Đào tạo ĐH, CĐ từ xa: Bấp bênh dạy và học

Đào tạo ĐH, CĐ từ xa là loại hình đào tạo xuất hiện ở Việt Nam đầu những năm 1990. Thông qua internet, người học được cung cấp toàn bộ kho tài liệu, bài giảng trực tuyến cũng như hướng dẫn bài tập vào địa chỉ email cá nhân hoặc cập nhật trên website chính thức của nhà trường. Đây là loại hình đào tạo làm tăng tính chủ động, tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại của người học. Song, sau hơn 20 năm hoạt động, loại hình này đang dần bộc lộ nhiều bất cập khiến các nhà quản lý phải suy ngẫm.
Đào tạo ĐH, CĐ từ xa: Bấp bênh dạy và học

Đào tạo ĐH, CĐ từ xa là loại hình đào tạo xuất hiện ở Việt Nam đầu những năm 1990. Thông qua internet, người học được cung cấp toàn bộ kho tài liệu, bài giảng trực tuyến cũng như hướng dẫn bài tập vào địa chỉ email cá nhân hoặc cập nhật trên website chính thức của nhà trường. Đây là loại hình đào tạo làm tăng tính chủ động, tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại của người học. Song, sau hơn 20 năm hoạt động, loại hình này đang dần bộc lộ nhiều bất cập khiến các nhà quản lý phải suy ngẫm.

  • Trăm hoa đua nở

Những năm 1990, Việt Nam có 2 trường ĐH được Chính phủ giao nhiệm vụ đào tạo cử nhân hệ giáo dục từ xa chính cho cả nước là ĐH Mở Hà Nội và ĐH Mở TPHCM. Tuy nhiên, trong khoảng 5 năm trở lại đây, nhiều trường khác cũng bắt đầu mở hệ đào tạo này. Có thể kể đến các trường ĐH KHTN, ĐH CNTT (ĐHQG TPHCM) đào tạo cử nhân từ xa chuyên ngành CNTT, ĐH Kỹ thuật Công nghệ TPHCM (Hutech) đào tạo ngành Quản trị kinh doanh, ĐH Huế, ĐH Kinh tế quốc dân (Hà Nội), CĐ sư phạm Cà Mau đào tạo các ngành về sư phạm, kinh tế… Trong đó, đào tạo nhiều nhất là ĐH Bình Dương.

Theo Cẩm nang tuyển sinh năm 2013 hiện đăng tải trên website chính thức của nhà trường, năm nay trường mở lớp chiêu sinh hệ đào tạo từ xa ở cả 13 chuyên ngành: CNTT, công nghệ kỹ thuật điện - điện tử, công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng, kiến trúc, công nghệ sinh học, quản trị kinh doanh, kế toán, tài chính - ngân hàng, xã hội học, văn học, ngoại ngữ, du lịch (Việt Nam học) và giáo dục thể chất.

Theo một thống kê chưa đầy đủ, cả nước hiện có hơn 30 đơn vị đào tạo từ xa hệ ĐH, CĐ, trong đó tập trung nhiều ở Hà Nội và TPHCM. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, hầu hết các trường chỉ chạy đua về mặt số lượng, “trưng dụng” đội ngũ giảng viên chính quy hiện có chứ chưa đào tạo lực lượng giảng viên chuyên biệt dành riêng cho hệ đào tạo này. Bên cạnh đó, việc thiết kế chương trình học mỗi nơi một khác, giáo trình không thống nhất khiến chất lượng đào tạo mang tính “đèn nhà ai nấy sáng”. 

Chỉ cần một máy tính kết nối Internet, người học có thể tải về tất cả giáo trình, tài liệu tham khảo hỗ trợ học từ xa. Ảnh: THU TÂM

Chỉ cần một máy tính kết nối Internet, người học có thể tải về tất cả giáo trình, tài liệu tham khảo hỗ trợ học từ xa. Ảnh: THU TÂM

  • Lợi bất cập hại

Phạm Thùy Dương, 22 tuổi, đang học chuyên ngành tin học, hệ liên thông từ xa, ĐH Bình Dương, chi nhánh Cà Mau cho biết: “Chương trình học đi khá nhanh khiến em không theo kịp. Thời gian đào tạo chia làm nhiều đợt, thường bị giãn cách chứ không liên tục, có lúc học dồn dập, có lúc SV được nghỉ học khá dài. Thầy cô chỉ xuống chi nhánh dạy 3, 4 buổi đầu, phát giáo trình, hướng dẫn tài liệu học tập, còn lại trao đổi qua e-mail là chính”. Do đó, nội dung học đa phần chỉ là lý thuyết suông, thực hành gần như không có.

