Nuôi dưỡng văn hóa đọc trong nhà trường

Những ưu tư
Nuôi dưỡng văn hóa đọc trong nhà trường

Có nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan đang tác động đến học sinh và thói quen ham thích đọc sách, vào thư viện để tham khảo, nghiên cứu tài liệu đang bị mai một. Thậm chí, ở một số trường học đầu tư thư viện điện tử, máy đọc sách… cũng khó thu hút học sinh.

Học sinh Trường Lê Quý Đôn (quận 3) nghe giới thiệu sách tại thư viện của trường.

Học sinh Trường Lê Quý Đôn (quận 3) nghe giới thiệu sách tại thư viện của trường.

Những ưu tư

Trong các cấp học thì học sinh tiểu học có vẻ thích đọc sách trong giờ ra chơi hơn và dễ thấy niềm đam mê của các em khi cầm những quyển truyện tranh rực rỡ sắc màu, nội dung hấp dẫn. Để khuyến khích học sinh đọc sách, nhiều trường tiểu học đã trưng bày tủ sách, khu vườn khám phá tri thức ngay ở sảnh  hoặc gần sân trường để thu hút các em đọc sách trong giờ ra chơi hoặc thời gian chờ cha mẹ đến đón. Tuy nhiên, lên bậc học cao hơn như THCS và THPT thì thói quen này đang bị mai một dần. Nguyên nhân là các em bị cuốn hút vào các trò chơi vận động, các thiết bị công nghệ như chơi game, vào internet… Vào mỗi giờ ra chơi, thư viện của Trường THCS Hai Bà Trưng quận 3 TPHCM có trên 10 học sinh ghé vào đọc sách, xem truyện tranh. Đây là những học sinh còn có đam mê đọc sách, thích thú tìm đọc truyện mới. So với cả ngàn học sinh đang nô đùa ở sân trường thì hạt giống nhỏ nhoi này cũng đáng quý.

Cô Đỗ Thị Thanh Hiền, phụ trách thư viện nhà trường, bộc bạch: “Mỗi ngày có khoảng 60-70 lượt  học sinh ghé vào thư viện đọc sách, mượn sách về nhà cũng quý lắm rồi. Chúng tôi phải cố gắng nuôi dưỡng văn hóa đọc ở các em và tìm cách thu hút các em vào thư viện khi rảnh rỗi. Giá mà có thêm một tiết đọc sách chính khóa thì chúng tôi sẽ hướng dẫn các em cách đọc sách, chọn sách phù hợp hơn…”.

Là một trong số ít những trường chăm chút nuôi dưỡng văn hóa đọc, Trường THPT Lê Quý Đôn quận 3 chịu đầu tư thư viện khá hiện đại, có diện tích rộng, với nhiều đầu sách tham khảo, các thể loại truyện, tác phẩm văn học phong phú. Không chỉ xây dựng thư viện điện tử, nhà trường còn trang bị 10 máy đọc sách chia theo chủ đề, tác phẩm nên học sinh dễ dàng chọn lựa theo yêu cầu rất nhanh. Đặc biệt, thư viện có câu lạc bộ, phòng giới thiệu sách và hàng tháng đều tổ chức thuyết trình về sách hay, cần đọc… Thế nhưng, mỗi ngày vào giờ ra chơi, thư viện cũng chỉ đón tiếp khoảng vài chục lượt học sinh và tấp nập hơn là thời điểm học sinh giỏi của trường chuẩn bị cho kỳ thi cấp TP. Ngoài ra, trong giờ ôn tập môn văn, giáo viên yêu cầu phải đọc tác phẩm thì học sinh mới chịu đến thư viện tìm sách đọc. Nhiều em đối phó, đến thư viện để chụp lại vài trang sách cần đọc chứ không muốn đọc sách thực thụ.

