Tạo môi trường giao tiếp tiếng Anh cho học sinh: Cần có cách làm tương thích, hiệu quả

Trước xu thế hội nhập quốc tế, bất cứ công dân nước nào có hành trang tri thức, ngoại ngữ tiếng Anh đạt chuẩn - giao tiếp lưu loát sẽ nắm bắt được cơ hội việc làm, thu nhập cao. Vì thế, nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và chuyên nghiệp ở TPHCM là một yêu cầu cấp bách.
Tạo môi trường giao tiếp tiếng Anh cho học sinh: Cần có cách làm tương thích, hiệu quả

Trước xu thế hội nhập quốc tế, bất cứ công dân nước nào có hành trang tri thức, ngoại ngữ tiếng Anh đạt chuẩn - giao tiếp lưu loát sẽ nắm bắt được cơ hội việc làm, thu nhập cao. Vì thế, nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và chuyên nghiệp ở TPHCM là một yêu cầu cấp bách.

Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm học Anh văn với người nước ngoài. Ảnh: T.L.

Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm học Anh văn với người nước ngoài. Ảnh: T.L.

 

Cải thiện kỹ năng nghe - nói

Với chủ trương xã hội hóa, từ nhiều năm qua các trường phổ thông từ tiểu học  (TH) đến THPT ở TP đã chủ động hợp đồng với các trung tâm dạy ngoại ngữ, thuê giáo viên nước ngoài dạy tiếng Anh cho học sinh (mức thù lao bình quân khoảng 25 - 35 USD/giờ cho giáo viên nước ngoài). Với mức phí học tiếng Anh bình quân 70.000 - 120.000 đồng/học sinh/tháng, hàng ngàn học sinh đã có cơ hội học tiếng Anh với người bản xứ, cải thiện phần nào hạn chế phát âm chưa tốt. So với phương pháp học “chay” - truyền thống, chỉ chú trọng kỹ năng đọc viết, những giờ được thực hành nghe - nói với thầy nước ngoài đã tạo được sự hứng khởi trong môn học ngoại ngữ.

Từ năm học 2010 - 2011, chủ trương mở rộng chương trình tiếng Anh tăng cường và không cần khảo sát đầu vào đã mở rộng cơ hội học ngoại ngữ cho học sinh từ cấp TH. Theo đó, tùy theo điều kiện của từng trường, học sinh nào thích học tiếng Anh sẽ được đăng ký học và kiểm chứng chất lượng học theo chuẩn cấp độ Hội đồng khảo thí của ĐH Cambridge tổ chức.

Không chỉ dừng ở việc dạy tiếng Anh tăng cường, tự chọn, Trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm quận 1 còn áp dụng chương trình TH quốc tế cho học sinh và phụ huynh có nhu cầu. Theo đó, học sinh được dạy chương trình TH của Cambridge, học 6 tiết học gồm các môn toán, khoa học và tiếng Anh với người nước ngoài. Học xong chương trình TH này, học sinh đạt chuẩn trình độ như học sinh nước ngoài và được cấp bằng TH quốc tế của Cambridge. Tuy mức phí khá cao (150 USD/tháng) nhưng có 400 em theo học.

Bà Lê Thị Ngọc Điệp, Hiệu trưởng nhà trường, khẳng định: “Việc tạo môi trường giao tiếp, học và thực hành tiếng Anh chuẩn từ lớp 1 cho học sinh là vô cùng cần thiết. Căn cứ vào thực tế cũng như nhu cầu của phụ huynh, tất cả học sinh ở 38 lớp học của trường đều được học tiếng Anh. Không kể học theo chương trình nào, khi được “nhúng” vào môi trường phải nói, phải nghe, phải tương tác bằng tiếng Anh, hầu hết học sinh của trường đều phát âm chuẩn hơn, tự tin hơn trong giao tiếp”.

