Phim truyền hình - “Cuộc chiến” nhà đài và nhà sản xuất

Phim truyền hình - “Cuộc chiến” nhà đài và nhà sản xuất

Giờ đây, khi phim truyện truyền hình chiếm lĩnh hầu hết những khung giờ đẹp trên tất cả các đài truyền hình, nỗi vui mừng lại “nhường chỗ” cho sự lo lắng của chính nhà đài và nhà sản xuất (NSX): làm sao có phim đạt chất lượng để thu hút người xem và nhất là thu hút quảng cáo?

Hợp tác kiểu nào hợp lý?

Buổi đầu liên kết sản xuất phim, nhà đài chọn cách trả bằng quảng cáo cho NSX. Theo đó, số tiền trả cho một tập phim được quy thành số sport quảng cáo. Thí dụ nhà đài tính 180 triệu đồng/tập, tương đương 5 đến 6 sport quảng cáo. Tùy vào khung giờ phát sóng có giá quảng cáo khác nhau nên số sport quảng cáo trả cho NSX cũng nhiều ít khác nhau. NSX lại đi tìm kiếm khách hàng để bán lại các sport quảng cáo này. Tìm kiếm khách hàng để bán quảng cáo là một công việc không hề dễ dàng. Với những công ty truyền thông có sẵn khách hàng “ruột” sẽ đỡ vất vả hơn; ngược lại, NSX phải “chạy bạc mặt” mới xong!

Cảnh trong phim Sỏi đá cũng biết yêu của Hãng M&T Pictures.
Cảnh trong phim Sỏi đá cũng biết yêu của Hãng M&T Pictures.

Một thời gian sau, nhà đài thay đổi hình thức thanh toán, bằng việc buộc nhà NSX cam kết quảng cáo. Theo cách này, đài vẫn trả ở mức 180 triệu đồng/tập nhưng NSX phải cam kết một tập thu được tiền quảng cáo từ 700 triệu đến 800 triệu đồng. Nếu không đạt con số này, NSX sẽ bị nhà đài trừ % dần (thí dụ: đạt 600 triệu trừ 10%; 500 triệu trừ 20%...) và điều này được ghi rõ trong hợp đồng giữa hai bên.

Mới đây, Công ty Truyền hình cáp SCTV lại áp dụng phương thức mới - cam kết raiting (chỉ số người xem), với mức tối thiểu phải đạt raiting 1.5 trở lên (cứ 100 người xem giờ phát sóng đó, có 1,5 người xem chương trình), nếu không đạt mức raiting này, NSX sẽ không nhận được tiền từ SCTV.

Lo doanh thu hay lo chất lượng?

Ông Trần Minh Tiến, Tổng Giám đốc Công ty Lasta, vốn được xem là người khởi xướng phong trào “Giờ vàng phim Việt” cho rằng: “Cả hai hình thức - cam kết quảng cáo và cam kết raiting, đều không nên làm. Cam kết quảng cáo là trực tiếp liên quan đến doanh thu; cam kết raiting thì sát với chất lượng sản phẩm hơn vì chất lượng phim tốt mới có người xem.

Theo tôi, cả hai cách này đều không chấp nhận được. Ở đây nên phân rõ trách nhiệm của nhà đài và NSX. Theo quy trình hiện nay, kịch bản được nhà đài nghiệm thu, đồng ý, NSX mới đưa vào sản xuất. Trong quá trình sản xuất, nhà đài cũng theo kiểm tra, sau đó duyệt và nghiệm thu thành phẩm; sản phẩm có đạt chất lượng, đáp ứng đúng yêu cầu mới được nhà đài cho phát sóng. Khi phim có doanh thu kém lại đổ trách nhiệm cho NSX, vậy trách nhiệm nhà đài ở đâu?”.

Đại diện một nhà sản xuất cho rằng: “Cả hai cam kết đều có rủi ro, riêng raiting khó kiểm soát hơn vì chỉ có Công ty TNS (Taylor Nelson Sofres - công ty đa quốc gia chuyên nghiên cứu thị trường Việt Nam) làm. Chẳng ai biết họ làm thế nào, trong khi raiting phụ thuộc vào nhiều yếu tố”.

Hiện nay, “cán cân” nghiêng nhiều về phía nhà đài vì luôn “nắm dao đằng cán” trong việc hợp tác sản xuất phim giữa nhà đài và NSX. Dù dưới hình thức nào, phần rủi ro lớn nhất vẫn thuộc về NSX. Quảng cáo không đạt, NSX không nhận được đủ tiền; raiting không đạt, NSX không nhận được đồng nào mà còn mất luôn bản quyền phim; làm phim theo đơn đặt hàng của đài cũng chưa hẳn là an toàn. Điều này liệu có khuyến khích hay triệt tiêu sáng tạo trong nghệ thuật?

Đơn cử, hãng phim Vifa gần như đã phá sản vì có phim phát sóng rồi nhưng vẫn chưa lấy đủ vốn để tái sản xuất với con số lên đến hàng chục tỷ đồng, như Gia đình phép thuật dự kiến dài 500 tập nhưng mới làm được có 300 tập phải ngưng vì thiếu quảng cáo nên hết tiền; bộ phim dã sử Minh Tâm kỳ án dài 50 tập là dự án của HTV và hãng phim Vifa nhưng mới quay xong 24 tập thì ngưng cũng với lý do hết tiền.

Theo tìm hiểu, được biết, trong dự án này, NSX mới chỉ được ứng một phần kinh phí, quay được giữa chừng thì hết tiền và khả năng HTV không tiếp tục dự án nữa nên NSX không có tiền trả cho các bộ phận liên quan. Vụ việc đang nhùng nhằng và có thể dẫn đến kiện cáo, chưa biết kết quả ra sao?

Giờ đây, khán giả có quá nhiều kênh, nhiều chương trình để lựa chọn. Nếu không có giải pháp thỏa đáng mà cứ căng kéo giữa nhà đài và NSX thì chất lượng phim truyền hình vẫn còn đó nỗi lo, phim ngoại vẫn lấn át phim Việt về số lượng người xem, và đây cũng là một thiệt thòi không nhỏ cho nền điện ảnh nước nhà.

 Đạo diễn Lê Hữu Lương, Tổng Giám đốc Công ty Phúc Ân Nam, cho rằng: “Có phim đạt chất lượng, chưa chắc raiting đã cao. Ngược lại, có phim làm rất ngớ ngẩn, kịch bản dở nhưng raiting lại cao vì phim ấy có “sao” và có dàn diễn viên hài nổi tiếng. Theo tôi, hai bên đều phải quan tâm đến quyền lợi của nhau thì cả hai mới phát triển được và như thế cũng mới khuyến khích được NSX. Có phạt thì phải có thưởng mà thưởng cũng cao như mức phạt thì mới công bằng. Còn phạt nặng, thưởng nhẹ, mức phạt 100% chỉ đẩy NSX đến phá sản mà thôi”.


NHƯ HOA

Tin cùng chuyên mục