Tín dụng cho sinh viên - Còn giới hạn và có hạn

Sau gần 5 năm thực hiện chương trình tín dụng cho học sinh, sinh viên, đã có 2,3 triệu lượt học sinh, sinh viên nghèo có hoàn cảnh khó khăn được vay tổng cộng trên 35.000 tỷ đồng vốn để trang trải chi phí học tập, sinh hoạt. Tuy nhiên, trong khi nhu cầu vay vốn của sinh viên rất lớn thì nguồn cho vay lại có hạn và giới hạn về đối tượng. Giải bài toán này như thế nào để hướng tới mục tiêu công bằng trong giáo dục? Sinh viên Trường đại học Kinh tế TPHCM đóng học phí và làm thủ tục nhập học.
Tín dụng cho sinh viên - Còn giới hạn và có hạn

Sau gần 5 năm thực hiện chương trình tín dụng cho học sinh, sinh viên, đã có 2,3 triệu lượt học sinh, sinh viên nghèo có hoàn cảnh khó khăn được vay tổng cộng trên 35.000 tỷ đồng vốn để trang trải chi phí học tập, sinh hoạt. Tuy nhiên, trong khi nhu cầu vay vốn của sinh viên rất lớn thì nguồn cho vay lại có hạn và giới hạn về đối tượng. Giải bài toán này như thế nào để hướng tới mục tiêu công bằng trong giáo dục?

Sinh viên Trường đại học Kinh tế TPHCM đóng học phí và làm thủ tục nhập học.

Sinh viên Trường đại học Kinh tế TPHCM đóng học phí và làm thủ tục nhập học.

“Chiếc phao cứu hộ”

Năm 2007, nhờ được vay tiền để trang trải các chi phí học tập, sinh hoạt ở Trường Cao đẳng Phát thanh truyền hình TPHCM, Phạm Vũ quê ở Quảng Ngãi đã vượt qua khó khăn về tài chính, chú tâm vào chuyện học hành. Với kết quả học tập tốt, ra trường có việc làm ổn định ngay, sau 2 năm Vũ đã hoàn trả khoản vay tín dụng này. Trong những năm qua, nhờ “chiếc phao cứu hộ” của chương trình tín dụng ưu đãi dành cho học sinh - sinh viên (HS-SV), đã có hàng triệu HS-SV thuộc diện nghèo, hoàn cảnh khó khăn có thêm điều kiện trang trải chi phí học tập, sinh hoạt.

Khảo sát thực tế từ các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ), trường nghề trên địa bàn TPHCM, chúng tôi nhận thấy chủ trương này đã lan tỏa và được bộ phận công tác SV quan tâm hướng dẫn và xúc tiến làm các thủ tục xác nhận SV để gởi về địa phương vay vốn rất nhanh.

Th.S Trương Minh Kiệt, phụ trách công tác hỗ trợ SV Trường Đại học Kinh tế cho biết: “Mỗi năm học, nhà trường ký giấy xác nhận cho chục ngàn SV về địa phương vay vốn. Trường hợp nào chưa kịp giải ngân thì được vay từ Quỹ Danh dự của trường để đóng học phí…”.

Trên tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và UBND TPHCM “không để một trường hợp HS-SV nào phải bỏ học vì không có tiền đóng học phí”, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam (NHCS-XH) chi nhánh TPHCM vừa có công văn gởi các quận, huyện đề nghị rà soát trên địa bàn những trường hợp HS-SV thuộc diện nghèo, khó khăn mới thi đậu các trường ĐH, CĐ, trung cấp, trường nghề để hướng dẫn lập hồ sơ vay vốn, kịp đóng học phí.

Nhờ nguồn vốn tín dụng, nhiều sinh viên có điều kiện học tập tốt. Ảnh: MAI HẢI

Nhờ nguồn vốn tín dụng, nhiều sinh viên có điều kiện học tập tốt.
Ảnh: MAI HẢI

Theo NHCS-XH Trung ương, nguồn vay vốn trong năm học mới 2012 - 2013 này đảm bảo và không để HS-SV nào nghỉ học, bỏ học vì không có tiền đóng học phí. Tuy vậy, cũng có không ít SV ở các tỉnh thuộc miền Trung hoặc các địa bàn xa vẫn phản ánh rằng thủ tục vay vốn, giải ngân ở địa phương còn chậm, ảnh hưởng đến việc nộp học phí, trang trải cuộc sống của họ.

Theo tính toán của các chuyên gia tài chính, với mức vay được điều chỉnh gần đây, mỗi SV được vay tối đa 10 triệu đồng/năm (1 triệu đồng/tháng/người x 10 tháng) cũng chỉ đáp ứng khoảng 40% - 50% mức chi phí bình quân của SV (khoảng 2,5 triệu đồng/tháng). Đối với các SV theo học tại các trường công lập thì mức vay này tạm trang trải được một phần chi phí sinh hoạt như ăn, ở vì mức học phí thấp, cộng thêm được ở tại ký túc xá... Còn ngược lại, đối với SV theo học ở các trường ngoài công lập có mức học phí khá cao thì mức vay chỉ đáp ứng nhu cầu học phí là chính.

Thực tế này cho thấy, để đeo đuổi ước mơ học hành, lập nghiệp, nhiều HS-SV nghèo hoặc cận nghèo vẫn phải chật vật, vừa học vừa làm thêm để kiếm tiền trang trải cuộc sống, nhất là những ai đang theo học ở các đô thị lớn với mức chi phí đắt đỏ như TPHCM, Hà Nội.

Cần mở rộng quy mô

Phải thừa nhận, chính sách tín dụng ưu đãi dành cho HS-SV với lãi suất thấp (0,65%/tháng), phương thức trả nợ linh hoạt (SV ra trường chịu lãi suất 0,5%/tháng) được triển khai trong những năm qua thể hiện tính ưu việt, giảm gánh nặng tài chính cho nhiều gia đình nghèo hoặc ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa.

Thế nhưng, nhìn lại quy mô của chương trình này còn hạn hẹp vì nguồn vốn có hạn, đối tượng được thụ hưởng chỉ dừng ở HS-SV nghèo, có hoàn cảnh khó khăn và mức vay chưa sát với nhu cầu tối thiểu. Thăm dò ý kiến của nhiều SV đang theo học ĐH, CĐ ở TPHCM, chúng tôi nhận thấy nhu cầu vay vốn để trang trải học tập, sinh hoạt và các mục tiêu khác như trang bị phương tiện học tập, học thêm ngoại ngữ… của các em rất lớn.

Trong tình hình kinh tế khó khăn, giá cả leo thang, nhiều SV dù không thuộc diện nghèo cũng phải bươn trải làm thêm để trang trải cuộc sống, đeo đuổi tấm bằng cử nhân, kỹ sư, bác sĩ… Vì dành nhiều sức lực cho mục tiêu làm thêm nên không ít SV lơ là việc học hoặc không còn tâm trí dành cho nghiệp học. Kết quả sức học sa sút, nợ môn học và đuối quá phải nghỉ học giữa chừng, giã từ giấc mơ trở thành kỹ sư, cử nhân.

Con số mỗi năm có hàng trăm SV bỏ học, trong đó có nguyên nhân phải làm thêm, phải kiếm tiền để sống qua ngày là nỗi niềm day dứt của không ít người làm công tác SV ở các trường ĐH. Chính vì thế, có nhiều ý kiến cho rằng cần mở rộng chương trình tín dụng SV và mở rộng đối tượng thụ hưởng để SV yên tâm ngồi trên giảng đường và toàn tâm toàn ý với sự nghiệp tiến thân, học nghề. Vậy bổ sung thêm nguồn vốn từ đâu để thực hiện mục tiêu công bằng này?

Hiện nay, vốn cho chương trình tín dụng HS-SV đến từ 3 nguồn: ngân sách nhà nước, vốn huy động từ thị trường thông qua phát hành trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh và nguồn thu nợ để quay vòng cho vay. Theo NHCS-XH Trung ương, Chính phủ mới đồng ý cấp thêm 2.500 tỷ đồng cho HS-SV vay vốn từ nguồn vốn Chương trình Tín dụng hỗ trợ giảm nghèo 10 (Chương trình PRSC).

Tuy vậy, theo các chuyên gia tín dụng, nguồn vốn thực tế cho chương trình này còn gặp nhiều khó khăn, cơ cấu tín dụng chưa có tính bền vững, thậm chí bị động. Do tác động của khủng hoảng kinh tế nên việc kêu gọi doanh nghiệp mua trái phiếu gặp khó khăn. Vậy để có thêm nguồn tín dụng dành cho HS-SV ổn định, nhiều chuyên gia cho rằng Chính phủ nên tìm kiếm thêm nguồn từ vốn vay ODA hoặc các chương trình cho vay vốn dài hạn với lãi suất thấp khác.

Theo ông Trần Văn Tiên, Phó Giám đốc NHCS-XH chi nhánh TPHCM, tính đến tháng 6-2012, tổng dư nợ chương trình cho HS-SV vay vốn đạt 632 tỷ đồng, hỗ trợ gần 48.000 HS-SV học ĐH, CĐ, trung cấp và học nghề trang trải học phí.

Khánh Bình

Tin cùng chuyên mục