5 trường hợp đình chỉ hoạt động trường cao đẳng

(SGGPO). – Bộ Giáo dục – Đào tạo vừa ban hành thông tư 43/2011/TT- BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư số 14/2009/TT-BGDĐT về Điều lệ trường cao đẳng.

Theo đó, Bộ này quy định một trong những điều kiện tiên quyết để thành lập trường cao đẳng là đã hoàn thiện tổ chức bộ máy của trường phù hợp với Hồ sơ thành lập trường đã được phê duyệt. Có đội ngũ giảng viên cơ hữu, cán bộ quản lý đủ năng lực xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo, đảm bảo tỷ lệ không quá 25 sinh viên/giảng viên mỗi khối kiến thức của tất cả các ngành đào tạo, trong đó có ít nhất 15% giảng viên có trình độ thạc sĩ trở lên.

Ngoài ra, phải bảo đảm có đủ phòng học, thư viện, phòng chức năng phù hợp, cơ sở thí nghiệm, thực tập, thực hành và các cơ sở vật chất khác đáp ứng yêu cầu của chương trình đào tạo. Diện tích nhà đã xây dựng đưa vào sử dụng đạt bình quân tối thiểu là 9m²/sinh viên, trong đó diện tích học tập tối thiểu là 6m²/sinh viên, diện tích nhà ở và sinh hoạt của sinh viên tối thiểu là 3m²/sinh viên; có đủ phòng làm việc cho giảng viên, cán bộ của trường với diện tích tối thiểu là 8m²/người.

Thông tư này cũng quy định rõ những trường hợp bị đình chỉ hoạt động đào tạo của trường cao đẳng. Cụ thể, có 5 trường hợp bị đình chỉ:

1- Có hành vi gian lận để được cho phép hoạt động đào tạo;

 2- Không bảo đảm một trong các điều kiện đăng ký hoạt động;

3- Người cho phép hoạt động đào tạo không đúng thẩm quyền;

4- Sau 3 năm kể từ khi Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo ký Quyết định cho phép hoạt động đào tạo, nhà trường không tuyển sinh và tổ chức đào tạo;

5- Vi phạm quy định của pháp luật về giáo dục, bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức độ đình chỉ.

Như vậy, với quy đinh mới, Bộ Giáo dục – Đào tạo đã đưa thêm các trường hợp bị đình chỉ hoạt động đào tạo do vi phạm (quy định cũ chỉ 2 trường hợp trường cao đẳng bị đình chỉ hoạt động đào tạo là: Vi phạm các quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục ở mức độ phải đình chỉ; Vì lý do khách quan nhà trường không thể bảo đảm hoạt động bình thường đáp ứng yêu cầu của trường cao đẳng).

Sau thời hạn đình chỉ, nếu trường cao đẳng khắc phục được những nguyên nhân dẫn đến việc đình chỉ thì Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo xem xét, quyết định cho phép nhà trường hoạt động đào tạo trở lại.

Trường cao đẳng bị giải thể trong các trường hợp: vi phạm nghiêm trọng các quy định về quản lý và tổ chức hoạt động của trường cao đẳng; hết thời hạn đình chỉ hoạt động đào tạo vẫn không khắc phục được nguyên nhân bị đình chỉ; mục tiêu và nội dung hoạt động của trường cao đẳng không còn phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của khu vực và địa phương; theo quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới các trường đại học và cao đẳng cho phù hợp với tình hình và điều kiện thực tế; theo đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân thành lập trường cao đẳng.

* Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân vừa giao Bộ Giáo dục – Đào tạo hoàn chỉnh dự thảo Quyết định điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2006-2020, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15-10-2011. Điều chỉnh này phải dựa trên Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và có dự báo nhu cầu nhân lực. Đồng thời, phải giảm tỷ lệ sinh viên/giảng viên đại học, cao đẳng trong giai đoạn 2011-2020; từ đó tính lại quy mô giảng viên đại học, cao đẳng theo các vùng, các giai đoạn. Việc quy hoạch số lượng trường đại học, cao đẳng và số lượng sinh viên phải phù hợp với Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục