Chỗ học hay trường chuẩn quốc gia?

Sự việc Trường Tiểu học An Hội có tới hơn… 100 lớp học (Báo SGGP đã phản ánh) đang gây bức xức dư luận khi TPHCM đang hướng tới “một xã hội học tập” và phổ cập THPT. Hiện tại, bài toán giảm tải, lo chỗ học đúng nghĩa một môi trường giáo dục đang là vấn đề nan giải đặt ra trước các cấp quản lý TP. Và câu hỏi cái gì quan trọng hơn giữa chỗ học hay trường chuẩn quốc gia đang là mối bận tâm lớn…
Chỗ học hay trường chuẩn quốc gia?

Sự việc Trường Tiểu học An Hội có tới hơn… 100 lớp học (Báo SGGP đã phản ánh) đang gây bức xức dư luận khi TPHCM đang hướng tới “một xã hội học tập” và phổ cập THPT. Hiện tại, bài toán giảm tải, lo chỗ học đúng nghĩa một môi trường giáo dục đang là vấn đề nan giải đặt ra trước các cấp quản lý TP. Và câu hỏi cái gì quan trọng hơn giữa chỗ học hay trường chuẩn quốc gia đang là mối bận tâm lớn…

“Hội chứng chuẩn quốc gia”

Đến thời điểm này, toàn TP có 32/470 trường tiểu học được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia. Quận 9 là một trong những quận có số trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia cao nhất trong toàn thành phố. Có đến 4 trường đạt chuẩn: TH Phong Phú, Long Thạnh Mỹ, Trương Văn Thành, Tân Phú. Thế nhưng, học sinh tiểu học của các trường tiểu học khác vẫn còn phải học ở nhà thiếu nhi quận, thậm chí HS của Trường Tiểu học Hiệp Phú phải học ké Trường Mầm non Vàng Anh, trong cảnh ồn ào của trẻ mầm non.

Học sinh Trường Tiểu học An Hội (quận Gò Vấp) học trong điều kiện chật hẹp.

Học sinh Trường Tiểu học An Hội (quận Gò Vấp) học trong điều kiện chật hẹp.

Sự việc quá tải ở Trường Tiểu học An Hội (Gò Vấp) đã diễn ra nhiều năm nay và trở thành một “guinness” trong giáo dục cả thế giới với số lớp lên đến hơn… 100 lớp học. Trong khi đó, cùng địa bàn một trường tiểu học chuẩn quốc gia đã được xây lên mấy năm nay và vẫn giữ mức đạt chuẩn về sĩ số chỉ có 30 – 35 HS/lớp, ở Trường An Hội sĩ số học sinh có lớp lên đến 59 HS/lớp. Một sự đối lập rõ nét ở 2 ngôi trường này.

Nóng hổi nhất là ngày 5-11, quận 5 đã có một cuộc họp để bàn kế hoạch phá dỡ Trường Mầm non Họa Mi 3 để xây trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia, trong khi đó Trường Mầm non Họa Mi 3 đang nuôi dạy hơn 800 cháu, được đánh giá là một trường mầm non có chất lượng nuôi dạy tốt, sân chơi thoáng mát. Bậc học mầm non đang quá thiếu chỗ học, sĩ số có lớp lên đến 45-50 cháu, thậm chí có trẻ phải học trong những nhóm trẻ gia đình thiếu an toàn. 800 học sinh mầm non sẽ về đâu khi kế hoạch này được thực hiện?

Theo thông tin PV ghi nhận được kế hoạch của quận sẽ cấp cho Trường Mầm non Họa Mi 3 một khu đất 1.900m2 (trường đang có diện tích 4.000m2) chỉ bằng một nửa diện tích hiện nay. Xây được một trường mầm non đã khó, thế nhưng không có thêm trường lại bớt đi. Phải chăng hiện nay trên địa bàn quận 5 đã có 6 trường mầm non đạt chuẩn trong khi bậc tiểu học thì chưa có trường nào là trường chuẩn quốc gia nên mới có chủ trương này? Một điều cần nói rõ là áp lực quá tải của học sinh mầm non hiện nay cao hơn nhiều so với tiểu học.

Chuẩn quốc gia hay chỗ học?

Hiệu trưởng một trường tiểu học bức xúc: Hiện nay, xây một khách sạn hay mở một nhà hàng “là chuyện nhỏ” chính vì vậy mà đi đâu cũng thấy nhà hàng, khách sạn mọc nhan nhản. Thế nhưng, để có được một dự án xây trường thì nhanh nhất cũng mất khoảng 6 năm, thậm chí cả 10 năm. Và ai cũng hiểu “giáo dục là quốc sách” nhưng ai dám hy sinh nguồn lợi trước mắt vì “tương lai con em chúng ta”?

Thực tế, quy hoạch mạng lưới trường lớp của TP đã có từ năm 2003, nhưng vẫn còn hàng trăm công trình trường học hiện vẫn còn nằm trên giấy tờ và sớm nhất cũng phải 6 -10 năm mới có chỗ học cho các em.

Trường Tiểu học Lương Thế Vinh (Gò Vấp) - trường chuẩn quốc gia - sẽ phải phá chuẩn để tiếp nhận học sinh từ Trường Tiểu học An Hội chuyển sang do quá tải. Ảnh: Mai Hải

Trường Tiểu học Lương Thế Vinh (Gò Vấp) - trường chuẩn quốc gia - sẽ phải phá chuẩn để tiếp nhận học sinh từ Trường Tiểu học An Hội chuyển sang do quá tải. Ảnh: Mai Hải

Phải chăng có một nghịch lý: Thiếu trường lớp đã dẫn đến tình cảnh học sinh phải học trong cảnh tạm bợ quá tải, trong khi người ta vẫn nô nức xây trường chuẩn quốc gia để cho “bằng anh, bằng em”?

Điều đáng nói là việc đầu tư cho trường chuẩn quốc gia với 5 tiêu chuẩn vừa tốn kém vừa giải quyết được rất ít chỗ học và vô tình tạo nên sự mất công bằng rõ nét khi giải quyết chỗ học cho trẻ.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT cho rằng: “Xây trường chuẩn quốc gia là một mục tiêu để nâng cao chất lượng giáo dục bền vững tuy nhiên trong tình thế học sinh không đủ chỗ học thì phải có cách giải quyết đồng bộ để đủ chỗ học cho học sinh”.

Tuy nhiên, dường như thông điệp này vẫn chưa đến được với các các quận, huyện, bởi khi PV đặt vấn đề này thì chính các quận, huyện lại nói: “Chúng tôi cũng chỉ làm theo chủ trương của ngành giáo dục: phấn đấu xây trường đạt chuẩn quốc gia để nâng cao chất lượng giáo dục bền vững…”.

Rõ ràng ngay chủ trương xây dựng trường chuẩn quốc gia ở ngành giáo dục và tại các địa phương vẫn chưa có sự thống nhất thì làm sao có thể giải quyết đủ chỗ học cho học sinh trên địa bàn TP?


LÊ LINH

 

Tin cùng chuyên mục