Tương tự, Phạm Thị Kiểu, 21 tuổi, đang theo học ngành giáo viên mầm non, CĐ Cà Mau than thở: “Học phí một năm hơn 6 triệu đồng nhưng lịch học thường xuyên bị thay đổi. Thời gian học rất ít, một tuần có thể kết thúc một môn, thậm chí cao điểm 3, 4 ngày hoàn thành một môn học. SV chỉ được hỗ trợ về mặt giáo trình, còn lại phải “tự bơi” là chính, giáo viên không hướng dẫn gì nhiều. Thời hạn ra trường tuy đã được quy định nhưng khó lòng thực hiện vì hiện nay, hợp đồng giảng dạy giữa một số giảng viên và nhà trường có nhiều khúc mắc, chưa giải quyết được nên suốt mấy tháng nay nhiều ngành đang phải tạm ngưng đào tạo do chưa tìm được giáo viên mới”. 

Ngoài ra, theo quy định của Bộ GD-ĐT, các trường ĐH, CĐ trong cả nước mở hệ đào tạo từ xa phải kết hợp 2 hình thức, hướng dẫn, cung cấp tài liệu cho SV tự nghiên cứu qua địa chỉ liên lạc cá nhân và tổ chức các tiết học trực tuyến qua mạng, thầy cô lên lớp online, giải đáp thắc mắc, tăng tính tương tác cho học viên.

Tuy nhiên, trên thực tế, hiện nay các trường chỉ làm nhiệm vụ cung cấp tài liệu đơn thuần, các buổi học trực tuyến qua mạng rất ít hoặc gần như không có. Nguyễn Khắc Chinh, SV năm 4 hệ đào tạo từ xa, lớp phần mềm 10.5, Trường ĐH Công nghệ Thông tin (ĐHQG TPHCM) cho biết, sau khi nộp hồ sơ đăng ký nhập học, mỗi học viên được cấp một account (tên người sử dụng) đăng nhập vào cổng thông tin phục vụ đào tạo của nhà trường.

Mặc dù trên lý thuyết, tài liệu học và mọi thông báo liên quan đến đào tạo đều được gửi trực tiếp vào địa chỉ e-mail cá nhân của từng người. Song trên thực tế, tình trạng mail không đến hay lỗi mạng thường xuyên xảy ra nên người học phải chủ động dùng tài khoản đăng nhập vào website chính của nhà trường cập nhật tin tức.

 Mô hình đào tạo từ xa mở ra ngày càng nhiều, như một phong trào nhưng chất lượng không ai đảm bảo. Thời gian học ngắn, người hướng dẫn và người học ít có dịp trao đổi nên học tập thường lấy lệ, mục tiêu có bằng ĐH trong tay nhiều hơn tích lũy kiến thức thực có Hứa Minh Đường, cựu SV ngành sư phạm sinh học, hệ đào tạo từ xa, Trường CĐ Sư phạm Cà Mau

Ngoài ra, do thời gian học tập trung khá ít, giảng viên không nhớ hết mặt SV nên thường xuyên xảy ra tình trạng thi nhờ, thi hộ. Nhiều người tốt nghiệp với tấm bằng đỏ trong tay nhưng kiến thức thực tế gần như không có. Hệ quả là đã có không ít doanh nghiệp nói không với người tốt nghiệp hệ đào tạo từ xa, học viên ra trường không tìm được việc làm như mong muốn.

Như vậy, đa dạng hóa các loại hình đào tạo nhằm giúp người học có thêm cơ hội lựa chọn phương thức học tập phù hợp là chủ trương đúng đắn, cần phát huy. Tuy nhiên, với thực tế hiện nay, các trường chạy đua về mặt số lượng, bỏ quên chất lượng khiến xã hội chưa có cái nhìn đúng mức về hệ đào tạo non trẻ này. Do đó, thiết nghĩ trong thời gian tới, Nhà nước cần phối hợp chặt chẽ hơn với các cấp, ngành, đặc biệt là các trường ĐH, CĐ lớn trong cả nước nhằm dự báo đầy đủ và chính xác hơn nhu cầu nhân lực của xã hội, từ đó đề ra các chiến lược đào tạo có định hướng rõ ràng, thoát khỏi cảnh lỡ chợ lỡ quê hiện nay.

T.TÂM - H.PHI - T.LIỄU

Tin cùng chuyên mục