Làm phim từ học đường - Bất ngờ và thú vị!

Giọt nước mắt của cô bé Bảo Châu
Làm phim từ học đường - Bất ngờ và thú vị!

“Cuộc chơi” đã bắt đầu từ 3 năm nay nhưng phải  đến LHP Học đường vừa diễn ra trong 3 ngày qua (từ 26 đến 28-8) tại NVH Điện ảnh TPHCM, nhiều người mới biết. Thầm lặng nhưng thành quả đạt được rõ ràng mang một ý nghĩa không nhỏ, nhất là khi sản phẩm làm ra do chính những cô bé, cậu bé mới chỉ 8-10 tuổi, đang học lớp 3, lớp 5 của các trường tiểu học tại TPHCM và Hà Nội…

Một trường tiểu học ở Hà Nội mang cả mô hình thực hiện phim hoạt hình đến LHP. Ảnh: H.G.

Một trường tiểu học ở Hà Nội mang cả mô hình thực hiện phim hoạt hình đến LHP. Ảnh: H.G.

Giọt nước mắt của cô bé Bảo Châu

Bảo Châu năm nay lên lớp 5. Cô bé là một trong số những đạo diễn nhí của CLB Điện ảnh học đường trường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Bảo Châu cùng cô giáo mang bộ phim hoạt hình “Chú vịt đi lạc” đến tham dự LHP. Việc đứng trước cuộc họp để nói về bộ phim của mình trước những người tham dự chủ yếu là người lớn và khách nước ngoài quả là quá sức với một cô bé.

Bảo Châu vừa kể, vừa khóc khiến cho ai nấy vừa buồn cười lại vừa thương. Nào là đáng ra trong bộ phim không có cảnh trời mưa, nhưng vì lúc quay xong, xem lại có một đoạn phim không hiểu sao ánh sáng chập chờn, “thế là chúng con nảy ra sáng kiến cho trời sấm chớp và mưa”; nào là khi lắc lư con thỏ cái tai nó đã bị đứt…

Sự hồn nhiên và trong trẻo rất trẻ thơ khiến cho người lớn không khỏi tự hỏi tại sao không làm điều này sớm hơn, không giúp các em thỏa sức sáng tạo với trí tưởng tượng phong phú của mình trong thế giới điện ảnh.

Bộ phim “Xưởng hoạt hình trong góc lớp” cũng của trường Nguyễn Bỉnh Khiêm với lời bình hết sức dễ thương bằng ngôn ngữ trẻ thơ đã phác họa niềm hứng khởi, say mê của những cô bé, cậu bé trong việc khám phá thế giới điện ảnh, từ việc viết kịch bản, vẽ các nhân vật, vẽ bối cảnh, đến quay phim, dựng phim…

“Tôi không nghĩ đến việc là bé trai hay bé gái!”

K.A.E Stromblad, cô bé 14 tuổi đến từ Thụy Điển đã đỏ mặt trả lời khi nghe mọi người hỏi: “Sao nhân vật cô bé trong phim khi được trẻ hóa lại biến thành một em bé trai?”. Nội dung phim nói về sự quá lố của quảng cáo trong con mắt của trẻ em. Một cô bé 10 tuổi sau khi dùng kem dưỡng da làm trẻ hóa đã biến thành một em bé chỉ mấy tháng tuổi.

Stromblad làm phim này khi 13 tuổi, đó là một bài tập về nhà và cô bé hoàn toàn làm một mình. Diễn viên của cô chính là em gái và cậu em họ của cô. Cô bé hồn nhiên kể là cô không nghĩ tới việc từ con gái biến thành con trai là… vô lý. Cô nghĩ, là trẻ em nên con trai, con gái đều như nhau.

Điều thú vị là đoạn phim ngắn tới mức không còn có thể ngắn hơn được đó đã đoạt 2 giải thưởng về làm phim ngắn của trẻ em tại Thụy Điển, đó cũng là cơ hội để cô được sang Việt Nam tham dự LHP lần này.         

Hãy để các em tự mình thực hiện...

“…Còn người lớn chỉ nên ở bên để giúp các em về mặt kỹ thuật” – đạo diễn Vinh Sơn, một thành viên của BGK LHP đã nói như vậy. Anh cũng chia sẻ với các trường về kinh nghiệm chọn đề tài, về việc các phim ôm đồm quá nhiều thứ khiến câu chuyện phim bị loãng, thiếu tập trung... “Các phim thiếu những chi tiết cận cảnh, đó mới là những chi tiết truyền tải được cảm xúc đối với người xem “- nhà quay phim K’Linh nói.

36 bộ phim ở cả 3 thể loại tài liệu, hoạt hình, truyện ngắn không nhiều những bộ phim hay vì thiếu đi cái nhìn trong trẻo, trẻ thơ. Phim bị mang dấu ấn của thầy cô giáo khá nhiều. Rất dễ nhận ra những bộ phim như vậy bởi tư duy của trẻ em hoàn toàn khác với  người lớn.

Hơn nữa, yếu tố sắp đặt khiến cho nhiều bộ phim bị giả. Tuy nhiên, chọn lọc trong số đó vẫn có những tác phẩm le lói những năng khiếu điện ảnh. Đó là những bộ phim thể hiện rõ cái nhìn của các em đối với thế giới quan xung quanh, về suy luận của các em đối với cuộc sống…

LHP Điện ảnh học đường là dự án do Viện phim Việt Nam, phối hợp với Vụ giáo dục tiểu học – Bộ Giáo dục đào tạo và Viện phim Thụy Điển thực hiện. “Dự án điện ảnh học đường” được thể nghiệm tại một số trường tiểu học ở  2 thành phố lớn trong cả nước là Hà Nội và TPHCM.

Các giáo viên đã được đi tập huấn về cách làm phim, sau đó về hướng dẫn lại cho học sinh của mình, thành lập CLB Điện ảnh học đường tại trường của mình… Hoạt động dù chỉ mới sơ khai nhưng rõ ràng đang mang lại những lợi ích to lớn cho những mầm non điện ảnh sau này.

Ở nhiều nước trên thế giới, việc đưa điện ảnh vào học đường đã được thực hiện từ rất lâu và trở thành một hoạt động thu hút rất đông các học sinh tham gia. Đó cũng là lý do khiến cho cảm thụ điện ảnh, khả năng làm phim dù chỉ là những phim ngắn của giới trẻ các nước phát triển hơn hẳn so với nước ta.

Tại LHP, nhiều bạn nhỏ cũng bày tỏ niềm thích thú khi được tự mình viết những kịch bản, hóa thân vào các nhân vật, hoặc trở thành các đạo diễn, quay phim… Rất mong hoạt động này không phải chỉ là hưởng ứng cho vui mà sẽ trở nên phổ biến ở các trường tiểu học tại Việt Nam.

Kết quả của LHP

  • Thể loại phim truyện ngắn:

- Giải nhất: “Cậu bé hòa nhập” (Trường Minh Đạo – TPHCM)

- Giải nhì: “Chia sẻ” (trường Kim Đồng – Hà Nội)

  • Thể loại phim hoạt hình:

- Giải nhất: “Sói và cừu” (Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm – TPHCM)

- Giải nhì: “Cún con đi học” (Trường Lê Văn Tám – Hà Nội)

  • Thể loại phim tài liệu:

- Giải nhất “Hãy bắt đầu” (Trường Kim Đồng – HN)

- Giải nhì: “Xưởng phim hoạt hình trong lớp học” (Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm – TPHCM)

  • Giải toàn đoàn:

Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm (đơn vị dự thi đạt nhiều giải nhất).

Hà Giang

Tin cùng chuyên mục