Quận giàu… vẫn khóc

Tại hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo quận 1 TPHCM với cán bộ quản lý các trường trên địa bàn quận mới đây, nhiều ý kiến bức xúc cho rằng khi thực trạng cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa đảm bảo chuẩn cơ bản thì khó có thể thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục, đổi mới phương pháp dạy và học theo yêu cầu, nói chi đến chuẩn hiện đại, tiên tiến.

Mặc dù quận 1 luôn dẫn đầu TP về chất lượng giáo dục, thường xuyên đầu tư đổi mới trang thiết bị dạy và học, trường lớp khang trang hơn nhiều quận, huyện khác nhưng nhìn lại vẫn còn nhiều trường phải “bật khóc… vì khát sữa”. Được cởi mở điều muốn nói, nhiều trường than thở lại chuyện “cũ như trái đất” là thiếu sân chơi, phòng chức năng… nên không thể giáo dục toàn diện, nâng cao thể lực, rèn luyện kỹ năng cho học sinh như mong muốn.

Khó có thể tin được nằm ngay giữa trung tâm sầm uất nhất cả nước nhưng quận 1 vẫn còn nhiều phòng học dột, thấm và vào những ngày mưa đổ nặng hạt thì cả thầy lẫn trò phải đội mưa, hứng nước(!). Đó là ngôi trường điểm Lê Ngọc Hân, Nguyễn Thái Học. Chỉ riêng Trường Lê Ngọc Hân, có đến 29 điểm dột. năm nào trường cũng kêu và được rót kinh phí sửa chữa nhỏ chứ không được đại tu bài bản nên cứ hết 1 năm bảo hành thì chuyện thấm dột lại tái diễn. Nghe học sinh thuật lại những tiếng rơi “lỏm thỏm” trong phòng học, phụ huynh không khỏi chạnh lòng. Nhưng nói như cô hiệu trưởng rằng “chẳng lẽ chúng tôi cứ phải kêu hoài, kêu mãi?…”.

Tương tự, Trường TH Nguyễn Thái Bình nằm ở vị trí đắc đạo trên đường Trần Hưng Đạo cũng thở than đã đề xuất sửa chữa phòng ốc xuống cấp đã lâu nhưng… vẫn phải chờ được duyệt kinh phí. Không những thế, nhà trường còn không thể trang bị một phòng vi tính, mà phải thuê ở bên ngoài nên học sinh chỉ được học 1 giờ vi tính thay vì 2 giờ theo quy định(!?). Nghe mà xót xa cho ngôi trường ở  ngay quận giàu và nằm giữa những tòa nhà cao đẹp.

Còn vị đại diện Trường THPT Lương Thế Vinh thì trăn trở: “Để phòng học xuống cấp, học sinh không thể học dù nghỉ một tiết cũng xem như có tội”. Phòng multimedia của trường có thâm niên 10 năm và nay trang thiết bị đã xuống cấp nặng, thế nhưng nhà trường xin kinh phí đầu tư hơn 1 năm vẫn chưa được duyệt. Nghe thật cám cảnh! Đó là chưa kể những nỗi khổ triền miên của không ít trường khi thấy học sinh của mình không dám vào nhà vệ sinh vì chưa đạt chuẩn tối thiểu hoặc quá cũ kỹ.

Lắng nghe những điều day dứt, thậm chí “muốn khóc”… của các trường, mong rằng lãnh đạo quận 1 không chỉ thấu hiểu mà phải sớm có quyết sách ưu tiên đầu tư cho môi trường giáo dục phát triển lành mạnh hơn. Một quyết sách đúng kịp thời sẽ tạo động lực, khuyến khích thầy và trò dạy, học tốt hơn. Một khi chưa tạo ra môi trường học tập tốt nhất, đảm bảo cơ bản về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học thì khó có thể đặt mục tiêu đổi mới giáo dục, nâng cao chất lượng đạt chuẩn tiên tiến, quốc tế.

KHÁNH BÌNH

Tin cùng chuyên mục