PGS - TS Phan Thanh Bình, Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM: Ưu tiên đẩy mạnh quản trị đại học

Đại học Quốc gia TPHCM là 1 trong 2 trường đại học lớn nhất trong hệ thống giáo dục đại học hiện nay. Với vai trò tiên phong, được giao nhiều trọng trách xây dựng một mô hình đại học kiểu mẫu để nâng chất toàn hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, ĐH Quốc gia đang dần định hình rõ vị thế và tầm ảnh hưởng của mình. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Phan Thanh Bình, Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM xung quanh vấn đề tự chủ và định hướng phát triển trong tương lai.
PGS - TS Phan Thanh Bình, Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM: Ưu tiên đẩy mạnh quản trị đại học

Đại học Quốc gia TPHCM là 1 trong 2 trường đại học lớn nhất trong hệ thống giáo dục đại học hiện nay. Với vai trò tiên phong, được giao nhiều trọng trách xây dựng một mô hình đại học kiểu mẫu để nâng chất toàn hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, ĐH Quốc gia đang dần định hình rõ vị thế và tầm ảnh hưởng của mình. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Phan Thanh Bình, Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM xung quanh vấn đề tự chủ và định hướng phát triển trong tương lai.

- PV: Trong 15 năm xây dựng và phát triển, từng trải qua nhiều giai đoạn tách - nhập các trường thành viên, ĐH Quốc gia hiện nay đặt vấn đề nào lên hàng đầu trong chiến lược phát triển?

PGS - TS Phan Thanh Bình, Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM: Ưu tiên đẩy mạnh quản trị đại học ảnh 1

- PGS-TS PHAN THANH BÌNH (ảnh): Đó là vấn đề quản trị vì nó rộng và đầy đủ hơn tự chủ. Để có quản trị tốt thì cần phải có 3 yếu tố then chốt là tự chủ, cơ sở quản lý và vấn đề con người. Như vậy, chúng tôi xây dựng quản trị dựa trên sự hội tụ và hòa quyện giữa các yếu tố quan trọng này. Hệ thống ĐH Quốc gia hoạt động và quản trị theo chiến lược, kế hoạch và hiệu quả sản phẩm đầu ra. Cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, giải trình các cấp quản lý và xã hội được nâng cao và minh bạch.

Chúng tôi có một khung quy định tự chủ và có cơ chế giám sát, đảm bảo thực thi sự tự chủ. Chẳng hạn như hội đồng của ĐH Quốc gia hiện nay quy tụ rất nhiều các chuyên gia trong và ngoài ĐH Quốc gia cùng tham gia bàn thảo, đóng góp ý kiến cho chiến lược phát triển của ĐH Quốc gia. Ngoài ra, hội đồng khoa học đào tạo của ĐH Quốc gia được xây dựng trên cơ chế tự chủ cao, do các nhà khoa học trong các trường đại học thành viên tự bầu chọn. Và tôi không phải là chủ tịch hội đồng khoa học đào tạo (trong khi đó hiện nay hầu như hiệu trưởng, giám đốc các đại học đều là chủ tịch hội đồng khoa học) mà chính là GS-TSKH Trần Ngọc Thêm. Từ đó, mọi việc về chuyên môn đào tạo chúng tôi đều xin ý kiến của hội đồng. Như vậy, vai trò của nhà khoa học, người thầy được phát huy.

- Như vậy, từ cán bộ quản lý đến các nhà khoa học sẽ phát huy được tối đa năng lực khi họ có được sự tự chủ cao trong quản lý lẫn học thuật?

- Mong muốn và chủ trương của chúng tôi là xây dựng nên một trường đại học thực sự, hiệu quả để xã hội thừa nhận. Do đó, đối với cán bộ quản lý, chúng tôi cử các lãnh đạo đi học không phải theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” mà tập trung một thời gian dài đến vài ba tháng học hỏi những cách làm hiệu quả, phù hợp để áp dụng vào những điều kiện thực tế của mình. Với các nhà khoa học, đội ngũ giảng viên một khi có được sự tự chủ thì năng lượng sẽ phát huy tối đa. Chúng tôi có trên 800 tiến sĩ, trên 1.300 thạc sĩ, đây là nguồn trí thức tương đối lớn. Nếu có sự tự chủ cao họ sẽ phát huy tối đa “tinh thần đại học”.

