Tiếng Anh trong trường phổ thông rối như... thí điểm

Năm học 2011-2012 đã bước vào tuần học thứ ba, song nhiều phụ huynh vẫn băn khoăn chưa biết đăng ký cho con học chương trình tiếng Anh nào trong số nhiều lựa chọn được các trường đưa ra. Một cuộc chạy đua vào các lớp tiếng Anh tăng cường và chương trình phổ thông quốc tế Cambridge khiến không ít trường, phụ huynh và học sinh gặp khó khăn. 
Tiếng Anh trong trường phổ thông rối như... thí điểm

Năm học 2011-2012 đã bước vào tuần học thứ ba, song nhiều phụ huynh vẫn băn khoăn chưa biết đăng ký cho con học chương trình tiếng Anh nào trong số nhiều lựa chọn được các trường đưa ra. Một cuộc chạy đua vào các lớp tiếng Anh tăng cường và chương trình phổ thông quốc tế Cambridge khiến không ít trường, phụ huynh và học sinh gặp khó khăn. 
 
“Thực đơn” nhiều món
 
Sau gần hai giờ ngồi nghe tư vấn về các chương trình tiếng Anh tại buổi họp phụ huynh học sinh đầu năm tổ chức cuối tuần qua tại Trường Tiểu học Thực hành sư phạm Phan Đình Phùng (quận 3), nhiều phụ huynh cho biết vẫn chưa đăng ký cho con học tiếng Anh. Nguyên nhân là do năm nay ngoài hai chương trình tiếng Anh tự chọn và tiếng Anh tăng cường, nhà trường còn tổ chức thí điểm chương trình tiếng Anh đại trà theo Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 do Bộ GD-ĐT ban hành. 
 
Ngoài ra, phụ huynh cũng được lấy ý kiến về việc triển khai học DynEd, hình thức học ngoại ngữ trực tiếp qua phần mềm hỗ trợ của máy tính với mức học phí 120.000 đồng/tháng, song song với việc triển khai chương trình Cambridge do Đại học Cambridge (Vương quốc Anh) biên soạn.

Anh Thành, một phụ huynh cho biết: “Mới vào lớp 1, tiếng Việt các cháu còn chưa rành thì làm sao biết có năng khiếu tiếng Anh hay không? Chỉ riêng hai loại hình tiếng Anh tự chọn và tiếng Anh tăng cường đã khiến gia đình khó nghĩ, nay thêm nhiều chương trình và phần mềm hỗ trợ nữa khiến việc học tiếng Anh của con trở thành bài toán cân não đối với gia đình”.
 
Hiện nay, chưa tính khối 1, Trường Tiểu học Thực hành sư phạm Phan Đình Phùng có tất cả 12 lớp tiếng Anh tăng cường trên tổng số 45 lớp học, đạt tỷ lệ 26,7%. Song theo dự đoán của một hiệu phó nhà trường, năm học 2011-2012, số lượng các lớp tăng cường sẽ tăng thêm ít nhất 20%. Riêng các lớp Cambridge, do học phí khá cao 150 USD/tháng nên đang trong quá trình thăm dò ý kiến phụ huynh, nếu đủ số lượng sẽ triển khai ngay trong năm học này.
 
Trong khi đó, tại Trường Tiểu học Hòa Bình (quận 1), chị Thu Thủy, phụ huynh có con đang học lớp 3, bày tỏ: “Con tôi đang học lớp tiếng Anh tăng cường với mức học phí 50.000 đồng/tháng. Năm nay, nhà trường giới thiệu thêm chương trình Cambridge. Không đăng ký thì sợ con mình thua kém bạn bè, đăng ký rồi lại không biết con có vượt qua kỳ sát hạch và theo được chương trình, còn mình có kham nổi học phí hay không?”. Hiện nhà trường đang hoàn tất việc triển khai chương trình Cambridge trong năm học này. Ngoài ra, một số trường tiểu học khác như Nguyễn Đình Chiểu, Chu Văn An (quận Bình Thạnh) cũng đang bước đầu xúc tiến triển khai chương trình này.
 
Như vậy, sau 12 năm triển khai thí điểm chương trình tiếng Anh tăng cường tại các trường tiểu học trên địa bàn TP, mặc dù chưa đạt hiệu quả như mong đợi với chỉ hơn 11% học sinh theo học, ngành giáo dục - đào tạo TPHCM lại tiếp tục thí điểm hai chương trình khác song song là tiếng Anh đại trà và chương trình Cambridge. 
 
Ngoài ra, các trường còn được khuyến khích sử dụng thêm các phần mềm hỗ trợ học tiếng Anh khác như Phonic, DynEd, E-Study… với nhiều mức học phí khác nhau. Chính điều này tạo ra sự đa dạng trong chương trình và phương pháp học tập, giúp học sinh và phụ huynh chủ động trong việc lựa chọn điều kiện học tập phù hợp với bản thân mình. Song, nếu không làm tốt công tác tư vấn và tổ chức, điều này vô hình trung sẽ tạo nên một cuộc chạy đua không đáng có vào các lớp tăng cường khiến phụ huynh hoang mang, bản thân học sinh không xác định được mục tiêu học ngoại ngữ của mình là gì.
 
Thực tế hiện nay cho thấy, học sinh ở các lớp tự chọn đang có khuynh hướng chuyển vào các lớp tăng cường, trong khi những em ở lớp tăng cường lại tranh nhau các suất vào học chương trình Cambridge.

Giờ học tiếng Anh có hỗ trợ phần mềm DynEd của học sinh Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (quận 1).

Giờ học tiếng Anh có hỗ trợ phần mềm DynEd của học sinh Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (quận 1).

Thầy Bùi Duy Phương, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Hưng Đạo (quận 1) cho biết, năm học 2010-2011, trường chỉ có 3 lớp học chương trình Cambridge, năm nay tăng thêm 4 lớp song vẫn chưa đáp ứng được hết nhu cầu. Riêng Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu (quận Bình Thạnh), mặc dù chưa chính thức mở loại hình đào tạo này nhưng đến nay đã có hơn 100 hồ sơ đăng ký cho con vào học chương trình Cambridge.
 
Nhu cầu và sự bình đẳng trong giáo dục
 
Trao đổi với chúng tôi về việc lựa chọn chương trình, cô Nguyễn Thị Lệ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hồng Hà (quận Bình Thạnh), bày tỏ: “Không phải trẻ nào cũng có năng khiếu học ngoại ngữ. Thay vì chạy đua cho con vào học các lớp tăng cường, phụ huynh cần hiểu rõ nhu cầu và sức khỏe của con mình để có lựa chọn phù hợp”. Bé nào có sức khỏe không tốt, mắc các dị tật về phát âm hoặc trí nhớ, gặp khó khăn trong việc học không nên lựa chọn chương trình tăng cường hoặc Cambridge mà nên chọn tiếng Anh tự chọn với thời lượng 2 tiết/tuần.
 
Tuy nhiên, khi nhìn vào mức học phí, rõ ràng ngoại ngữ vẫn không phải là sân chơi của con nhà nghèo. Một giáo viên dạy tiếng Anh lâu năm ở quận 1 kể, anh đã từng chứng kiến ánh mắt thèm thuồng của học sinh nọ trước cửa phòng máy DynEd, nơi có những mô hình, tranh ảnh rực rỡ màu sắc. Hay trường hợp một học sinh khác, sáng thứ bảy nào em cũng nằng nặc đòi mẹ chở đến trường nhìn các bạn hát, múa, kể chuyện bằng tiếng Anh, một trong những giờ học ngoại khóa thuộc chương trình quốc tế Cambridge.
 
Tiểu học là môi trường giáo dục đầy nhạy cảm, trong đó bất kỳ sự phân loại nào cũng dễ làm tổn thương tâm hồn non nớt của học sinh. Mặc dù tham gia các chương trình giáo dục tiên tiến là nhu cầu có thật của một bộ phận gia đình, song không phải vì thế mà chúng ta bỏ qua quyền lợi cũng như nhu cầu học tập chính đáng của bộ phận học sinh còn lại.

