3 trường ĐH– CĐ bị dừng tuyển sinh năm 2012

Hôm nay, 30-12, Bộ Giáo dục – Đào tạo đã công bố kết quả kiểm tra việc thực hiện cam kết đối với 24 trường Đại học – Cao đẳng trong quý 4-2011. Trong đó có 8 trường công lập, 16 trường ngoài công lập, 1 trường Cao đẳng, 1 Học viện. Đây chủ yếu là những trường được thành lập từ năm 1998 trở lại đây.
  • Xử lý vi phạm tại 4 đơn vị liên kết đào tạo

(SGGPO).-  Hôm nay, 30-12, Bộ Giáo dục – Đào tạo đã công bố kết quả kiểm tra việc thực hiện cam kết đối với 24 trường Đại học – Cao đẳng trong quý 4-2011. Trong đó có 8 trường công lập, 16 trường ngoài công lập, 1 trường Cao đẳng, 1 Học viện. Đây chủ yếu là những trường được thành lập từ năm 1998 trở lại đây.

Có 3 trường Đại học bị đình chỉ tuyển sinh năm 2012 gồm: Đại học Văn Hiến, Đại học Đông Đô và Cao đẳng Công nghệ Thông tin TPCM. Lý do dừng tuyển sinh vì chưa có đất hoặc diện tích đất quá nhỏ, tỉ lệ Sinh viên/Giảng viên cơ hữu (SV/GV) quá cao.

Cụ thể, Đại học Văn Hiến có tỷ lệ sinh viên trên giảng viên cơ hữu là 4947 SV/52 GV; Trường Đại học Đông Đô tỷ lệ này là 4276 SV/77 giảng viên. Còn trường Cao đẳng Công nghệ Thông tin TPHCM bị đình chỉ với lý do diện tích đất quá nhỏ, tỷ lệ sinh viên trên giảng viên cơ hữu quá cao là 6420 SV/76 GV (84,5%). Bộ Giáo dục – Đào tạo gia hạn, đến năm 2013 nếu các trường này không khắc phục được các điều kiện đảm bảo chất lượng thì sẽ bị xem xét đình chỉ hoạt động giáo dục.

Ngoài ra, Bộ cũng ra quyết định đình chỉ tuyển sinh năm 2012 đối với 12 ngành thuộc 4 trường.

Cụ thể, Trường Đại học Chu Văn An, phải đình chỉ tuyển sinh 4 ngành là Kỹ thuật xây dựng công trình, Tiếng Anh, tiếng  Trung, Việt Nam học do chưa có giảng viên cơ hữu có trình độ thạc sỹ và tiến sỹ.

Trường Đại học Lương Thế Vinh (Nam Định) đình chỉ tuyển sinh 4 ngành là Công nghệ Kỹ thuật điện – điện tử; Công nghệ thực phẩm, Bảo vệ thực vật, Khoa học Thư viện do chưa có giảng viên cơ hữu có trình độ thạc sỹ và tiến sỹ.

Trường Đại học Nguyễn Trãi (Hà Nội) đình chỉ tuyển sinh 2 ngành Kế toán và Quản trị kinh doanh do chưa có giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sỹ, tỉ lệ sinh viên/giảng viên cao.

Trường  Đại học Kiến trúc Đà Nẵng, đình chỉ 2 ngành là Kế toán, Quản trị kinh doanh do chưa có giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sỹ, tỉ lệ sinh viên/giảng viên cao.

Bộ Giáo dục - Đào tạo cũng “cảnh cáo” đến 2013 nếu các trường trên không khắc phục được nguyên nhân thì sẽ bị xem xét thu hồi quyết định mở ngành đào tạo.

Theo kết quả kiểm tra, hầu hết các trường chưa thực hiện được đúng như cam kết, các chỉ tiêu theo văn bản cam kết khi thành lập trường hầu hết đều cao, nhiều chỉ tiêu quá cao, khó thực hiện được. Thậm chí có trường chưa có định hướng phát triển (Đại học Hà Hoa Tiên, Hà Nam). Sai phạm nổi bật của các trường này là số giảng viên cơ hữu cũng không đảm bảo. Trong số 24 trường đã kiểm tra thì có 10 trường có dưới 100 giảng viên cơ hữu và hợp đồng dài hạn, đặc biệt có 3 trường có số giảng viên cơ hữu chưa đến 60 người (Đại học Nguyễn Trãi, Văn Hiến, Hà Hoa Tiên). Có 6 trường có tỉ lệ SV/GV rất cao là 50 SV/GV (Cao đẳng Công nghệ thông tin TPHCM, Đại học Đông Đô, Tài chính- Marketing, Văn Hiến, Công nghiệp Hà Nội, Kiến trúc Đà Nẵng), 2 trường có 80 SV/GV (Đại học Văn Hiến, Cao đẳng Công nghệ thông tin TPHCM).

 Nhiều trường công lập tuyển sinh quá quy mô cam kết gồm Đại học Kinh Tế, Đại học quản trị kinh doanh, Đại học Thái Nguyên vượt 126% cam kết, vừa tuyển sinh Đại học, vừa tuyển sinh Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề (Đại học công nghiệp Hà Nội), trong khi đó một số trường tư thục có xu hướng tuyển ngày càng ít đi (Đại học Hoà Bình, Chu Văn An, Nguyễn Trãi). Đặc biệt Hà Hoa Tiên chỉ đạt 4,2% cam kết. Tổng cộng có 41 ngành không có giảng viên là tiến sỹ, 12 ngành không có tiến sỹ và thạc sĩ, thậm chí có ngành chưa có giảng viên cơ hữu. Nhiều giảng viên chưa có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.

