia gắn việc đăng ký cư trú với việc cung cấp dịch vụ xã hội về học hành, việc làm, y tế…
Năm 2008, Hàn Quốc đã bỏ hệ thống đăng ký hộ gia đình - hoju. Ảnh: VIỆT DŨNG
Năm 2008, Hàn Quốc đã bỏ hệ thống đăng ký hộ gia đình - hoju. Ảnh: VIỆT DŨNG
Không "buộc" hộ khẩu với học hành, việc làm, y tế

Nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Ngân hàng Thế giới cho thấy, trên thế giới, hệ thống đăng ký cư trú và hộ khẩu có nhiều hình thức. Cần phân biệt đăng ký theo nhân khẩu (hộ gia đình) và đăng ký theo nơi ở. Có một vài hệ thống, trong đó có hệ thống ở Việt Nam phục vụ cả hai chức năng trên.

Nhiều quốc gia (Pháp, Đức, Hàn Quốc…) có hệ thống đăng ký hộ gia đình. Theo đó, các hộ gia đình được xem như một đơn vị hành chính pháp lý, nhưng không gắn với nơi ở. Năm 2008, Hàn Quốc đã bỏ hệ thống trên, có tên gọi là hoju, với lý do việc xác định chủ hộ (thông thường là đàn ông) làm duy trì những định kiến về giới. Chính phủ Hàn Quốc thay thế hệ thống này bằng hệ thống đăng ký dựa trên thông tin cá nhân; dùng để đăng ký sinh, tử và hôn nhân nhưng không gắn với nơi ở hay việc cung cấp dịch vụ xã hội.

Một số nước có hình thức đăng ký theo nơi ở. Cơ quan quản lý, người dân dùng cách này để xác định việc tiếp cận các dịch vụ chính quyền nhưng không kèm theo các hạn chế đáng kể nào trong việc thay đổi chỗ ở.  Chẳng hạn ở Nhật Bản, công dân báo cáo địa chỉ hiện tại với chính quyền địa phương. Cơ quan quản lý dùng thông tin nhận được từ người dân để cung cấp các dịch vụ xã hội, như: BHYT, đăng ký trường học… Hệ thống này ở Nhật Bản dựa trên cơ sở cá nhân, điểm đặc biệt là không có hạn chế nào với việc thay đổi đăng ký của người dân.

Mỹ không có hệ thống đăng ký cư trú nhưng bằng chứng về nơi ở là yếu tố cần thiết nếu muốn tiếp cận dịch vụ xã hội tại địa phương. Hình thức bằng chứng về nơi ở phổ biến là giấy tờ sở hữu bất động sản hoặc hợp đồng thuê nhà. Đơn cử, để có thể cho con nhập học ở các trường tiểu học và phổ thông công lập, các gia đình phải có chỗ ở hiện hữu tại khu vực đó. Trong phần lớn các trường hợp, việc tiếp cận các dịch vụ không liên quan đến thời gian cư trú. Tuy nhiên, nhiều trường học công lập có mức học phí thấp hơn cho những người cư trú tại bang đó. Sinh viên muốn hưởng mức học phí ưu đãi phải cư trú tại bang đó tối thiểu một năm trước khi nhập học.

Theo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Ngân hàng Thế giới, rất ít quốc gia có hệ thống đăng ký cư trú gắn với việc cung cấp dịch vụ xã hội và vừa quy định hạn chế việc thay đổi đăng ký. Việt Nam và Trung Quốc là hai ví dụ điển hình - thực hiện đồng thời hai chức năng đăng ký theo hộ gia đình và theo nơi cư trú.

Nhiều người lo ngại việc đăng ký cư trú làm hạn chế quyền tiếp cận dịch vụ công của người nhập cư.

