Đất thép Củ Chi - nghĩa tình vẹn tròn

Đất thép thành đồng - huyện Củ Chi là địa phương có nhiều người thuộc diện chính sách có công nhất TPHCM. Nơi đây cũng là địa phương có nhiều cách làm thiết thực trong chăm sóc người có công. 
Thăm hỏi, chăm sóc các mẹ Việt Nam anh hùng là hoạt động thường xuyên của thanh niên huyện Củ Chi. Ảnh: MẠNH HÒA
Thăm hỏi, chăm sóc các mẹ Việt Nam anh hùng là hoạt động thường xuyên của thanh niên huyện Củ Chi. Ảnh: MẠNH HÒA

Lời tri ân của tuổi trẻ

Thực hiện tinh thần đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, tuổi trẻ TPHCM nói chung và tuổi trẻ Củ Chi nói riêng đã có nhiều hoạt động, phần việc ý nghĩa để tri ân các thế hệ anh hùng đã ngã xuống vì Tổ quốc thân yêu. Một trong những hoạt động thiết thực trong đợt cao điểm thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa mà tuổi trẻ huyện Củ Chi vừa hoàn thành là chung tay bê tông hóa con đường dẫn vào nhà Mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Thanh (tại xã Phú Hòa Đông). 

Nhìn các bạn thanh niên nhanh nhẹn bê từng hòn đá, túi cát để làm con đường vào nhà, mồ hôi thì ướt đẫm lưng áo nhưng tiếng nói cười luôn rộn ràng, mẹ Thanh mỉm cười hạnh phúc. Bởi mẹ biết, dù đã mất đi đứa con trai thân yêu nhưng giờ đây mẹ đang có được biết bao đứa con khác chung tay chăm lo cho mẹ lúc tuổi xế chiều. 

Mới đây, các bạn trẻ xã Phước Vĩnh An cùng các cựu chiến binh đã đến thăm và tổ chức “Bữa cơm nghĩa tình” với chủ đề “Chúng con về với mẹ” cùng gia đình Mẹ Việt Nam anh hùng Võ Thị Ba (ấp 6, xã Phước Vĩnh An). Mẹ Võ Thị Ba năm nay 88 tuổi, có 2 con trai hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước và làm nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia. Qua bữa cơm, các bạn trẻ hiểu thêm những hy sinh to lớn của mẹ Võ Thị Ba cùng gia đình. Địa chỉ của nhà mẹ Võ Thị Ba cũng trở thành địa chỉ thân thuộc mà các bạn trẻ thường xuyên đến thăm, tri ân với mẹ. 

Bên cạnh đó, một chương trình thiết thực của các bạn đã được thực hiện trong nhiều năm nay là thay khung của bằng Tổ quốc ghi công, Mẹ Việt Nam anh hùng tại các gia đình chính sách. Riêng trong những ngày tháng 7 năm nay, huyện đoàn còn kết hợp đội ngũ y bác sĩ trẻ tổ chức khám, tư vấn và phát thuốc miễn phí cho các Mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình chính sách và cả người già trên địa bàn huyện.

Ngày thương binh, liệt sĩ hàng năm luôn là dịp để thế hệ trẻ thể hiện sự tri ân đối với những người con đã “mãi mãi nằm lại trong lòng đất Mẹ”. Các bạn trẻ Củ Chi cùng nhau góp nến để tối 26-7 đồng loạt thắp sáng Nghĩa trang Liệt sĩ huyện. Do địa bàn rộng, đi lại xa xôi, các bạn trẻ ở các xã cũng phối hợp, hỗ trợ các xã tổ chức xe đưa đón thân nhân liệt sĩ viếng Nghĩa trang Liệt sĩ huyện.

Theo anh Ngô Minh Hải, Phó Bí thư Thành đoàn TNCS TPHCM, hoạt động đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn chính là dịp để tuổi trẻ TPHCM thể hiện lòng tri ân với các thế hệ cha ông đi trước. Từng việc làm của các bạn, dù nhỏ, đều góp phần giáo dục ý thức cho thế hệ trẻ cùng chung tay xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

 Chăm lo toàn diện

Toàn huyện có hơn 37.600 hộ gia đình chính sách có công, trong đó có 2.087 Mẹ Việt Nam anh hùng (toàn TPHCM có 5.333 mẹ); hơn 1.500 thương binh, hơn 500 bệnh binh... Bà Lê Thị Ánh Tuyết, Trưởng phòng LĐTB-XH huyện Củ Chi, cho hay huyện có hơn 8.000 người hưởng chính sách có công hàng tháng và hưởng một lần với số tiền hơn 13 tỷ đồng. Từ cuối năm 2017, người có công nghỉ hưu trên địa bàn huyện không còn phải lãnh tiền 2 nơi (tiền lương hưu lãnh ở bưu điện, trợ cấp chính sách có công lãnh ở UBND xã, thị trấn) mà nhận luôn một lần ở bưu điện. Những bậc cao niên, ốm đau, được nhân viên bưu điện mang trợ cấp đến tận nhà chi trả mà không tính phí. 

Củ Chi là địa phương đầu tiên của TPHCM và là nơi khai sinh “nhà tình nghĩa” trong cả nước. Từ căn nhà đầu tiên được xây dựng tặng vợ chồng thương binh Đào Văn Của và Nguyễn Thị Tuyết (ấp Phước Hòa, xã Phước Hiệp) vào năm 1982, đến nay, toàn huyện đã trao tặng 4.500 nhà tình nghĩa tới các gia đình chính sách. Riêng trong dịp 27-7-2018, huyện dự kiến xây mới, sửa chữa 70 căn. Việc khảo sát về hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà tình nghĩa cho đối tượng chính sách có công vẫn tiếp tục thực hiện, được làm thường xuyên, giúp cải thiện chỗ ở cho người có công với cách mạng. 

Phong trào chăm sóc người có công, tạo điều kiện tốt nhất giúp người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ có mức sống cao hơn mức trung bình của người dân trong cộng đồng dân cư được chú trọng. Thương binh nặng 1/4 Trần Hoàng Minh (68 tuổi, ngụ xã Hòa Phú) chia sẻ, sau ngày giải phóng, ông trở về địa phương trong tình trạng không một tấc đất cắm dùi, một thân một mình làm lụng đêm ngày trong nỗi đau đớn của các vết thương khắp cơ thể. Sau khi lập gia đình, 4 đứa con nối tiếp chào đời. Được hỗ trợ nhà tình nghĩa và các chính sách chăm lo học tập cho con cái, đến nay, các con ông đều trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định: 2 người là giáo viên, 1 người làm thẩm phán. 

Với các Mẹ Việt Nam anh hùng, ngoài chính sách của Nhà nước còn có sự chăm sóc của cộng đồng. “Bên cạnh chính sách chung như cả nước, TPHCM phụng dưỡng mỗi mẹ 2 triệu đồng/tháng, các doanh nghiệp cũng phụng dưỡng mỗi mẹ ít nhất 2 triệu đồng/tháng. Các đoàn thể, các bạn trẻ thường xuyên thăm nom, săn sóc các mẹ. 78 mẹ trên địa bàn huyện được phụng dưỡng đầy đủ về vật chất và tinh thần”, bà Lê Thị Ánh Tuyết chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục