Tác giả “Chơi vơi” với “Bi, đừng sợ!”

Câu chuyện về đứa trẻ, những khối nước đá, và...
Tác giả “Chơi vơi” với “Bi, đừng sợ!”

Trong khi “Chơi vơi” chu du ở các liên hoan phim (LHP) quốc tế thì tác giả kịch bản Phan Đăng Di cũng tất bật trên trường quay bộ phim truyện nhựa đầu tay “Bi, đừng sợ!”. Kịch bản này đã giành giải thưởng Dự án triển vọng châu Á, trị giá 10.000 USD, tại LHP Quốc tế Pusan tháng 10-2007 và được hỗ trợ kinh phí sản xuất của nhiều quỹ điện ảnh nước ngoài khác, trong đó có Quỹ điện ảnh Cinefondation của LHP Cannes.

Câu chuyện về đứa trẻ, những khối nước đá, và...

Bi, đừng sợ! là câu chuyện về một gia đình ở Hà Nội dưới cái nhìn của một đứa trẻ 6 tuổi tên Bi. Ông nội và bố Bi đều bị cuốn theo những đam mê và dục vọng mà không biết điều đó làm tổn thương đến những người phụ nữ trong gia đình. Trong khi các nhân vật nam “ngây thơ và bất trắc” thì những người đàn bà nhẫn nhịn và biết dừng lại đúng lúc để đưa cuộc sống trở về trạng thái cân bằng. “Rất khó nói về thông điệp của phim. Tôi chỉ muốn cho thấy một hiện thực của cuộc sống”, Di tâm sự.

Ý tưởng khởi nguồn cho các kịch bản của Phan Đăng Di thường bắt nguồn từ những hình ảnh gây cho anh nhiều xúc cảm. Đôi khi chỉ đơn giản là một hình ảnh làm anh thích thú và “đủ mạnh để nghĩ ra một câu chuyện có thể triển khai thành bộ phim”. Với Bi, đừng sợ! là hình ảnh đứa trẻ dùng những phiến nước đá để giữ những chiếc lá... Từ đó, anh khai thác mối quan hệ giữa các nhân vật với những khối nước đá. Với ông nội Bi, nước đá là chất để làm tê đi vùng đau trên cơ thể. Với cô của Bi, nó là thứ để kiềm chế lòng dục gây nên bởi mối tình vụng trộm. Với bố Bi, nó chỉ để giải khát. Nhưng với Bi, đó là cả một thế giới đầy bí mật, nơi nó nghĩ là nó có thể ướp tươi tất cả mọi thứ trên đời, từ những chiếc lá nó tìm được đến cả cơ thể của ông nội sau khi chết…

“Đây không phải phim thiếu nhi mà nhân vật trung tâm xuyên suốt phim là đứa trẻ để nói vấn đề gia đình theo mắt nhìn của trẻ con”, Phan Đăng Di cho biết. Theo anh, bộ phim không hướng vào những vấn đề to tát hay hy vọng đem đến sự thay đổi nào đó mà chỉ mong được người xem chia sẻ. “Làm sao xem phim để người ta thấy mình trong đó”, Di nói.

Tiếp bước Chơi vơi

Bi, đừng sợ! do Hãng Chánh Phương sản xuất và Công ty BHD phát hành. Hãng Chánh Phương là nhà sản xuất khẳng định được tên tuổi với dự án Dòng máu anh hùng và nhiều bộ phim video khác. Hãng có hệ thống máy móc hiện đại và quan hệ với nhiều nhà làm phim trên thế giới, đặc biệt ở Hollywood. Công ty BHD có mạng lưới đối tác là các nhà phát hành phim tên tuổi ở nhiều nước trên thế giới. Đây là những điều kiện thuận lợi hứa hẹn đem đến nhiều cơ hội cho bộ phim.

Phan Đăng Di cũng tự tin nói rằng, Bi, đừng sợ! có lối tư duy hòa nhập với dòng chảy chung của phim thế giới. Có nhiều cơ sở để hy vọng, Bi, đừng sợ tiếp bước Chơi vơi đến với nhiều LHP quốc tế. Nhà phê bình điện ảnh Ngô Phương Lan nói rằng, uy tín của Chơi vơi sẽ mở rộng đường hơn cho Di đến với các LHP quốc tế. Khi có đến hai phim VN thành công liên tiếp (nếu điều đó xảy ra) thì những nhà làm phim nghệ thuật ở VN sẽ càng nhiều cơ hội được để ý hơn từ bên ngoài.

Nhà làm phim độc lập

Bi, đừng sợ! là phim truyện nhựa (90 phút) thứ hai làm từ kịch bản của Phan Đăng Di sau Chơi vơi. Anh vừa là tác giả kịch bản kiêm đạo diễn của ba bộ phim ngắn, trong đó có phim Sen được trình chiếu tại LHP ngắn danh giá nhất thế giới Clermont Ferrand 2006.

Sau khi tốt nghiệp khoa Biên kịch – Trường ĐH Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội, Phan Đăng Di có thời gian công tác tại Phòng Nghệ thuật - Cục Điện ảnh. Ngoài làm phim, anh tham gia giảng dạy về lịch sử điện ảnh VN và biên kịch tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn. Phan Đăng Di là nhà làm phim độc lập. Theo anh, các dự án phim độc lập không vì mục đích thương mại mà vì sáng tạo cá nhân nên kinh phí làm phim trông chờ vào nguồn quỹ tài trợ và chủ động tìm kiếm các đối tác để làm phim.

Được hỏi Bi, đừng sợ! là một kịch bản hay, sao không gửi cho một hãng phim nhà nước để có thêm nguồn vốn làm phim? Di nói: “Ngân sách dành cho phim nhựa hàng năm không nhiều. Dòng phim Di theo đuổi là phim tác giả nên có thể không đáp ứng được tiêu chí như các phim do ngân sách nhà nước đầu tư”.

Mặc dù dự án trải qua quá trình chờ đợi xin kinh phí nhưng may mắn là nó được khởi quay đúng vào mùa hè năm nay. “Nếu phải để sang năm thì phải chọn lại diễn viên vì ánh mắt trẻ con thay đổi rất nhanh”, Phan Đăng Di cho biết.

Võ Thâm

Tin cùng chuyên mục