Trường gắn mác quốc tế ở TPHCM - Chính danh ít, lắp ghép nhiều

Trường nào cũng quảng bá đẳng cấp quốc tế, hàng đầu và thu học phí cao ngất ngưởng, thế nhưng chất lượng đào tạo được đánh giá, kiểm định đến đâu? Làm thế nào để phân biệt trường chính danh quốc tế hoặc chỉ là lắp ghép, mượn danh? Đó là những câu hỏi khiến dư luận, phụ huynh quan tâm.
Trường gắn mác quốc tế ở TPHCM - Chính danh ít, lắp ghép nhiều

Trường nào cũng quảng bá đẳng cấp quốc tế, hàng đầu và thu học phí cao ngất ngưởng, thế nhưng chất lượng đào tạo được đánh giá, kiểm định đến đâu? Làm thế nào để phân biệt trường chính danh quốc tế hoặc chỉ là lắp ghép, mượn danh? Đó là những câu hỏi khiến dư luận, phụ huynh quan tâm.

Minh họa: Anh Dũng

Minh họa: Anh Dũng

  • Tiền nào của nấy?

Trong xu thế mở cửa và hội nhập quốc tế, nhiều mô hình giáo dục tiên tiến từ các nước phát triển du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng được phụ huynh có điều kiện về tài chính đón nhận. Cho con học trường quốc tế đang được xem là xu hướng đầu tư du học tại chỗ và chuẩn bị hành trang du học nước ngoài.

Khảo sát cho thấy, các trường chính danh 100% quốc tế, nghĩa là dạy chương trình nước ngoài, thầy ngoại chuẩn và được các nước công nhận bằng cấp chỉ khoảng trên 10 trường. Đó là những trường quốc tế gắn với các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến như Anh, Mỹ, Úc, Canada…, và được đầu tư bài bản, môi trường chuẩn, cơ sở vật chất khang trang, đội ngũ giáo viên nước ngoài có bằng cấp sư phạm, dạy chương trình tốt…Điển hình như Trường quốc tế Việt Nam (ACGIS), Quốc tế Sài Gòn (AIS), Quốc tế TPHCM (ISHCMC), Quốc tế Nam Sài Gòn (SSIS), Quốc tế Anh (BIS), Quốc tế Canada (CIS), Trường THPT dân lập quốc tế (APU)…

Mức học phí ở những trường quốc tế này khá cao, dao động từ 15.000-22.000 USD/năm. Tuy nhiên, học trong môi trường quốc tế thật sự này học sinh có cơ hội phát triển toàn diện và phụ huynh hài lòng với khoản tiền kếch sù đã bỏ ra. Bên cạnh đó, một số trường có yếu tố nước ngoài, dạy chương trình song ngữ như Trường song ngữ Horizon (HIBS)… cũng được nhiều phụ huynh chọn lựa vì giá cả mềm hơn và điều khiến họ yên tâm là con em mình vẫn được học chương trình Việt.

Còn loại hình nữa là trường thuần Việt được cấp phép dạy chương trình nước ngoài, đội ngũ giáo viên nước ngoài và bằng cấp được nước ngoài công nhận. Mô hình này cũng góp phần mở rộng cơ hội cho học sinh tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến nhưng chi phí thấp. Là trường THPT công lập ở TPHCM đầu tiên thí điểm mô hình này, Trường THPT quốc tế Việt - Úc (SIC) đã chứng minh rằng, nếu được đầu tư bài bản thì trường công lập cũng có thể tạo được môi trường giáo dục quốc tế chuẩn với chi phí vừa phải khoảng 150 triệu đồng/năm (chỉ bằng 1/3 so với trường quốc tế 100%).

Học sinh Trường THPT Việt - Úc trong giờ học với giáo viên nước ngoài.

Học sinh Trường THPT Việt - Úc trong giờ học với giáo viên nước ngoài.

Như vậy, trong tổng số khoảng 50 trường quốc tế ở TPHCM, tỷ lệ chính danh thì ít, còn lại “mượn danh, lắp ghép” mác quốc tế cho oai thì nhiều. Thực tế cho thấy, một số trường dân lập, tư thục được cấp phép dạy chương trình của Bộ GD-ĐT, kèm lồng ghép chương trình tiếng Anh tăng cường hoặc dạy chương trình liên kết với nước ngoài nhưng lạm dụng danh xưng quốc tế hơi nhiều.