Trao đổi về những ưu tư này, cô Trần Thị Hoàng Mai, người 30 năm gắn bó với thư viện nhà trường, giãi bày: “Thời trước nghèo khó, thư viện ít đầu sách nhưng học sinh ham đọc sách, ghé đông hơn. Còn bây giờ, thư viện được trang bị đầy đủ, không thiếu loại sách nào từ sách giáo khoa tham khảo đến các tác phẩm văn học, tạp chí, sách báo… nhưng học sinh lại thờ ơ”. Theo cô Hoàng Mai, thư viện tìm mọi cách thu hút học sinh đến với văn hóa đọc, nhưng thời nay các em lười đọc sách, tìm tòi tài liệu phục vụ cho việc tự học tốt hơn. Ngay cả mùa hè, số học sinh tìm đến thư viện trường để đọc sách, nghiên cứu cũng không nhiều.

Đầu tư cho tương lai của đất nước

Khảo sát thực tế cho thấy, thư viện ở nhiều trường THCS và THPT trên địa bàn TPHCM đều rơi vào tình cảnh chung - lèo tèo người đọc và mượn sách - khiến không ít người ưu tư, lo lắng cho văn hóa đọc thời nay đang mai một. Theo nhiều cán bộ quản lý giáo dục và các hiệu trưởng thì chương trình học ở phổ thông quá nặng, chiếm hết thời gian ở trường nên rất khó duy trì thói quen đọc sách tại trường. Đó là chưa kể, thời gian ở nhà cũng hạn hẹp, áp lực học để thi cử, để vào bậc học cao hơn khiến học sinh phải học thêm đến 9-10 giờ tối. Lấy thời gian nào để đọc sách? Và không tập thói quen đọc sách hàng ngày nên nhiều em không có sở thích đọc sách, tham khảo tài liệu để tự học tốt hơn. Một vấn đề khác là việc đầu tư kinh phí để phát triển thư viện ở nhiều trường chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Do thiếu quan tâm và thiếu kinh phí nên nhiều trường mang tiếng có thư viện nhưng đầu sách tham khảo, tài liệu, truyện đọc nghèo nàn khiến học sinh không thích vào. Về phía học sinh, những tác động từ công nghệ số, internet đã ngốn hết thời gian rảnh rỗi nên các em ít quan tâm đến văn hóa đọc. Đây là vấn đề đáng báo động. Nhưng làm thế nào để tạo thói quen, nuôi dưỡng niềm đam mê đọc sách ở học sinh, giới trẻ?

Trước mắt, để học sinh có thời gian đọc sách thì nội dung chương trình học phổ thông phải được giảm tải thực sự và người học chỉ học những gì cần thiết. Ngoài học các môn bắt buộc và tự chọn theo quy định, học sinh phải có thời gian vào thư viện ít nhất 1 - 2 giờ để tự học như cách giáo dục của các nước tiên tiến đang áp dụng.

Tuy nhiên, để học sinh có thói quen vào thư viện thì việc đầu tiên phải làm là đầu tư cho thư viện hiện đại, đạt chuẩn, đáp ứng nhu cầu đa dạng về đọc sách, tìm tài liệu tham khảo... Việc hướng dẫn các em đọc sách, tìm tài liệu bổ sung cho từng môn học sẽ giúp học sinh mở rộng kiến thức, rèn luyện thói quen tự học, tự nghiên cứu và vận dụng những điều đã học vào thực tiễn cuộc sống. Đây không chỉ là công cụ học tập hiệu quả, nó còn giúp người học đổi mới phương pháp học tập theo mô hình giáo dục tiên tiến, trong đó học sinh trở thành trung tâm - tích cực tham gia vào tiết học, tương tác cùng thầy cô giáo để chất lượng bài giảng tốt hơn. Khi được hướng dẫn, định hướng văn hóa đọc, các em sẽ biết cách khai thác hiệu quả kho tàng tri thức từ sách, từ internet, môi trường điện tử và phát triển năng động, toàn diện hơn. Để phát triển nền văn hóa đọc trong học sinh và làm rõ những tác động xã hội đang làm các em xa dần thói quen đọc sách, ngành giáo dục - đào tạo nên có cuộc điều tra, khảo sát về thực trạng này và tìm hướng khắc phục. Kinh nghiệm cho thấy nhiều quốc gia phát triển coi trọng đầu tư xây dựng hệ thống thư viện trường học hiện đại và nuôi dưỡng nó hoạt động hiệu quả. Họ coi đây là đầu tư cho tương lai của quốc gia, cho sự phát triển bền vững của xã hội.

KHÁNH BÌNH

Tin cùng chuyên mục