Cũng theo kết quả kiểm tra này, một số trường chưa xây dựng được cơ sở vật chất độc lập: 3 trường chưa có đất như trường Đại học Văn Hiến, Đại học Đông Đô, Đại học Nguyễn Trãi; 3 trường có diện tích đất dưới 1 ha là trường Cao đẳng Công nghệ Thông tin TPHCM, Đại học Bà Rịa – Vũng Tàu, Đại học Kiến trúc Đà Nẵng. Trường Đại học Hòa Bình đã có đất song khả năng xây dựng được cơ sở trong vài năm tới rất khó khả thi.

Vì vậy, Bộ Bộ Giáo dục – Đào tạo đã ra văn bản cảnh cáo 3 trường chưa có đất là Đại học Văn Hiến, Đại học Đông Đô, Đại học Nguyễn Trãi. Đến năm 2013, nếu các trường này vẫn chưa có đất xây dựng trường theo cam kết thì đề nghị Thủ tướng Chính phủ giải thể trường. Với những trường có đất nhưng chưa xây dựng được cơ sở vật chất như trường Đại học Hòa Bình, Đại học Chu Văn An, Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM, Đại học Quốc tế Sài Gòn đến năm 2013, nếu các trường này vẫn chưa xây dựng được trường theo cam kết sẽ đình chỉ hoạt động giáo dục và xem xét đề nghị Thủ tướng Chính phủ giải thể trường.

* Đối với 4 cơ sở liên kết đào tạo chui (Raffles Việt Nam; ILA Việt Nam, ERC Việt Nam, Viện kế toán Quản trị doanh nghiệp (IABM) mà Báo SGGP đã phản ánh, sau khi thanh tra, Bộ Giáo dục – Đào tạo đã ra quyết định xử phạt bằng tiền mặt và buộc dừng hoạt động đào tạo, giải quyết quyền lợi cho người học.

Cụ thể, Công ty TNHH ILA Việt Nam (ILA Việt Nam) với các vi phạm liên kết đào tạo, tuyển sinh 240 học viên theo học chương trình cao đẳng với Martin College (Úc) không phép… bị phạt 65 triệu đồng. Ngoài ra, hình thức phạt bổ sung là buộc đơn vị này dừng hoạt động quảng cáo, chiêu sinh và đào tạo trái phép, trả lại kinh phí cho người học. Trong khi đó, Công ty TNHH Dạy nghề đào tạo Quốc tế Raffles (Raffles Việt Nam) với nhiều sai phạm như: tổ chức đào tạo cấp độ 1, cấp độ 2 chương trình cao đẳng của Raffes College of Higher Education Singapore, đào tạo cấp độ 3 chương trình cử nhân của Raffles Collesge of Design & Commerce (Úc), tuyển sinh đào tạo 396 học viên trái phép… đã bị phạt 75 triệu đồng. Bên cạnh đó, đoàn thanh tra cũng buộc Raffles Việt Nam dừng hoạt động quảng cáo, tuyển sinh đào tạo trái phép, trả lại kinh phí cho người học.

Trong khi đó, Công ty TNHH Nghiên cứu và giáo dục Việt Nam (ERC Việt Nam) bị phạt 80 triệu đồng do các sai phạm đào tạo các trình độ cử nhân của trường University of Greenwich (Vương quốc Anh), đào tạo trình độ thạc sĩ liên kết với Australian Institute of Business Administration PTY LTD (Úc), tuyển sinh 365 học viên theo học chương trình thạc sĩ liên kết. Đoàn thanh tra cũng buộc đơn vị này chấp hành trong 10 ngày và dừng các hoạt động quảng cáo, chiêu sinh đào tạo trái phép, trả lại kinh phí cho người học và giải quyết hậu quả.

Riêng về IABM, dù không được phép tổ chức hoạt động đào tạo giáo dục từ mâm non cho tới thạc sĩ, tiến sĩ, nhưng đơn vị này đã ký liên kết đào tạo với Công ty NSSDC Education Sevices Sdn Bdh (Malaysia) để tuyển sinh, đào tạo trình độ cử nhân (29 sinh viên), thạc sĩ (74 học viên), tiến sĩ (87 nghiên cứu sinh) cho các đối tác Trường AIU và Trường IAU (Hoa Kỳ). Dù không thể xử phạt theo quy định hiện hành (do quá thời hiệu xử phạt hành chánh trong lĩnh vực giáo dục) nhưng thanh tra cũng buộc cơ sở này chấm dứt hoạt động liên kết, khắc phục hậu quả, đồng thời giao Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng xem xét không công nhận các văn bằng của Trường IAU, Trường AIU đã cấp cho học viên theo học tại IABM.   


LÂM NGUYÊN  - THANH HÙNG

>> Bùng nổ liên kết đào tạo chui

>> Xử lý nghiêm các cơ sở liên kết đào tạo chui

Tin cùng chuyên mục