Ý kiến: Đừng làm khó…

Bộ GD-ĐT vừa ban hành quy định bổ sung một số điều của Quy chế tốt nghiệp THPT năm 2013 và theo đó, người có bằng chứng về vi phạm quy chế thi cử chỉ được gởi bằng chứng cho cơ quan có thẩm quyền kể từ ngày thi cuối cùng để xử lý. 

Cụ thể, nơi tiếp nhận thông tin bằng chứng về vi phạm quy chế thi là Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT Trung ương hoặc Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh, TP và thanh tra giáo dục các cấp. Quy định mới này đang gây nhiều phản ứng trái chiều và dư luận cũng băn khoăn về tính minh bạch lẫn công khai của Bộ GD-ĐT trong việc giám sát, định hướng việc cung cấp thông tin tiêu cực trong thi cử.

Việc cấm phát tán những thông tin tiêu cực - vi phạm quy chế thi chẳng khác nào bưng bít sự thật (!?). Lật lại nhiều vụ việc tiêu cực ở những mùa thi trước, nhiều người cho rằng nếu không có những người dũng cảm, dám đứng ra tố cáo, phanh phui những hành vi quay cóp, quăng phao vào phòng thi… thì dư luận, xã hội làm sao biết được sự thật. Sự thực là có nhiều bằng chứng được người trong cuộc - tố cáo gởi đến các cơ quan chức năng thuộc Bộ GD-ĐT nhưng bị ém nhẹm hoặc chỉ đưa ra giải quyết sau khi báo chí lên tiếng. Điển hình vụ tiêu cực ở Hội đồng thi tốt nghiệp THPT Dân lập Đồi Ngô xảy ra trong mùa thi trước. Nếu clip với những hình ảnh tiêu cực gây chấn động dư luận không được thầy giáo Nguyễn Danh Ngọc công khai trên mạng thì vụ việc liệu có được xử lý nghiêm minh.

Trước đó, thầy Ngọc đã gởi đơn tố cáo lên các cơ quan chức năng của tỉnh Bắc Giang về việc tiêu cực tại Trường THPT Dân lập Đồi Ngô - Lục Nam nhưng phản hồi rất chậm, vì thế thầy Ngọc phải quay clip để làm bằng chứng tố cáo và tiêu cực về thi cử ở đây mới bị phanh phui, giải quyết đúng hướng. Bài học từ vụ việc này đã cảnh báo rằng việc giám sát thi cử nhằm đảm bảo chất lượng vẫn còn không ít vết mờ và bệnh sính thành tích trong giáo dục vẫn tạo mầm mống gian lận, sai sự thật. Mặc dù ngành giáo dục đã có nhiều cố gắng để nâng cao chất lượng quản lý, chấn chỉnh những vi phạm trong quy chế thi tốt nghiệp THPT và hướng tới kết quả thực học.

Thế nhưng, việc cần làm để kết quả thi tốt nghiệp thể hiện đúng bản chất của việc đào tạo, giáo dục học sinh suốt 12 năm đèn sách chính là đầu ra đạt chất lượng theo chuẩn cũng như yêu cầu của xã hội. Đó là thực học, thực hành, trở thành công dân hữu ích, biết sống, làm việc cũng như ứng xử có văn hóa. Dù không mong muốn điều không tốt và hy vọng kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới sẽ diễn ra suôn sẻ nhưng chắc chắn điều toàn diện tuyệt đối là khó đạt được. Vì thế, nếu đâu đó vẫn còn xảy ra tiêu cực - vi phạm quy chế thi thì cần khuyến khích người tố cáo cung cấp bằng chứng cụ thể và tạo điều kiện để họ mạnh dạn tố cáo chứ không nên “làm khó” bằng quy định nêu trên.

Việc không khuyến khích tố cáo những hành vi tiêu cực sẽ tạo đất sống cho sự thỏa hiệp, thậm chí ém nhẹm thông tin xấu để khoác lên mình kết quả thi tốt nghiệp đẹp như mơ. Chúng ta đang bước vào cuộc cách mạng đổi mới cơ bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân. Nếu chúng ta không dám đối mặt với sự thật, không mạnh dạn khuyến khích những hành động dũng cảm đấu tranh với cái xấu đang làm hoen ố nền giáo dục, nhất là gian lận thi cử thì làm sao có thể hướng tới một nền giáo dục tiên tiến như mong ước?

Thiên Hoàng

Tin cùng chuyên mục