Mở rộng nguồn tuyển giáo viên nước ngoài

Phải thừa nhận ngành GD-ĐT TPHCM luôn đi đầu trong các phong trào dạy và học, nhất là khởi xướng chủ trương thí điểm dạy tiếng Anh tăng cường. Cùng với chủ trương xã hội hóa, việc chú trọng nâng cao chất lượng dạy - học tiếng Anh trong trường phổ thông đã tạo bước chuyển về chất và lượng. So với cả nước, mặt bằng trình độ tiếng Anh, tỷ lệ sử dụng tiếng Anh lưu loát của học sinh TPHCM được đánh giá cao.

Bước đột phá này tiếp tục được ghi nhận từ việc triển khai đề án “Phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh và chuyên nghiệp TPHCM giai đoạn 2011 - 2020” của Sở GD-ĐT TPHCM. Theo đó, ngoài chấp thuận thí điểm tuyển 100 giáo viên bản ngữ người Philippines, từ năm học tới, TP sẽ có chính sách, chế độ ưu đãi dành cho giáo viên dạy tiếng Anh ở trường chuyên, tổ chức bồi dưỡng, đưa đi tu nghiệp nước ngoài theo định kỳ…

Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, nhấn mạnh rằng việc thí điểm tuyển giáo viên Philippines tạo môi trường ngôn ngữ, nâng cao năng lực nghe nói, tiếng Anh cho học sinh lẫn giáo viên. Số giáo viên nước ngoài được tuyển dụng sẽ phân bổ chủ yếu về các trường TH (80%), còn lại là THCS và khi làm việc tại các trường phổ thông sẽ tạo thêm sự tương tác, nâng cao kỹ năng giao tiếp cũng như phấn đấu của giáo viên người Việt.

Về mặt pháp lý, các trường sẽ yên tâm về nguồn tuyển giáo viên nước ngoài của sở. Tuy nhiên, xung quanh chủ trương tuyển giáo viên tiếng Anh là người Philippines, có nhiều ý khác phản hồi khác nhau, trong đó không ít người kiến nghị nên mở rộng nguồn tuyển từ nhiều quốc gia và tất cả ứng viên có khả năng đáp ứng yêu cầu tuyển dụng, kể cả Việt kiều, du học sinh giỏi… cũng được tham gia.

Sở GD-ĐT TP chỉ nên làm đầu mối nắm bắt nhu cầu tuyển dụng giáo viên nước ngoài của từng trường và quảng bá rộng rãi chủ trương, tiêu chí tuyển chọn để mọi ứng viên có thể đăng ký. Sau bước tuyển chọn của sở, các ứng viên này được giới thiệu xuống các trường để họ trực tiếp tuyển, ký hợp đồng. Vì đây là chủ trương xã hội hóa và nhà trường - đại diện cho phụ huynh nên họ có quyền tuyển chọn theo yêu cầu, tâm lý của phụ huynh và nếu không đạt yêu cầu như thỏa thuận dễ dàng thanh lý hợp đồng.

Tạo môi trường sử dụng tiếng Anh để đạt mục đích học sinh, sinh viên có thể sử dụng trong môi trường toàn cầu hóa, ngoài đòi hỏi đội ngũ giáo viên đạt chuẩn về bằng cấp, sư phạm, có kinh nghiệm… thì điều kiện cơ sở vật chất, không gian học cũng là yếu tố quyết định thành công. Vì thế, TPHCM phải có quyết sách mạnh hơn, ưu tiên nguồn kinh phí, đầu tư bài bản nhằm tạo môi trường dạy và học tiếng Anh đạt chuẩn, chứ không thể trông chờ một cách bị động vào chủ trương xã hội hóa như đang làm.

Được học với người nước ngoài từ lớp 1, học sinh phát âm tốt hơn, kỹ năng nghe - nói chuẩn hơn và quan trọng là các em tự tin, mạnh dạn trong giao tiếp hơn.

Ông Nguyễn Văn Tri, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Trường Toản quận 10.

Khánh Bình

Tin cùng chuyên mục