Doanh nghiệp FDI thống lĩnh ngành da giày

Tiếp tục trải qua một năm đầy biến động về kinh tế, hàng loạt doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa của ngành da giày Việt Nam không thể trụ lại với nghề, nhiều DN đã ngưng hoạt động. Dù số lượng DN chỉ chiếm hơn ¼ tổng DN trong ngành da giày tại Việt Nam, nhưng khối DN FDI đã thống lĩnh ngành da giày-túi xách, chiếm gần 80% tổng kim ngạch xuất khẩu trong năm 2012.
Doanh nghiệp FDI thống lĩnh ngành da giày

Tiếp tục trải qua một năm đầy biến động về kinh tế, hàng loạt doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa của ngành da giày Việt Nam không thể trụ lại với nghề, nhiều DN đã ngưng hoạt động. Dù số lượng DN chỉ chiếm hơn ¼ tổng DN trong ngành da giày tại Việt Nam, nhưng khối DN FDI đã thống lĩnh ngành da giày-túi xách, chiếm gần 80% tổng kim ngạch xuất khẩu trong năm 2012.

  • Doanh nghiệp nội lép vế

Tại thời điểm cuối năm, trong khi các DN ngành dệt may đang bận rộn, tăng tốc sản xuất để bù thời gian nghỉ Tết Nguyên đán thì trái lại, DN ngành giày lại làm thủng thỉnh. Dù chịu khó khăn chung nhưng so với ngành dệt may, ngành da giày lại gặp khó khăn hơn trong sản xuất.

Theo ghi nhận từ các DN, chỉ có DN làm giày vải, thể thao hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm 2012 tương đối ổn định, DN làm giày da, thời trang nữ gặp khó khăn hơn. Các cơ sở sản xuất giày dép nhỏ tiêu thụ tại thị trường nội địa sản xuất giảm hơn một nửa so với năm 2011. Đơn hàng giảm sút, giá bán không tăng, trong khi đó, chi phí đầu vào tăng 20%-30% nên phần lớn DN không có lãi, thậm chí chịu lỗ để duy trì sản xuất. Công ty giày Liên Phát (Bình Dương) thuộc loại DN lớn, có trên 1.000 công nhân, nhưng do chủ yếu làm hàng thời trang nữ nên năng suất không cao bằng sản xuất hàng thể thao. DN này cho biết, năm 2012 đã lỗ khoảng 10 tỷ đồng.

Sản xuất giày thời trang nữ xuất khẩu tại Công ty Giày Liên Phát.

Sản xuất giày thời trang nữ xuất khẩu tại Công ty Giày Liên Phát.

Theo Hiệp hội Da giày –Túi xách Việt Nam (Lefaso), thị trường xuất khẩu chính của da giày Việt Nam là EU đã sụt giảm mạnh trong năm 2012, điều này đã tác động lớn đến DN trong nước. Hàng loạt DN vừa và nhỏ của ngành da giày đã phải ngưng hoạt động. Theo số liệu thống kê của Lefaso, tính đến năm 2011, có khoảng 844 DN hoạt động trong ngành sản xuất da giày, túi xách, nguyên phụ liệu.

Trong đó, số lượng DN FDI chiếm hơn 1/4. Thời điểm năm 2011, khối DN FDI chiếm khoảng 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành. Sang năm 2012, đã có cách biệt lớn, ngành da giày-túi xách đạt kim ngạch xuất khẩu trong 8,76 tỷ USD, trong đó, giày dép đạt 7,24 tỷ USD (tăng hơn 10% so với năm 2011), túi xách đạt 1,51 tỷ USD (tăng hơn 18% so với năm 2011), thì khối DN FDI đạt gần 5,6 tỷ USD, chiếm khoảng 77% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành. Dù có tăng trưởng xuất khẩu nhưng da giày đã tụt xuống vị trí thứ 5 trong nhóm ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Kinh tế năm 2012 gặp nhiều khó khăn nhưng khối DN FDI được thuận lợi hơn vì họ là những công ty con, DN vệ tinh làm trực tiếp cho các nhà phân phối, nên được ưu tiên đơn hàng nhiều hơn. Hơn nữa, tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu trong nước của DN FDI đạt khá cao, khoảng 80% và cũng được cung ứng bởi các công ty vệ tinh sản xuất trong nước.

  • Phát triển nguyên phụ liệu nội địa

Tình hình xuất khẩu năm 2013 vẫn còn nhiều thách thức, tiềm ẩn rủi ro, thương mại toàn cầu phục hồi chậm. Trong khi đó, sản xuất trong nước tiếp tục phát sinh nhiều chi phí, giá vật tư nhiên liệu tiếp tục tăng, mức lương tối thiểu tiếp tục điều chỉnh tăng… Do vậy, các đối tác vẫn chưa mạnh dạn đặt hàng cho mùa tiếp theo vì do dự về mức giá. Tại thời điểm này, các DN lớn vẫn chưa thể yên tâm với kế hoạch đặt hàng, chỉ đạt khoảng 70%-80%.

Ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Lefaso, nhận xét, các DN trong nước còn gặp khó khăn về đơn hàng, nhưng bù lại đã mạnh dạn đầu tư công nghệ, gia tăng sử dụng nguyên phụ liệu trong nước cao hơn. Đây là yếu tố tích cực để nâng cao năng lực sản xuất, tìm kiếm thị trường mới đòi hỏi công nghệ sản xuất cao hơn. Xuất khẩu giày dép vào thị trường EU có giảm chậm lại, nhưng xuất khẩu vào Mỹ, Nhật Bản tăng khá cao ở mức 20%-30%.

Hiện nay, các DN FDI vẫn duy trì ổn định sản xuất, đơn hàng sản xuất tại Việt Nam cân đối với dung lượng đơn hàng tại Trung Quốc, Indonesia. Một số mẫu giày sử dụng công nghệ cao trước đây chủ yếu sản xuất ở Trung Quốc, hiện nay đã được sản xuất đại trà tại Việt Nam.

Nhiều DN lớn trong nước đã tận dụng tốt và đang dần gia tăng sử dụng nguyên phụ liệu trong nước, nhất là đối với hàng giày vải, thể thao. Tại Công ty giày Đông Hưng, nhiều chủng loại giày thể thao dùng đến 90% nguyên liệu trong nước sản xuất. Tỷ lệ nội địa hóa của DN Việt Nam hiện nay khoảng 55%. Thặng dư thương mại của ngành da giày-túi xách trong năm 2012 đạt khoảng 5,57 tỷ USD.

Để phát triển nguồn nguyên liệu trong nước, đáp ứng yêu cầu xuất xứ của các hiệp định thương mại, gia tăng giá trị của ngành, Công ty giày Thái Bình cùng một số DN trong Lefaso đang xúc tiến đầu tư, xây dựng nhà máy sản xuất PU (giả da). Ngành da giày dự kiến sẽ nâng tỷ lệ nội địa hóa lên 60%-65% trong năm 2013 cho các sản phẩm cấp trung, giày thể thao, giày trẻ em và dép các loại. Lefaso dự kiến, năm 2013, tăng trưởng xuất khẩu của da giày-túi xách đạt hơn 10%, với kim ngạch khoảng 9,7 tỷ USD, trong đó, giày dép đạt 8 tỷ USD, túi xách 1,7 tỷ USD. 

MỸ HẠNH

Tin cùng chuyên mục