Để chiêu dụ học sinh, phụ huynh, một số trường còn lập lờ về pháp nhân, đánh bóng tên tuổi bằng nhiều chiêu. Họ tuyển sinh và quảng bá “lên mây” là trường hàng đầu, đào tạo công dân toàn cầu; dạy chương trình liên kết quốc tế, thầy ngoại và cấp bằng tương đương trình độ quốc tế… Sự mạo danh này khiến không ít phụ huynh ngộ nhận con mình đang học ở môi trường quốc tế thật.

Tuy nhiên, chỉ đến khi gặp chuyện trục trặc như chuyển tiếp sang nước ngoài du học thì họ mới vỡ lẽ, trường quốc tế con mình học chỉ thuần là trường Việt Nam và nước sở tại không công nhận bằng cấp này.

Ông Trần có con học ở trường quốc tế M, kể rằng sau khi con ông học xong lớp 10 và chuyển sang lớp 11 ở một trường trung học ở Mỹ nhưng bị buộc học lại lớp 10. Lý do là chương trình học và tín chỉ ở trường này không được công nhận. Vậy mà khi nhập học, trường cam kết như đinh đóng cột là học sinh có thể yên tâm về chất lượng đào tạo và chuyển tiếp du học ở bất cứ trường trung học nào của Mỹ.

  • Cần định danh đúng

Một số phụ huynh sau đầu tư cho con học ở trường dân lập quốc tế cũng cảm thấy chất lượng đào tạo không đúng như quảng cáo và chi phí mỗi năm tăng cao nên phải cân nhắc chuyện ở hay đi. Sau 3 năm cho con học ở Trường quốc tế A.C, chị Vân lôi con trở lại trường học công với lý do trình độ tiếng Việt, toán của con trai nhàng nhàng, còn tiếng Anh không có gì nổi trội.

Tương tự, chị Nguyệt cho con học Trường quốc tế V-U với số tiền cả chục triệu đồng/tháng nhưng không yên tâm về chất lượng đào tạo. Hết giờ học ở trường quốc tế, chị Nguyệt lại chở con học thêm toán, tiếng Việt và tiếng Anh ở bên ngoài. Hai vợ chồng chị đang phân vân trước quyết định cho con học tiếp trường dân lập quốc tế hay quay về trường công. Đường nào cũng khó.

Theo một số hiệu trưởng từng tiếp nhận học sinh từ các trường quốc tế thì khả năng giao tiếp tiếng Anh của các em khá tốt, nhưng các môn tự nhiên và khoa học xã hội thì kém học sinh công lập. Như thế đã chọn học ở các trường dân lập có yếu tố nước ngoài phụ huynh phải cân nhắc kỹ vì cùng học chương trình của Bộ GD-ĐT nhưng yêu cầu về chất lượng, phương pháp dạy lại khác nhau.

Một giáo viên từng dạy ở Trường quốc tế C.A.TBD bộc bạch: “Để làm vui lòng phụ huynh, nhà trường hay bắt giáo viên phải nâng điểm môn học, vẽ kết quả đẹp. Vì không thể làm trái chức trách nhà giáo nên tôi chọn nghỉ việc…”.

Không thể phủ nhận sự đóng góp của hệ thống trường có yếu tố nước ngoài ở TPHCM đối với sự nghiệp giáo dục trong thời gian qua. Tuy nhiên đã đến lúc cần phải làm rõ danh xưng, chất lượng đào tạo của trường mang tên quốc tế có đúng với nội dung quảng cáo hay không?

Giải thích tình trạng loạn trường gắn mác quốc tế, ông Nguyễn Hoài Chương, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP, nói: “Từ năm 2006, sở đã thành lập ban quản lý các trường có yếu tố nước ngoài chứ không gọi là trường quốc tế. Nhưng sở chỉ có thể kiểm tra việc dạy chương trình tiếng Việt theo quy định (3 môn văn, sử, địa) thôi. Còn họ dạy chương trình quốc tế có đúng như nội dung cấp phép hay không thì… không thể”.

Cũng theo ông Chương, hiện chưa có quy chế nào để đánh giá chất lượng đào tạo của các trường quốc tế và sở đang chờ thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 73/CP của Chính phủ. Trong khi các trường phổ thông dạy chương trình nước ngoài được kiểm định theo chuẩn của nước sở tại và trường quốc tế chính danh ở Việt Nam được giám định chất lượng thông qua các tổ chức kiểm định độc lập, có uy tín thì có nhiều trường quốc tế “lắp ghép” ở Việt Nam tự công bố chất lượng, quảng bá chuẩn riêng của mình. Điều này cho thấy đã đến lúc Bộ GD-ĐT phải ban hành chuẩn đánh giá, thẩm định chất lượng đào tạo của các trường có yếu tố nước ngoài và định danh lại trường nào được gắn tên quốc tế. 

KHÁNH BÌNH

Tin cùng chuyên mục