Hộ khẩu ở Trung Quốc và những đổi mới gần đây

Theo nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Ngân hàng Thế giới, hệ thống hộ khẩu ở Trung Quốc (hệ thống hukou) thiết lập năm 1958. Hukou giúp chính quyền kiểm soát việc di cư của người dân. Dù có một vài cải cách nhưng hệ thống trên vẫn khá cứng nhắc, hạn chế việc di cư và tiếp cận dịch vụ. Chính phủ chia cư dân thành thị và nông thôn thành hai nhóm nhỏ: cư dân “nông nghiệp” và cư dân “phi nông nghiệp”.

Công dân có được hukou thông qua một quá trình đăng ký do chính quyền địa phương quản lý theo địa bàn cư trú và mối quan hệ gia đình. Mỗi hộ được cấp một sổ hộ khẩu với thông tin các thành viên (tên, giới tính, ngày sinh, tình trạng hôn nhân, nghề nghiệp, nhóm hukou -  nông nghiệp hay phi nông nghiệp, quan hệ trong gia đình và địa chỉ nhà).

Trong bối cảnh nền kinh tế tập trung, phương pháp quản lý này cùng với chính sách phân chia khẩu phần lương thực tại làng xã, đô thị đã hạn chế việc di dân, cản trở quá trình đô thị hóa. Từ năm 1960 đến năm 1978, dân số đô thị Trung Quốc giảm từ 20% - 18%.

Trong ba thập kỷ qua, Trung Quốc đã giảm bớt những hạn chế đặt ra bởi hệ thống hukou. Từ những năm 1980, Trung Quốc nới lỏng kiểm soát và khuyến khích việc di dân từ nông thôn qua thành thị. Năm 2001, nước này cho phép người dân ở những thị trấn nhỏ nộp đăng ký hộ khẩu tại địa phương nếu họ có việc làm hợp pháp, thu nhập ổn định, cư trú lâu dài.

Đến năm 2006, nhà nước quy định rõ quyền tiếp cận các dịch vụ với mục tiêu hỗ trợ quá trình nhập cư tại các TP. Đồng thời, thử nghiệm nhiều cuộc cải cách hệ thống quản lý ở địa phương, tách quyền tiếp cận dịch vụ cơ bản của người di cư ra khỏi tình trạng cư trú tại những tỉnh, thành lớn (Trùng Khánh, Thượng Hải, Thành Đô…).

Trong những năm gần đây, Chính phủ Trung ương đã tăng tốc quá trình cải cách hộ khẩu.

Năm 2011, Hội đồng nhà nước kêu gọi xóa bỏ dần hệ thống cấp phép cư trú.

Năm 2014, Hội đồng nhà nước ban hành kế hoạch đô thị hóa kiểu mới nhằm quản lý một cách có trật tự việc di cư từ nông thôn ra thành thị và đề xuất mục tiêu đến năm 2020, có 100 triệu người nhập cư dài hạn được cấp hộ khẩu thành thị.

Song song đó, cũng trong năm 2014, Hội đồng Nhà nước đề ra mục tiêu dài hạn đối với cải cách hukou, đẩy nhanh việc phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu dân số quốc gia để cung cấp những thông tin liên quan cho quá trình hoạch định chính sách.

Năm 2015, Trung Quốc ban hành quy định về hệ thống cấp phép cư trú. Điểm đặc biệt, người được cấp phép có quyền lợi và bình đẳng trong việc tiếp cận mọi dịch vụ công tại thành phố (giáo dục, việc làm, lương hưu, bảo hiểm xã hội, y tế, văn hóa, thể thao, hỗ trợ pháp lý và các dịch vụ khác).

Cuối tháng 1 - 2016, 29 tỉnh, thành của Trung Quốc áp dụng hệ thống cấp phép cư trú. Nhờ những cải cách trên, tỷ lệ dân số thành thị ở Trung Quốc tăng lên thành 56% trong năm 2015 và đặt mục tiêu đến năm 2020, cả nước có 60% dân số là cư dân đô thị.

Tin cùng chuyên mục