Đậu 100% - thi làm gì?

Sau nhiều ngày chờ đợi mòn mỏi, thậm chí đoán già đoán non, cuối cùng giáo viên, phụ huynh và học sinh lớp 12 mới có thông tin chính thức sẽ thi tốt nghiệp 6 môn: Toán, Ngữ văn, ngoại ngữ, Hóa học, Sinh học, Địa lý. Tạm thời căng thẳng được giải tỏa nhưng băn khoăn, lo sợ cũng xuất hiện. Phần đông hỉ hả, thở phào nhẹ nhõm vì môn thi gần với khối thi đại học nhưng ngược lại cũng có không ít học sinh nhăn mặt với môn Hóa học, Sinh học, Địa lý.

Sau nhiều ngày chờ đợi mòn mỏi, thậm chí đoán già đoán non, cuối cùng giáo viên, phụ huynh và học sinh lớp 12 mới có thông tin chính thức sẽ thi tốt nghiệp 6 môn: Toán, Ngữ văn, ngoại ngữ, Hóa học, Sinh học, Địa lý. Tạm thời căng thẳng được giải tỏa nhưng băn khoăn, lo sợ cũng xuất hiện. Phần đông hỉ hả, thở phào nhẹ nhõm vì môn thi gần với khối thi đại học nhưng ngược lại cũng có không ít học sinh nhăn mặt với môn Hóa học, Sinh học, Địa lý.

Theo phân tích của các nhà giáo lâu năm, môn Sinh học khiến học sinh sợ nhiều hơn vì môn này dài, phải nhớ nhiều kiến thức. Có học sinh lỡ chú tâm học môn Sử theo tư vấn dự báo của người lớn lại cảm thấy thất vọng. Đúng là sai một ly đi một dặm! Do phán đoán mò là dư luận lên án học sinh dốt Sử nên sẽ thi Sử tiếp, nào ngờ lại thi môn Địa lý (6 năm liên tiếp). Nói tóm lại, học sinh nào có ưu thế về những môn thi thì vui mừng, còn lại lo lắng, thất vọng và sợ chạy không kịp với thời gian vì ngày thi đang đến gần.

Dù môn thi đã được công bố nhưng dư luận vẫn tỏ ra bức xúc và nhận thấy cách làm của bộ tiếp tục gây sốc, khiến người trong cuộc - học sinh, thầy cô, nhà trường - cảm thấy như nằm trên đống lửa. Không những thế, nhiều người còn đặt câu hỏi: Tại sao Bộ GD-ĐT hô hào đổi mới giáo dục, đổi mới thi cử nhưng luôn gieo sự bất an, hoang mang cho người học lẫn người dạy vì năm nào cũng chơi trò ú tim, úp úp mở mở về 3 môn thi còn lại? Chẳng những thế, bộ luôn để giờ chót mới công bố thông tin khiến chuyện học xáo trộn và học sinh bị dồn nén tâm lý, mệt mỏi tinh thần. Chính sự đánh đố về môn thi này cộng với sự nôn nóng chờ đợi thông tin của học sinh đã tạo ra tin đồn thất thiệt mới xảy ra là sẽ thi tốt nghiệp THPT 3 môn: Thể dục, Giáo dục công dân và Công nghệ. Việc hệ trọng liên quan đến kỳ thi quốc gia này cũng bị đem ra làm trò đùa, buộc bộ phải tuyên bố là tin vịt.

Lỗi tại ai? Thứ nhất, nếu bộ ấn định ngày công bố môn thi tốt nghiệp THPT sẽ loại bỏ sự cố về tin vịt và học sinh, thầy cô sẽ yên tâm hơn nếu thời gian là đầu học kỳ 2. Thứ hai, nếu coi trọng việc đánh giá chất lượng học tập của học sinh là thực học, bộ phải thay đổi cách thi cử và dừng xem tỷ lệ học sinh tốt nghiệp đẹp như mơ là mục tiêu của giáo dục. Thử hỏi, trong một thời gian ngắn, học sinh cuối cấp phải chịu sức ép từ sự đánh đố về môn thi tốt nghiệp, cộng thêm nỗi lo phải vượt vũ môn thi đại học, cao đẳng thì sức nào chịu nổi?

Để hướng đến nền giáo dục “sạch và minh bạch”, bộ phải thay đổi tư duy đánh giá chất lượng học sinh THPT, giảm áp lực học hành, thi cử không cần thiết. Nếu duy trì kỳ thi tốt nghiệp THPT để ra một kết quả đẹp như mơ, địa phương nào cũng có tỷ lệ đậu cao xấp xỉ 100%, cần gì phải duy trì kỳ thi quốc gia tốn kém thời gian, công sức của toàn xã hội?

ÁNH LY

Tin cùng chuyên mục