Sinh viên Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM) trong giờ thực hành tại phòng thí nghiệm Công nghệ sinh học. Ảnh: T.Hùng
Sinh viên Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM) trong giờ thực hành tại phòng thí nghiệm Công nghệ sinh học. Ảnh: T.Hùng

Chính cơ chế thoáng, sự tự chủ cao, ĐH Quốc gia đã thu hút được nhiều chuyên gia hàng đầu của các đại học lớn trên thế giới về hợp tác làm việc như GS Hồ Tú Bảo, GS Omar M.Yaghi, GS Dương Nguyên Vũ, GS Võ Văn Tới... Nhờ vậy, ĐH Quốc gia hiện đã cơ bản hình thành trên 20 nhóm nghiên cứu có khả năng tiếp cận trình độ khu vực và quốc tế, điển hình là các nhóm đơn vị nghiên cứu như: Vật lý tính toán, tính toán tối ưu, thiết kế vi mạch, robot công nghiệp, vật liệu polymer – composite, cảm biến nano sinh học, nhiên liệu sinh học, tế bào gốc... Một số trong các nhóm nghiên cứu đạt được thành tích nổi bật trong năm 2011 như: Nhóm điện tử - viễn thông của Trường ĐH Bách khoa với thiết bị ghi đọc RFID tầm gần trên tần số 13,56MHz, thiết bị ghi đọc RFID tầm gần trên tần số 950MHz, thiết bị chuyển tiếp thông tin RFID trên tần số 2,4GHz và hệ cơ sở dữ liệu phân bổ trên nền Oracle; nhóm thiết kế vi mạch của Trung tâm ICDREC với công bố chip vi điều khiển 32 bit VN16-32 là một bước tiến mới của công nghệ vi mạch Việt Nam.

- Tuy nhiên, hiện nay điều mà nhiều nhà khoa học ngại khi làm việc, hợp tác với VN chính là môi trường làm việc. ĐH Quốc gia đã khắc phục được hạn chế này?

- Khi vào sân chơi quốc tế, môi trường làm việc là điều chúng tôi trăn trở nhất. Trước hết đó là tinh thần làm việc khoa học của các trường rất khắc nghiệt và cực kỳ nghiêm túc. Vấn đề thứ 2 mà tôi thấy cần bàn đó là sự tự chủ của các nhà khoa học. Phương châm của họ là “anh tin tôi thì tôi làm và những gì tôi muốn anh phải đáp ứng được” vì họ xem khoa học là điều quyết định làm cho đất nước phát triển. Về yêu cầu này, trong quản lý hiện nay của chúng ta còn quá nhiều quy định cản trở, nhất là về mặt tài chính. Sự tự chủ cần được hiểu và thông suốt trong cơ chế quản lý. Chính vì vậy mà chúng tôi đã tập trung đẩy mạnh quản trị đại học. Tuy nhiên, chính chúng tôi cũng nhận thấy còn nhiều cơ chế trói buộc mà điển hình nhất vẫn là cơ chế cho khoa học…

- Định hướng trở thành mô hình đại học nghiên cứu là chiến lược lâu dài mà ĐH Quốc gia hướng tới. Vậy ĐH Quốc gia đã có những bước đi như thế nào, thưa ông?

- Đi theo hướng đại học nghiên cứu thực sự mà nói đây là chiến lược không dưới 10 năm mà thậm chí là 20 năm. Vấn đề thứ nhất là con người, đó là những nhà khoa học đầu đàn để tạo ra những nhóm nghiên cứu mạnh như tế bào gốc, nano, thiết bị y tế, vật liệu mới... là những bước đầu tiên mà chúng tôi đang xây dựng. Yêu cầu thứ 2 là môi trường, số nghiên cứu sinh đào tạo sau đại học phải từ 30%.

Vấn đề thứ 3 là cơ sở vật chất. Chúng tôi đã xóa nhà lá những năm 2000, xây nhà gạch bằng các phòng thí nghiệm và hiện nay xây nhà cao tầng. Tuy nhiên, chúng tôi không đi theo hướng đồng bộ mà đang tập trung những mũi riêng để phát triển gồm Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Khoa học tự nhiên và Trường ĐH Quốc tế.

Nói tóm lại, những điều kiện quan trọng cần phải có là con người và điều kiện. Tuy nhiên, để xây dựng tinh thần đại học, văn hóa đại học đúng nghĩa theo tiêu chuẩn quốc tế, chắc chắn phải có thời gian dài mới đạt tới. Chúng ta không thể có một ốc đảo đại học trong một xã hội chưa hiểu rõ về đại học.

- Xin cảm ơn ông!

 
THANH HÙNG (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục