“Khoảng trời tối”

Ở độ tuổi vị thành niên nhạy cảm, các em luôn cần một khoảng trời riêng với những “người bạn” tri kỷ cùng chia sẻ, giúp đỡ. Nhưng mặt trái của nó cũng thấy rõ qua hàng loạt vụ việc đáng tiếc xảy ra thời gian gần đây, như vụ 5 học sinh (Thanh Hà, Hải Dương) cùng quấn khăn quàng đỏ vào cổ tay tự tử dưới sông Thái Bình, hay vào năm 2012, 3 em học sinh ở Đắk Nông cũng tìm đến cái chết, mà đáng chú ý là các em không có biểu hiện gì bất thường trong cuộc sống gia đình.

Có lẽ khoảng trời riêng mà không ít người vẫn cổ xúy và biện hộ cho giới trẻ là nguyên nhân dẫn đến kết cục thương tâm như vậy. Giá như có sự can thiệp thậm chí công khai của người lớn, biết đâu không để lại hậu quả!

Anh bạn tôi có con gái 16 tuổi, anh chị thường xuyên quản lý con từ chuyện học thêm ở đâu, chơi với nhóm bạn nào? đi chơi ở đâu? Anh chị cùng con vào facebook, máy tính cả nhà cùng dùng chung. Do vậy, không có chuyện gì mà anh chị lại không biết. Những lúc rảnh rỗi, anh chị tổ chức cả nhà đi du lịch, siêu thị sắm cho con những món quà con thích; anh khuyến khích con chơi với tất cả bạn bè, không yêu quá người này, ghét người khác, dạy con biết chấp nhận thất bại, vượt qua dư luận xã hội… Chính điều này con gái anh cũng không có “khoảng trời tự do” để chia sẻ riêng tư và giai đoạn dậy thì của cháu diễn ra một cách êm đẹp. Vậy, vấn đề đặt ra ở đây là người lớn có nhất thiết phải can thiệp?

Theo tôi, chúng ta cần phải can thiệp nhưng đừng thái quá, nhất là việc cấm đoán, dọa nạt, la mắng. Cha mẹ nên tạo điều kiện cho con tham gia vào các hoạt động lao động trong gia đình như trang trí nhà cửa, chuẩn bị bữa ăn, khuyến khích lao động một cách hợp lý sẽ tạo được sự cân bằng thể chất và tinh thần. Những chia sẻ riêng tư của trẻ cũng không nên để trẻ lạm dụng như kiểm soát máy tính, thậm chí người lớn có thể gợi mở để cùng trao đổi, chia sẻ, bàn bạc, định hướng để phòng chống những điều tiêu cực nảy sinh. Đừng nghĩ rằng con mình rất ngoan ngoãn trong gia đình thì khó có thể sinh hư khi ra ngoài! Nếu như người lớn cứ để cho trẻ “một thế giới riêng” để rồi chúng tùy tiện thỏa thích thì những “xung năng” có thể dẫn đến “tự giải phóng” bằng nhiều cách, trong đó có sự lựa chọn tiêu cực, bất mãn. Cha mẹ thử vào facebook mới thấy là những ngôn ngữ viết chợ búa, tục tằn của con, thậm chí có cả những điều cấm kỵ không dành cho lứa tuổi này. Đến một tiệm internet mới thấy “con ngoan” của mình đang thách đố đối thủ trong game online bằng những câu chửi bậy mà tổ tiên cũng phải khiếp sợ.

Đúng là nên dành cho trẻ một khoảng trời riêng nhưng bao giờ cũng có sự định hướng, can thiệp ít nhiều của người lớn. Bởi các em không còn là trẻ con nhưng cũng không phải là người lớn. Đừng bày cỗ, vẽ đường cho trẻ một “khoảng trời tự do” rồi có thể biến thành một “khoảng trời tối”. Lúc này lại đổ lỗi cho nhà trường, xã hội. Hãy ứng xử với tuổi vị thành niên vừa nghiêm khắc nhưng không cấm đoán, dọa nạt, thương yêu mà không chiều chuộng, ủy mị. Có nghĩa là người lớn nên đồng hành cùng với trẻ, thực sự là người bạn lớn của con.

Lê Phạm Phương Lan (Giảng viên tâm lý)

Tin cùng chuyên mục