THU TÂM

Nói “loạn” là  không đúng

Ông Nguyễn Hoài Chương, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM đã khẳng định như vậy trong cuộc trao đổi với PV Báo SGGP về những thắc mắc của phụ huynh học sinh xung quanh các chương trình tiếng Anh dạy trong trường phổ thông. Ông cho rằng:

Hiện nay, ở bậc tiểu học có ba chương trình tiếng Anh được sử dụng chính thức trong trường học. Đó là chương trình tăng cường tiếng Anh (được bắt đầu từ năm học 1999-2000 cùng với sự đồng ý của UBND TPHCM và Bộ GD-ĐT), áp dụng cho học sinh từ tiểu học với thời lượng học tiếng Anh 8 tiết/tuần. Hai là chương trình tiếng Anh tự chọn của Bộ GD-ĐT với thời lượng 2-4 tiết/tuần (được áp dụng từ năm 2003) và đã có khoảng 40% HS tiểu học tại TPHCM lựa chọn. Ba là trong năm học 2010-2011, Bộ GD-ĐT đã cho thực hiện chương trình thí điểm tiếng Anh tiểu học theo Quyết định số 1400 ngày 30-9-2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam giai đoạn 2010-2020. Sau khi tiến hành thí điểm thành công, chương trình này sẽ được áp dụng rộng rãi tại các trường tiểu học trong cả nước đối với những học sinh từ lớp 3. Tại TPHCM, chương trình này được thí điểm tại 9/500 trường tiểu học trên địa bàn TP. Xin nói rõ cả ba chương trình này đều không bắt buộc, các trường tùy khả năng của mình và nguyện vọng của phụ huynh HS để thực hiện chương trình. Nên không thể nói chương trình tiếng Anh tại các trường phổ thông là đang “loạn”.

* PV: Còn chương trình phổ thông quốc tế Cambridge, DynEd, Phonics… thì sao thưa ông?

* Ông NGUYỄN HOÀI CHƯƠNG: Chương trình Cambridge là chương trình tiếng Anh phổ thông quốc tế, được Bộ GD-ĐT cho phép thực hiện thí điểm từ năm học 2010-2011 với mong muốn học sinh được học những chương trình đạt chuẩn, hội nhập toàn cầu. Đối với chương trình Cambridge, học sinh tham gia chương trình sẽ được học các môn tiếng Anh, Toán, Khoa học bằng tiếng Anh và được giáo viên nước ngoài trực tiếp giảng dạy. Cuối mỗi cấp học, các em sẽ làm bài kiểm tra và có thể lấy bằng quốc tế Cambridge. Chương trình Cambridge vốn đã được một số trường quốc tế giảng dạy với mức học phí khoảng 15.000 USD/năm. Việc giảng dạy thí điểm chương trình này tại một số trường học có thể thấy được hiệu quả cả về chất lượng lẫn kinh phí khi phụ huynh cho con em đăng ký học. Bên cạnh đó nhiều người nhầm tưởng DynEd, Phonics… là các chương trình tiếng Anh.

Thực ra, đây chỉ là các phần mềm hỗ trợ cho việc giảng dạy của giáo viên thực hiện các mục tiêu của các chương trình tiếng Anh nói trên.

* Vậy hiệu quả, chất lượng thật của các chương trình này ở trường phổ thông như thế nào?

* Các chương trình nói trên đã bước đầu hình thành cho học sinh các kỹ năng giao tiếp cơ bản, đơn giản bằng tiếng Anh trong giao tiếp hàng ngày ở nhà trường và gia đình như kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, trong đó nhấn mạnh hai kỹ năng nghe và nói. Mỗi chương trình đều có một giới hạn phạm vi nhất định: Chương trình tiếng Anh tăng cường mới chỉ áp dụng cho khoảng 11% HS, chương trình tiếng Anh tự chọn là khoảng 40% học sinh. Hai chương trình còn lại mới chỉ mang tính thí điểm, chưa áp dụng trên phạm vi rộng nên số lượng chưa đáng kể. Các chương trình này tạo nên sự đa dạng và giúp phụ huynh học sinh có thể chọn lựa chương trình học phù hợp với điều kiện và khả năng của mình.

LÊ LINH 

Tin cùng chuyên mục