Tự chủ đại học phải bảo đảm hậu kiểm

Cuối tuần qua, Quốc hội đã thảo luận về dự thảo Luật Giáo dục đại học (ĐH). Dù vẫn còn một số băn khoăn nhưng với sự đồng thuận khá cao, nhiều khả năng dự thảo luật sẽ được thông qua tại kỳ họp này. Xã hội đang mong bức tranh giáo dục ĐH Việt Nam sẽ bước sang một trang mới khi có Luật Giáo dục ĐH. Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ, hành lang pháp lý đã cơ bản hoàn thiện nhưng ngành giáo dục sẽ triển khai ra sao để luật thực sự phát huy tác dụng.
Tự chủ đại học phải bảo đảm hậu kiểm

Cuối tuần qua, Quốc hội đã thảo luận về dự thảo Luật Giáo dục đại học (ĐH). Dù vẫn còn một số băn khoăn nhưng với sự đồng thuận khá cao, nhiều khả năng dự thảo luật sẽ được thông qua tại kỳ họp này. Xã hội đang mong bức tranh giáo dục ĐH Việt Nam sẽ bước sang một trang mới khi có Luật Giáo dục ĐH. Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ, hành lang pháp lý đã cơ bản hoàn thiện nhưng ngành giáo dục sẽ triển khai ra sao để luật thực sự phát huy tác dụng.

Tự chủ phải minh bạch

Theo GS Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, dự thảo luật lần 3 trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp này đã có nhiều thay đổi so với dự thảo trước. Điều này cũng được hầu hết các đại biểu Quốc hội tán đồng. Ví dụ vấn đề tự chủ ĐH trong dự thảo lần thứ nhất còn rất mờ nhạt, trong dự thảo lần thứ hai được đưa vào nhưng dưới hình thức giao có điều kiện, đến dự thảo lần này, tự chủ được xem như một thuộc tính của trường ĐH, khi cơ sở giáo dục ĐH có đủ điều kiện hoạt động thì có đầy đủ các quyền tự chủ theo luật định. Ngoài ra, các vấn đề gây nhiều tranh cãi là phân tầng ĐH, trường tư thục vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận… cũng đã được xử lý một cách cơ bản.

SV Khoa In và Truyền thông ĐH Sư phạm Kỹ thuật trong giờ thực tập. Ảnh: MAI HẢI
SV Khoa In và Truyền thông ĐH Sư phạm Kỹ thuật trong giờ thực tập. Ảnh: MAI HẢI

Trao đổi với PV Báo SGGP, lãnh đạo một số trường ĐH cho rằng, chắc chắn khi luật ra đời sẽ có tác dụng tích cực đối với giáo dục ĐH Việt Nam. “Nếu kỳ vọng luật tạo ra đột phá đối với chất lượng giáo dục ĐH ngay trong thời gian tới, tôi nghĩ cũng khó, nhưng tác dụng tích cực thì chắc chắn, đặc biệt việc coi tự chủ là thuộc tính của ĐH” - Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM Huỳnh Thành Đạt cho biết.

Được giao tự chủ cũng là đòi hỏi bức thiết bấy lâu nay của hàng trăm trường ĐH trong cả nước. Thế nhưng, điều dư luận đang quan tâm là sau khi luật ra đời, Bộ GD-ĐT sẽ trao quyền này cho các trường như thế nào. Thực tế hiện nay cho thấy, khi chưa được thì các trường “kêu gào” ầm ĩ để được giao tự chủ, nhưng khi giao thì “kêu” vô cùng khó khăn trong triển khai. Điển hình nhất là việc nhiều trường ĐH đòi tự chủ tuyển sinh, Bộ GD-ĐT đã giao các ĐH quốc gia, ĐH trọng điểm xây dựng phương án tuyển sinh nhưng đến nay chưa có trường nào trình lên bộ... vì khó.

Ngoài ra, giao tự chủ đến đâu, lộ trình nào cũng là điều đặt ra. Xã hội chưa thể tin tưởng vào chất lượng của tất cả các trường ĐH. Hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục ĐH, bảng xếp hạng ĐH Việt Nam chưa có, nên nếu ngành giáo dục trao quyền tự chủ không chặt chẽ, dựa trên những tiêu chí cụ thể thì rất dễ dẫn đến tình trạng xin-cho.

Bà Phạm Thị Hải, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Nai, cho biết, trong tổng số gần 400 trường ĐH-CĐ hiện nay, đã có hơn 100 trường được thành lập với thời gian 10 năm trở lại đây. Các trường ĐH có đặc điểm lịch sử, điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học, đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên... khác xa nhau, không đồng đều về quy mô cũng như chất lượng. Vì vậy, việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục ĐH không thể thực hiện một cách đồng loạt và cào bằng được.

Bà Phạm Thị Hồng Nga, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cũng cho rằng việc giao quyền tự chủ cho các trường ĐH cần có lộ trình thích hợp. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc trao tuyền tự chủ phải hết sức công khai, minh bạch, có ràng buộc nghĩa vụ, trách nhiệm cụ thể thì mới không dẫn đến việc trao rồi lại thu quyền tự chủ; hoặc cho mở ngành, mở trường rồi lại phải đình chỉ tuyển sinh, ngừng đào tạo hàng loạt như thời gian qua.

Đó là chưa kể nhiều người vẫn chưa thực sự an tâm khi trong dự thảo Luật Giáo dục ĐH, dù hầu hết thể hiện được sự giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường, nhưng cũng không ít điều chưa thể hiện, hoặc thể hiện rất ít sự giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho cơ sở giáo dục ĐH; hoặc ít nhiều mang tính xin - cho và còn giao cho Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quy định khá nhiều (ví dụ về mở ngành, chuyên ngành đào tạo; tổ chức quản lý đào tạo; liên kết đào tạo; học phí và lệ phí tuyển sinh; quản lý tài chính của cơ sở giáo dục ĐH; quản lý và sử dụng tài sản của cơ sở giáo dục ĐH)...

Không để vừa đá bóng vừa thổi còi

Coi tự chủ là thuộc tính của ĐH và được xem như “linh hồn” của Luật Giáo dục ĐH, nhưng điều mà xã hội quan tâm nhất là sau khi giao, ngành giáo dục sẽ “hậu kiểm” ra sao để không dẫn đến tình trạng “sống chết mặc bây”, bao nhiêu hậu quả người học, xã hội gánh hết.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho hay, khi tính tự chủ của các trường cao thì kiểm định chất lượng giáo dục trở thành một công cụ hữu hiệu để quản lý chất lượng giáo dục. Kết quả kiểm định chất lượng được dùng làm căn cứ để cơ sở giáo dục ĐH giải trình với các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và xã hội về thực trạng chất lượng đào tạo, làm cơ sở cho người học lựa chọn cơ sở giáo dục ĐH, chương trình đào tạo và người sử dụng lao động tuyển chọn nhân lực. Điều này cũng sẽ góp phần thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh trong nâng cao chất lượng đào tạo, công khai, minh bạch hoạt động giáo dục đào tạo ĐH.

Ngành giáo dục khẳng định như vậy, nhưng thành lập và tổ chức, điều hành các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục là công việc còn rất mới đối với nước ta.

Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận, ở các nước tiên tiến trên thế giới việc xếp hạng cơ sở giáo dục ĐH là do các hiệp hội, các tổ chức kiểm định, các tạp chí, tờ báo lớn có uy tín và thậm chí có nước do tổ chức tư nhân thực hiện và công bố. Ở Anh và Mỹ, kết quả xếp hạng này được các cơ sở giáo dục ĐH, các hiệp hội các trường ĐH và xã hội thừa nhận, coi đó là dấu hiệu chất lượng và uy tín của các cơ sở giáo dục ĐH. Còn ở Việt Nam, việc xếp hạng chỉ được đặt ra sau khi luật này ra đời. Vì vậy, nhiều ý kiến lo ngại, trong những năm tới, công tác kiểm định giáo dục ở nước ta chưa thể khởi sắc.

Không ít ý kiến cũng cho rằng, nếu Bộ GD-ĐT vừa soạn thảo luật, vừa ra quyết định thành lập trường ĐH rồi lại đứng ra kiểm định thì khó tránh khỏi “vừa đá bóng vừa thổi còi”, vì vậy đề nghị cần thành lập Hội đồng kiểm định cấp Nhà nước về chất lượng giáo dục. Hoặc kiểm định chất lượng giáo dục phải là tổ chức độc lập (do các tổ chức xã hội, hiệp hội…) thực hiện để đảm bảo khách quan.


THÀNH VINH

Tin cùng chuyên mục